Chủ tịch Quốc hội đưa ra 5 vấn đề trong sửa Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Cho ý kiến thảo luận tại tổ về Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) trong sáng nay, 12/2, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, cần tăng cường trách nhiệm đến cùng của các cơ quan soạn thảo luật.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Kỳ họp bất thường lần thứ 9 cho ý kiến về việc thực hiện tổng kết Nghị quyết 18 tinh gọn bộ máy mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương hiện đã ban hành nghị quyết, Quốc hội cụ thể hóa thông qua việc sửa đồng bộ ba dự án Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, có một nội dung rất quan trọng nữa là sửa đổi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Việc sửa đổi các luật này đã bám sát quan điểm chỉ đạo của Đảng, các nghị quyết.
![Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_65_51457721/d8b85ce16baf82f1dbbe.jpg)
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu.
Chủ tịch Quốc hội lấy ví dụ, trong diễn biến liên tục của kinh tế - xã hội, việc điều hành của Chính phủ đã phát sinh những vướng mắc do Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Thực tế này đã đặt ra cần phải sửa đổi luật hiện hành.
Theo đó, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có 173 điều, dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp này chỉ còn 72 điều, giảm 101 điều. Những điều khoản giảm các quy định liên quan đến nghị định, thông tư. Trên quan điểm xây dựng pháp luật theo hướng, những việc thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì Quốc hội quy định, những việc thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Chính phủ sẽ quy định. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho Chính phủ chủ động, linh hoạt trong điều hành kinh tế - xã hội.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc sửa Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là trụ cột cho việc xây dựng các luật mới, cũng như sửa đổi, bổ sung các luật bảo đảm đúng thẩm quyền.
![Phiên thảo luận tại tổ về Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_65_51457721/e4036b5a5c14b54aec05.jpg)
Phiên thảo luận tại tổ về Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi)
Chủ tịch Quốc hội đã đưa ra 5 vấn đề chính trong sửa luật, trong đó hướng tới tăng cường vai trò cơ quan trình trong việc chịu trách nhiệm đến cùng, đặc biệt là trách nhiệm của những bộ trưởng, trưởng ngành. Bởi trên thực tế, có những dự luật, các cơ quan soạn thảo mới chỉ đáp ứng được 50-60% yêu cầu rồi chuyển sang các cơ quan của Quốc hội hoàn thiện.
Tiếp đó, tách quy trình chính sách ra khỏi quy trình lập, dự kiến chương trình lập pháp, phân định rõ quy trình chính sách và quy trình soạn thảo, hoàn thiện cơ chế một luật sửa nhiều luật. Chủ tịch Quốc hội lấy ví dụ, vừa qua, Quốc hội đã quyết tâm, quyết liệt đổi mới trong các kỳ họp đó là áp dụng 1 luật sửa 4 luật liên quan đến đầu tư, 1 luật sửa 9 luật liên quan đến tài chính ngân sách.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội nhất trí bổ sung Nghị quyết của Chính phủ là văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện đúng theo sự chỉ đạo của cấp thẩm quyền, nhưng yêu cầu đặt ra cần rà soát kỹ lưỡng quy định nội dung ban hành Nghị quyết của Chính phủ, tại Khoản 2, Điều 4, tránh trùng lặp với nội dung khi ban hành Nghị định.
![Toàn cảnh phiên thảo luận](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_65_51457721/0baa85f3b2bd5be302ac.jpg)
Toàn cảnh phiên thảo luận
Quốc hội đồng tình định hướng đổi mới quy trình lập pháp theo hướng các dự án luật, nghị quyết về nguyên tắc sẽ xem xét, thông qua trong một kỳ họp, nhưng chỉ quy định theo hướng là tại kỳ họp sẽ thảo luận các ý kiến còn khác nhau. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, vấn đề này phải xác định hồ sơ, trình tự, thủ tục rõ ràng.
Điều lưu ý cuối cùng là luật phải đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, nhất là các dự án luật khác cùng được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp bất thường lần này như: dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi); dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, nếu Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) được các Đại biểu Quốc hội nhấn nút thông qua sẽ tạo điều kiện cho việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật trong năm 2025 và tạo điều kiện cho nhiệm kỳ Quốc hội khóa XVI, năm 2026 - 2031.