Chủ tịch Quốc hội: Kỳ họp thứ 9 sẽ ưu tiên nội dung cấp thiết về sắp xếp tổ chức bộ máy
Do kỳ họp khai mạc sớm hơn thường lệ, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ và các cơ quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ, nỗ lực, quyết tâm cao nhất để hoàn thiện hồ sơ, tài liệu các nội dung kỳ họp.
Sớm bổ sung các nội dung về sắp xếp bộ máy
Chiều 31/3, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên họp, cho ý kiến về chuẩn bị Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XV.
Tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, dự kiến kỳ họp tới đây, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định 44 nội dung thuộc công tác lập pháp; 12 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác; 8 nhóm nội dung gửi báo cáo để đại biểu Quốc hội nghiên cứu.

Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng tại phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển
Theo ông Tùng, hiện nay Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan khẩn trương chuẩn bị hồ sơ tài liệu báo cáo cấp có thẩm quyền và trình Quốc hội xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và sửa đổi toàn diện Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.
Đối với các nội dung còn lại, hiện nay chưa có tờ trình đề nghị bổ sung vào chương trình lập pháp năm 2025. Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị các cơ quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ tài liệu gửi các cơ quan của Quốc hội để thẩm tra, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định; đồng thời, tiếp tục rà soát, sớm đề xuất bổ sung các nội dung thật cần thiết để đáp ứng yêu cầu về sắp xếp tổ chức bộ máy.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội cho phép áp dụng kể từ Kỳ họp thứ 9 trở đi sẽ không trình bày các báo cáo thẩm tra; rút ngắn thời gian trình bày các tờ trình nhằm tiếp tục cải tiến cách thức tiến hành kỳ họp.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, khối lượng công việc của Kỳ họp thứ 9 là khổng lồ, nhiệm vụ rất nặng nề, do đó, các cơ quan chủ trì soạn thảo cần tích cực chuẩn bị tài liệu, gửi sớm đến các cơ quan của Quốc hội để tiến hành thẩm tra.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: QH
Sửa đổi Hiến pháp năm 2013
Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí dự kiến chương trình và cách thức tiến hành Kỳ họp thứ 9 theo hướng: báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền để triệu tập kỳ họp và khai mạc kỳ họp vào ngày 5/5.
Do khối lượng công việc trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp rất lớn, vì vậy, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, tại kỳ họp lần này sẽ ưu tiên trình Quốc hội xem xét, quyết định các nội dung thực sự cấp thiết phục vụ công tác sắp xếp tổ chức bộ máy; những vấn đề điều chỉnh luật, nghị quyết có liên quan mật thiết tới phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đất nước.
Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội, tiến hành theo 2 đợt, có thời gian nghỉ giữa 2 đợt để các cơ quan tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Chủ tịch Quốc hội giao Tổng Thư ký Quốc hội chỉnh lý dự kiến chương trình kỳ họp theo hướng: Bảo đảm việc triển khai các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; nhất trí nội dung và cách thức tiến hành đối với việc xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 theo đề nghị của Tổng Thư ký Quốc hội.
Kỳ họp tới đây sẽ không bố trí thời gian trình bày báo cáo thẩm tra các dự án luật, dự thảo nghị quyết (trừ các nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước) và sẽ báo cáo Quốc hội về vấn đề này tại phiên họp trù bị (trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua chương trình kỳ họp). Thời gian chất vấn và trả lời chất vấn sẽ diễn ra trong 1,5 ngày…
Do kỳ họp khai mạc sớm hơn thường lệ, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ và các cơ quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ, nỗ lực, quyết tâm cao nhất để hoàn thiện hồ sơ, tài liệu các nội dung kỳ họp, nhất là các nội dung trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình một kỳ họp.