Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn: Quốc hội họp bất thường quyết định nhiều vấn đề cấp bách
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh Kỳ họp bất thường lần thứ 9 có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định nhiều vấn đề cấp bách của đất nước
![Các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu tham dự khai mạc kỳ họp. Ảnh: Lâm Hiển](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_15_51454524/36873fbd09f3e0adb9e2.jpg)
Các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu tham dự khai mạc kỳ họp. Ảnh: Lâm Hiển
Sáng nay 12-2, Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV khai mạc theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Tham dự Phiên khai mạc có: Tổng Bí thư Tô Lâm; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Lương Cường; Thủ tướng Phạm Minh Chính và nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh Kỳ họp bất thường lần này có ý nghĩa rất quan trọng, khẩn trương xem xét, quyết định nhiều vấn đề cấp bách phục vụ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, đáp ứng yêu cầu rất cao của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Đây là vấn đề đang nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân, cũng là tạo tiền đề về công tác tổ chức, cán bộ tại Đại hội lần thứ 14 của Đảng; bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 16 và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031.
![Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc. Ảnh: Lâm Hiển](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_15_51454524/b508a232947c7d22246d.jpg)
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc. Ảnh: Lâm Hiển
Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, tạo đột phá để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát huy nguồn lực, kiến tạo không gian phát triển mới, nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu Đại hội lần thứ 13 của Đảng đã đề ra.
Tại phiên họp trù bị, các vị đại biểu Quốc hội đã thống nhất rất cao, biểu quyết thông qua nội dung, chương trình kỳ họp, Quốc hội sẽ làm việc trong 6,5 ngày, từ ngày 12-2 đến ngày 19-2, trong đó làm việc cả ngày thứ Bảy.
Quyết định các luật, nghị quyết để thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy
Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định các luật, nghị quyết có tính nền tảng để thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy để kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Trung ương Đảng về thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm các cơ quan, tổ chức, đơn vị sau sắp xếp, kiện toàn thực sự được "nâng cấp, nâng tầm, chất lượng tốt hơn, hiệu quả cao hơn"; giảm đầu mối, xóa bỏ cấp trung gian, phân định rõ ràng, rành mạch phạm vi, nhiệm vụ, thẩm quyền các cơ quan theo hiến định, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, thực hiện phương pháp "quản lý theo kết quả", chuyển mạnh từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm" gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 4 dự án luật gồm: Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) và 5 dự thảo nghị quyết để thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Quốc hội, Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15.
Trong đó, việc xem xét, thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) có ý nghĩa quan trọng, vai trò là nền tảng, tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng và tổ chức thi hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Dự thảo Luật được nghiên cứu, sửa đổi toàn diện, với những thay đổi lớn, giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra, theo đúng tinh thần Kết luận số 119 ngày 20-1-2025 của Bộ Chính trị về định hướng đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật, tạo khuôn khổ pháp lý kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, bất cập về thể chế đã được xác định là "điểm nghẽn của điểm nghẽn", để thể chế trở thành "đột phá của đột phá", khơi thông các nguồn lực để đất nước phát triển nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới của dân tộc.
Thứ hai, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 Nghị quyết nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các cơ chế, chính sách đặc thù đối với một số dự án, công trình như: Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên; chủ trương đầu tư Dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP HCM đến năm 2035; Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; chủ trương và các cơ chế chính sách đặc thù để xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận...
Xem xét, quyết định công tác nhân sự
Thứ ba, Quốc hội sẽ tiến hành một số nội dung về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền, theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kiện toàn các chức danh để bảo đảm tổ chức bộ máy mới hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn tới.