Chủ tịch Quốc hội: Nhiều nhà đầu tư chọn Việt Nam là trung tâm sản xuất
Giới thiệu về tiềm năng của Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, nhiều nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn Việt Nam là trung tâm sản xuất chiến lược, kết nối với các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Sáng nay, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân Nguyễn Thị Thanh Nga cùng đoàn đại biểu Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Zvartnots, Thủ đô Yerevan, bắt đầu thăm chính thức Armenia theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Alen Simonyan.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã dự tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam - Armenia.
Phó Chủ tịch Quốc hội Armenia Hakob Arshakyan cho biết, kim ngạch thương mại giữa Armenia - Việt Nam ngày càng tăng cao trong những năm qua.
Tuy nhiên, tiềm năng, dư địa hợp tác còn rất lớn, cần được thúc đẩy, khai thác mạnh mẽ với quy mô lớn hơn, đặc biệt trong các lĩnh vực thực phẩm, giáo dục, khoa học công nghệ, công nghệ cao…

Chủ tịch Quốc hội cho biết, Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị, cấu trúc đầu tư mới của khu vực và toàn cầu, đặc biệt trong các lĩnh vực điện tử, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, bán dẫn. Ảnh: Quốc hội
Phát biểu tại tọa đàm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Việt Nam đạt nhiều thành tựu trong phát triển, được cộng đồng thế giới đánh giá cao và trở thành điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn.
Việt Nam trở thành một trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, nằm trong nhóm 20 nền thương mại hàng đầu, xếp thứ 32 trong top 100 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới; đã ký 17 FTA với hơn 60 nước.
Tăng trưởng GDP cả năm 2024 ước đạt trên 7%, thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, được nhiều tổ chức quốc tế lớn, có uy tín đánh giá cao.
Thu hút đầu tư nước ngoài là một điểm sáng. Năm 2024, thu hút FDI đạt gần 38,23 tỷ USD; vốn FDI thực hiện đạt gần 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, đánh dấu mức giải ngân cao nhất từ trước đến nay.
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn Việt Nam là trung tâm sản xuất chiến lược, kết nối với các chuỗi cung ứng toàn cầu...
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Việt Nam và Armenia đều có nền kinh tế mở, xuất khẩu đóng vai trò quan trọng, có năng lực thích ứng với các nguyên tắc thương mại quốc tế. Việt Nam đã tham gia Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu, trong đó có Armenia với triển vọng sẽ mang lại cơ hội lớn để phát triển và làm sâu sắc hơn quan hệ kinh tế thương mại.
Hợp tác theo nguyên tắc “cùng có lợi, cùng thành công”
Chủ tịch Quốc hội gợi mở một số định hướng mà doanh nghiệp hai nước có thể hợp tác.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá Armenia được biết đến như một "thung lũng silicon" của khu vực với ngành công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ. Còn Việt Nam cũng đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực.
Chủ tịch Quốc hội khuyến khích doanh nghiệp hai bên hợp tác phát triển phần mềm, trí tuệ nhân tạo và giải pháp công nghệ cho giáo dục, y tế, và quản lý đô thị thông minh.
Về nông nghiệp và chế biến thực phẩm, theo Chủ tịch Quốc hội, Việt Nam có thể cung cấp các sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới như cà phê, hạt điều, thủy sản; trong khi Armenia có thể chia sẻ kinh nghiệm về chế biến nông sản chất lượng cao, đặc biệt là rượu vang và trái cây sấy khô.

Các đại biểu tham dự tọa đàm. Ảnh: TTXVN
Về năng lượng tái tạo, cả Việt Nam và Armenia đều cam kết phát triển bền vững. Doanh nghiệp hai bên có thể cùng nghiên cứu và đầu tư vào các dự án năng lượng mặt trời, gió và thủy điện nhỏ, tận dụng công nghệ tiên tiến của Armenia và nguồn tài nguyên dồi dào của Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các bộ, ngành, hiệp hội phát huy vai trò cầu nối để thúc đẩy sự trao đổi, hợp tác theo nguyên tắc “cùng có lợi, cùng thành công”.
Chính phủ 2 nước tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp hợp tác và đầu tư, kinh doanh thành công, phù hợp quy định pháp luật...
Thăm bảo tàng trưng bày hơn 400.000 hiện vật từ thời tiền sử đến hiện đại
Cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội và Phu nhân cũng đã tham quan Bảo tàng Lịch sử quốc gia Armenia.
Được thành lập vào năm 1919, bảo tàng tọa lạc tại Quảng trường Cộng hòa ở Yerevan, là một trong những bảo tàng quan trọng nhất của Armenia, lưu giữ và trưng bày hơn 400.000 hiện vật phản ánh lịch sử, văn hóa Armenia từ thời tiền sử đến hiện đại.

Ảnh: Quốc hội
Chủ tịch Quốc hội và Phu nhân được nghe giới thiệu về các bộ sưu tập nổi bật tại bảo tàng. Trong đó, “Khảo cổ học” là bộ sưu tập lớn nhất, chứa đựng hàng trăm nghìn hiện vật từ thời kỳ đồ đá đến thời Trung cổ. Đặc biệt, có những hiện vật đến từ Vương quốc Urartu – nền văn minh rực rỡ từng tồn tại tại vùng đất Armenia từ thế kỷ 9 trước công nguyên.
Ghi sổ vàng lưu bút, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn bày tỏ qua từng hiện vật, cảm nhận sâu sắc bề dày truyền thống, tinh thần bất khuất và bản sắc độc đáo của đất nước Armenia qua hàng nghìn năm lịch sử.
"Chuyến thăm là cơ hội để tôi tìm hiểu thêm về Armenia mà còn là dịp để thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị giữa Việt Nam và Armenia – mối quan hệ được xây đắp bởi sự tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau và những giá trị chung về hòa bình, phát triển", Chủ tịch Quốc hội nói.