Chủ tịch Quốc hội gặp mặt Đại sứ một số nước châu Âu

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Bulgaria, chiều tối 24/9 (giờ địa phương), tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam ở thủ đô Sofia, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã gặp mặt Đại sứ Việt Nam tại Bulgaria và một số quốc gia lân cận gồm Czech, Romania, Slovakia, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ….

Chủ tịch Quốc hội gặp mặt một số Đại sứ Việt Nam tại các nước châu Âu - Ảnh: Quochoi.

Chủ tịch Quốc hội gặp mặt một số Đại sứ Việt Nam tại các nước châu Âu - Ảnh: Quochoi.

Sau khi lắng nghe các Đại sứ báo cáo về công tác của Đại sứ quán, công tác bảo hộ công dân tại các nước, tình hình quan hệ Việt Nam với các nước, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao và biểu dương các Đại sứ cùng cán bộ, nhân viên các cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước đã nỗ lực xây dựng tập thể đoàn kết, vững mạnh, triển khai toàn diện và hiệu quả các trọng tâm đối ngoại và công tác bảo hộ công dân, công tác người Việt Nam ở nước ngoài với nhiều kết quả tích cực.

Các Đại sứ quán đã hoàn thành tốt những nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh Việt Nam trong cộng đồng quốc tế, thúc đẩy quan hệ Đối tác và Hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) cũng như quan hệ với các nước bạn bè hữu nghị truyền thống là Bulgaria, Czech, Romania, Slovakia, Hy Lạp, quan hệ hữu nghị và hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ.

Chủ tịch Quốc hội thông tin về tình hình đất nước, đặc biệt là công tác đối ngoại năm nay hết sức sôi động, hiệu quả và nhiều dấu ấn, trong đó Quốc hội Việt Nam đã đón nhiều đoàn nghị sĩ, chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp các nước châu Âu và nhiều đối tác quốc tế khác. Mới đây, Quốc hội Việt Nam đã đăng cai tổ chức rất thành công Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, thu hút sự tham dự của hơn 300 nghị sĩ đến từ khoảng 70 nghị viện các nước thành viên của Liên minh Nghị viện thế giới.

Chủ tịch Quốc hội trao quà Trung thu cho các cháu học sinh - Ảnh: Quochoi.

Chủ tịch Quốc hội trao quà Trung thu cho các cháu học sinh - Ảnh: Quochoi.

Nhấn mạnh châu Âu là đối tác quan trọng của Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội mong muốn các Đại sứ và cán bộ, nhân viên các Đại sứ quán tại các nước tiếp tục quán triệt đầy đủ, sâu sắc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và kết quả Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII (tháng 12/2022), triển khai mạnh mẽ và toàn diện các văn kiện lớn mang tính định hướng trong lĩnh vực đối ngoại như Nghị quyết 34-NQ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, Chỉ thị 25-CT/TW ngày 8/8/2018 của Ban Bí thư về việc đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư ngày 10/8/2022 về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030 và Kết luận số 12 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài.

Trong đó, Chủ tịch Quốc hội đặc biệt nhấn mạnh quan điểm của Đảng ta về "xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân", các hoạt động đối ngoại phải kết hợp nhuần nhuyễn, chặt chẽ giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và giao lưu nhân dân.

Trong bối cảnh thế giới đang biến chuyển nhanh, khó lường, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan đại diện phát huy hơn nữa vai trò tiên phong trong việc góp phần nâng cao vị thế đối ngoại, bảo đảm môi trường hòa bình và tận dụng các nguồn lực bên ngoài phục vụ các mục tiêu phát triển của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ thế giới đang trong giai đoạn tái cơ cấu thương mại và đầu tư, đòi hỏi các nước phải hợp tác với nhau, vừa duy trì, củng cố các chuỗi cung ứng hiện có vừa phát triển những chuỗi cung ứng mới; hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và EU tuy đã có những bước phát triển rất mạnh mẽ kể từ sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU được phê chuẩn, song vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn của hai bên. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Đại sứ cần đặc biệt chú trọng công tác ngoại giao kinh tế, thúc đẩy các quốc gia còn lại sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, đem lại lợi ích cho cả hai bên.

Chủ tịch Quốc hội cũng gợi mở các lĩnh vực hợp tác trọng điểm cần tích cực thúc đẩy giữa Việt Nam và các nước EU, đặc biệt những quốc gia ở khu vực Đông Nam châu Âu, trong thời gian tới như lao động, nông sản, công nghệ thông tin và các lĩnh vực mới như chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo...

Về cộng đồng người Việt Nam ở châu Âu, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ đây là cộng đồng lớn và phân bố rộng khắp, với nhiều tổ chức hội đoàn, đa dạng, phong phú và luôn đoàn kết, yêu nước, luôn hướng về quê hương đất nước. Do đó, công tác người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân cần được các Đại sứ và cán bộ, nhân viên cơ quan đại diện Việt Nam tại châu Âu quan tâm sát sao, ưu tiên và triển khai chủ động hơn nữa theo tinh thần Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị và Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: "Đại sứ quán là 'mái nhà chung' của đồng bào ta ở nước sở tại".

Chủ tịch Quốc hội gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Bulgaria và 5 nước châu Âu khác gồm Hy Lạp, Romania, Thổ Nhĩ Kỳ, Czech và Slovakia - Ảnh: Quochoi.

Cũng trong chiều 24/9 (giờ địa phương), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Bulgaria và 5 nước châu Âu khác gồm Hy Lạp, Romania, Thổ Nhĩ Kỳ, Czech và Slovakia. Cùng tham dự buổi gặp gỡ có Đại sứ Việt Nam tại các nước. Chủ tịch Quốc hội cho rằng đây có thể coi như cuộc tiếp xúc cử tri đặc biệt, trong đó có những “cử tri vô cùng đặc biệt” như cụ Nguyễn Thị Cháu (94 tuổi), cụ Trần Thị Nguyện (87 tuổi).

Nhấn mạnh vốn quý của mối quan hệ song phương là Việt Nam đã có khoảng 30.000 người từng học tập, lao động ở Bulgaria và hiện có khoảng 1.000 người Việt Nam đang học tập, sinh sống tại “Xứ sở hoa hồng”, Chủ tịch Quốc hội đánh giá đây là tài sản, cầu nối cần phát huy; thúc đẩy hợp tác về giáo dục, đào tạo; hợp tác về công nghệ thông tin, điện tử do chi phí logistics không cao…

Nêu bật nguồn lực của cộng đồng người Việt Nam có những đóng góp to lớn, bà con luôn hướng về quê hương đất nước, đơn cử như hành động ủng hộ gần 1 tỷ đồng hỗ trợ các nạn nhân trong vụ cháy xảy ra ở quận Thanh Xuân, Hà Nội vừa qua, Chủ tịch Quốc hội cho rằng sự ủng hộ, nghĩa cử của bà con hướng về đất nước thời gian qua là hết sức đáng trân trọng.

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng khi vừa qua, Slovakia là quốc gia thứ 2 (sau Czech) công nhận cộng đồng người Việt Nam là cộng đồng dân tộc thiểu số; nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam tại châu Âu đạt thành tích cao trong học tập. Theo Chủ tịch Quốc hội, sự công nhận này thể hiện sức lớn mạnh của cộng đồng, tạo điều kiện cho bà con hội nhập sâu vào xã hội sở tại và đóng góp cho sự phát triển của quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam và các nước trong khu vực.

Chủ tịch Quốc hội mong bà con nỗ lực phấn đấu xây dựng cộng đồng đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng phát triển, chú trọng giữ gìn, phát huy tiếng Việt, bản sắc văn hóa dân tộc và đóng góp xây dựng quê hương, đất nước ngày càng hùng cường, thịnh vượng...

Tại Đại sứ quán, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các thành viên Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã chứng kiến lễ ra mắt Quỹ Khuyến học của Cộng đồng người Việt Nam tại Bulgaria, đồng thời đóng góp ủng hộ Quỹ; khai trương Vườn Quê hương, không gian trưng bày các sản phẩm kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Vy Vy

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/chu-tich-quoc-hoi-gap-mat-dai-su-mot-so-nuoc-chau-au.htm
Zalo