Chủ tịch Quốc hội: Công tâm, khách quan khi giới thiệu nhân sự sau sáp nhập
Cùng với yêu cầu tuyệt đối tránh tư tưởng cục bộ địa phương, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh phải công tâm, khách quan trong việc giới thiệu nhân sự sau sáp nhập.
Yêu cầu trên được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đưa ra khi phát biểu tại cuộc làm việc giữa Đoàn công tác của Bộ Chính trị với Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ, Tỉnh ủy Hậu Giang, Tỉnh ủy Sóc Trăng về việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11, sáng 11/5.
Nhấn mạnh đây là giai đoạn lịch sử để làm những công việc lịch sử; không được chủ quan, thỏa mãn; phải làm quyết liệt, tính từng giờ từng phút, Chủ tịch Quốc hội mong 3 địa phương sau sáp nhập chung sức đồng lòng trong giai đoạn cách mạnh sắp xếp bộ máy hiện nay cũng như sau này để nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. (Ảnh: quochoi.vn)
"Đây là sự nghiệp cách mạng quan trọng trong thời điểm hiện tại và tương lai, mong các đồng chí đoàn kết, đồng lòng để hoàn thành mục tiêu, yêu cầu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Tuyệt đối tránh tiêu cực, tư tưởng cục bộ địa phương, lợi ích nhóm; phải công tâm, khách quan, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc đề xuất, giới thiệu nhân sự theo các quy định mới của Trung ương", Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, thực hiện sắp xếp bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18, giai đoạn 1 đã hoàn thành cơ bản, giai đoạn 2 tiến hành từ tháng 3 - 6.
Đánh giá đây là giai đoạn "cực kỳ khó khăn", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, để thực hiện được thì Quốc hội phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp, sửa đổi Luật tổ chức chính quyền địa phương; Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua nghị quyết về sắp xếp cấp xã.
"Nếu việc sửa đổi Hiến pháp và một số luật được thông qua thì sẽ kết thúc hoạt động của cấp huyện. Sẽ sáp nhập cấp tỉnh nếu Quốc hội thông qua Đề án sẽ giảm từ 63 tỉnh thành phố xuống còn 34 tỉnh, thành phố. Từ Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã hướng dẫn rất kỹ về sắp xếp bộ máy. Giai đoạn 2 về sắp xếp bộ máy cực kỳ khó khăn, vừa chạy vừa xếp hàng chứ không thể đủng đỉnh, túc tắc mà xong được", Chủ tịch Quốc hội thông tin
Chủ tịch Quốc hội cho biết, quá trình sắp xếp và những kết quả bước đầu góp phần bảo đảm việc thực hiện thành công các mục tiêu.
Gồm: hoàn thiện cơ bản tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở; thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành; tinh gọn bộ máy và tiết kiệm ngân sách; Đề án sắp xếp lại giúp cho hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể sẽ gần dân, sát dân hơn; khắc phục được tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ; hướng mạnh hoạt động về cơ sở, địa bàn dân cư.
Sau sắp xếp, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng dự kiến giảm từ 263 đơn vị hành chính cấp xã xuống còn 103 đơn vị hành chính cấp xã; kết thúc hoạt động của 28 đảng bộ huyện và hơn 140 cơ quan, đơn vị trực thuộc cấp ủy cấp huyện.
Về thực hiện các chính sách cho cán bộ, tỉnh Sóc Trăng đã xem xét giải quyết 24/85 trường hợp thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; 153/1.178 trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức. Tỉnh Hậu Giang khảo sát, nắm nguyện vọng của cán bộ; đến nay đã xem xét giải quyết 10 trường hợp thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. TP Cần Thơ xem xét giải quyết 56 cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị định 178 của Chính phủ.
Về một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban Thường vụ 3 Thành ủy, Tỉnh ủy có kế hoạch chi tiết trong việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị.
"Các đồng chí đã đăng ký mục tiêu tăng trưởng trong năm 2025 với Chính phủ như thế nào thì cần phải quyết liệt thực hiện. Đây là những nhiệm vụ rất quan trọng", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Cùng với đó tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức đại hội đảng bộ các cấp đảm bảo đúng tiến độ, yêu cầu theo Chỉ thị số 45 của Bộ Chính trị, lưu ý việc xây dựng văn kiện và nhân sự ở những nơi sáp nhập, hợp nhất. Có kế hoạch chi tiết, quan tâm, rà soát, phương án giải quyết số cán bộ cấp huyện, cấp tỉnh, cấp xã bị ảnh hưởng sau sắp xếp, đảm bảo sự thống nhất, hiệu quả trong quá trình thực hiện.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục thực hiện tốt công tác chính trị tư tưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Thực hiện đầy đủ, đúng quy định chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng bởi quá trình sắp xếp.
Một nhiệm vụ khác được Chủ tịch Quốc hội đề cập là rà soát, đánh giá hiện trạng tài sản công, trụ sở làm việc của các đơn vị hành chính. Xây dựng phương án sử dụng hiệu quả các trụ sở dôi dư sau sáp nhập, tránh lãng phí.
Ngoài ra, thực hiện nghiêm, hiệu quả các nội dung theo Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, số hóa tài liệu… nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, cung cấp dịch vụ công trước, trong và sau sắp xếp.
"Thành phố Cần Thơ sau sáp nhật muốn tinh gọn bộ máy phải triệt để ứng dụng trí tuệ nhân tạo", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Theo phương án được Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất, sáp nhập tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Hậu Giang và thành phố Cần Thơ thành 1 thành phố trực thuộc Trung ương mới có tên gọi là thành phố Cần Thơ.
Trung tâm hành chính - chính trị đặt tại thành phố Cần Thơ hiện nay.