Chủ tịch Quốc hội dự Hội nghị triển khai công tác ngành Kiểm sát nhân dân năm 2025
Chiều 19/12, tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai công tác ngành Kiểm sát nhân dân năm 2025.
Nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố
Theo báo cáo, năm 2024, toàn ngành Kiểm sát nhân dân đã có nhiều nỗ lực, thực hiện nhiều giải pháp bảo đảm các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng đấu tranh, phát hiện, khởi tố mới 100.394 vụ án hình sự (tăng 2,1%). Trong đó, số vụ án về tham nhũng, chức vụ được phát hiện, khởi tố 1.038 vụ (tăng 9,6%); đã phát hiện, mở rộng điều tra, khởi tố mới bị can trong một số vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, phức tạp, liên quan đến các bộ, ngành, địa phương. Tội phạm về xâm phạm an ninh quốc gia khởi tố 37 vụ (tăng 105,6%), xuất hiện tội phạm xảy ra trong lĩnh vực an ninh năng lượng, môi trường, tài chính, an ninh mạng. Tội phạm về ma túy khởi tố 29.285 vụ (tăng 8,3%), trong đó, đã phát hiện, xử lý nhiều vụ án, vụ việc tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy đặc biệt nghiêm trọng, thu giữ số lượng lớn ma túy; xuất hiện thủ đoạn mới, đóng gói ma túy, thả trôi trên biển có gắn định vị để mang vào Việt Nam tiêu thụ.
Về kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ và các chỉ tiêu của Quốc hội giao, toàn ngành thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết án hình sự; xác định “chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm” là nhiệm vụ trọng tâm; cẩn trọng, “không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự và ngược lại”; tăng cường trách nhiệm công tố, gắn công tố với điều tra, bảo đảm các nguyên tắc của pháp luật hình sự và tố tụng hình sự.
Thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ kiểm sát hoạt động tư pháp
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng, kết quả đạt được và những đóng góp quan trọng của ngành Kiểm sát nhân dân trong năm 2024 vừa qua.
Với tinh thần thẳng thắn, nghiêm túc, ngành Kiểm sát nhân dân cũng chỉ ra những hạn chế cần khắc phục và rút ra bài học kinh nghiệm. Chủ tịch Quốc hội đề nghị ngành Kiểm sát tiếp tục đề cao trách nhiệm, phân tích sâu sắc hơn nữa, đầy đủ hơn nữa những hạn chế, tồn tại, làm rõ nguyên nhân, nhất là những nguyên nhân chủ quan, đề ra các giải pháp cụ thể để khắc phục cho được những hạn chế và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động trong thời gian tới.
Năm 2025 là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước. Cả hệ thống chính trị phải tăng tốc, bứt phá để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng; chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức thành công Đại hội XIV. Năm 2025 cũng là năm ngành Kiểm sát tròn 65 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển. Bên cạnh đó, đất nước ta cũng sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Tình hình thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, nhiều vấn đề phát sinh chưa có tiền lệ, khó dự đoán. Ở trong nước, tình hình vi phạm, tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp, đặt ra nhiều thách thức mới phải giải quyết.
“Toàn ngành Kiểm sát phải đổi mới mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa; tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã đặt ra”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Cơ bản thống nhất với phương hướng, nhiệm vụ mà ngành đề ra, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.
Theo đó, tiếp tục quán triệt và thực hiện hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là trong lĩnh vực tư pháp. Bên cạnh đó, đổi mới các mặt công tác gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và thực thi nhiệm vụ; chủ động nghiên cứu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư những giải pháp tăng cường năng lực cho ngành, nhằm phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của ngành Kiểm sát trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, nhất là tội phạm về tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, tội phạm về kinh tế, chức vụ. Đặc biệt, chủ động phòng ngừa tội phạm từ sớm, từ xa là vấn đề quan trọng.
Ngành tiếp tục tập trung thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong thực hành quyền công tố. Đây là trách nhiệm chính trị của ngành Kiểm sát trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, nhất là chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Ngành Kiểm sát đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; phối hợp chặt chẽ với cơ quan hữu quan kịp thời xử lý các vụ, việc khiếu kiện đông người, phức tạp, các “điểm nóng”, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ kiểm sát hoạt động tư pháp; tăng cường kiểm sát hoạt động thi hành án dân sự, thi hành án hành chính và kiến nghị xử lý các trường hợp vi phạm trong thi hành. Đồng thời, chủ động kiến nghị, kháng nghị yêu cầu các cơ quan tư pháp khắc phục vi phạm; yêu cầu các cơ quan hữu quan loại trừ các nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm; tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Cơ quan điều tra, đảm bảo thực sự là thiết chế kiểm soát quyền lực trong hoạt động tư pháp, đội ngũ cán bộ tư pháp thực sự trong sạch, vững mạnh.
Triển khai quyết liệt công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, ngành tiếp tục triển khai quyết liệt công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo đúng yêu cầu và tiến độ của Ban Chỉ đạo Trung ương; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sau khi sắp xếp, bộ máy tổ chức cán bộ đi vào hoạt động ngay; không để ngắt quãng công việc, khoảng trống về thời gian; không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực; không để ảnh hưởng đến hoạt động tố tụng giải quyết án, giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị thực hiện nghiêm Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội; hoàn thành việc xây dựng dự án Luật Tương trợ tư pháp về hình sự để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025). Từ đầu nhiệm kỳ, Quốc hội khóa XV đã thông qua 2 luật, 5 nghị quyết về ngành Kiểm sát; bên cạnh đó, trong các nghị quyết của Kỳ họp của Quốc hội đều có nội dung giao nhiệm vụ cho ngành Kiểm sát. Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Tư pháp người chưa thành niên. Đây là đạo luật mới trong hệ thống pháp luật nước ta, liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát. Các quy định của Luật rất nhân văn, tiến bộ, tạo cơ hội để người chưa thành niên sửa chữa lỗi lầm, trở thành người có ích cho xã hội. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tổ chức tập huấn kỹ lưỡng trong toàn ngành và khẩn trương ban hành văn bản quy định chi tiết để Luật sớm đi vào cuộc sống.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, ngành Kiểm sát cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng đội ngũ chuyên gia về dữ liệu điện tử, công nghệ cao; tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm công nghệ cao, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài; chủ động, tích cực trao đổi, đàm phán, ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp hình sự. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, địa phương, nhất là các cơ quan tư pháp, khối nội chính.
Ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của các đại biểu, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chuẩn bị các hồ sơ, tờ trình, báo cáo cấp có thẩm quyền, nếu vượt quy định thì trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét cụ thể.
Chủ tịch Quốc hội tin tưởng ngành Kiểm sát nhân dân sẽ tiếp tục phát huy trí tuệ, bản lĩnh và hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân.