Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Lễ kỷ niệm 77 năm Quốc khánh
Tối 31-8, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân đã chủ trì Lễ kỷ niệm 77 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2022).
Tham dự, có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư; Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Tô Lâm, Bộ trưởng Công an; Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng; Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao.
Cùng dự còn có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương; các vị đại sứ, đại biện, trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Hà Nội.
Về phía thành phố Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, kể từ Tuyên ngôn độc lập, nước Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức để giữ vững nền độc lập, thống nhất đất nước và đạt nhiều thành tựu xây dựng và phát triển đáng tự hào. Với mức tăng GDP hằng năm trung bình khoảng 7% trong 35 năm qua, ngày nay, Việt Nam đứng trong nhóm 40 nền kinh tế có quy mô tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lớn nhất thế giới, nhóm 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất.
Chủ tịch nước cho biết, Việt Nam đang là nơi hội tụ của hàng vạn nhà đầu tư đến từ 140 quốc gia, vùng lãnh thổ, với gần 35.000 dự án FDI đang hoạt động có tổng vốn gần 430 tỷ USD. Việt Nam đã tham gia 15 Hiệp định FTA, trong đó có các FTA thế hệ mới với tiêu chuẩn cao. Việt Nam cũng thuộc nhóm nước đạt mức cao chỉ số HDI về phát triển con người. Tỷ lệ nghèo đa chiều (chuẩn Liên hợp quốc) năm 2020 giảm còn 4,8% (so với 9,9% năm 2016), đã thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục; phổ cập tiểu học năm 2000, phổ cập trung học cơ sở năm 2010, một số trường đại học của Việt Nam đạt vị trí cao trong xếp hạng của châu Á...
Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn nhiều mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ MDG-2015 và đang nỗ lực thực hiện mục tiêu Phát triển bền vững SDG-2030 của Liên hợp quốc; thực hiện cam kết COP26 về giảm phát thải... Việt Nam cũng có quan hệ đối ngoại ngày càng rộng mở, đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 190 quốc gia; quan hệ gắn bó với các nước láng giềng; thiết lập quan hệ ổn định lâu dài với 30 đối tác chiến lược và toàn diện...
Chủ tịch nước nhấn mạnh, trong dịch Covid-19, Việt Nam vẫn tiếp tục đưa quan hệ với nhiều đối tác đi vào chiều sâu, thực hiện ngoại giao chân thành “từ trái tim đến trái tim”, kiên định với đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập tự chủ, là đối tác có trách nhiệm, chủ động hội nhập quốc tế.
Từ đầu năm 2022, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch Covid-19, chính trị - xã hội ổn định, nền kinh tế đang phục hồi nhanh, GDP 6 tháng đầu năm 2022 tăng 6,42%, lạm phát được kiểm soát, bảo đảm các cân đối lớn về lương thực, năng lượng... Đời sống nhân dân được cải thiện, an sinh xã hội được triển khai tích cực. Độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh. Đối ngoại được tăng cường, thích ứng hiệu quả với tình hình. Tự tin mở cửa du lịch quốc tế từ ngày 15-3-2022. Nhiều sự kiện quốc gia quan trọng được tổ chức thành công, nổi bật là SEA Games 31, làm thắm thêm tình đoàn kết “gia đình ASEAN” và quốc tế.
Chủ tịch nước nêu rõ, trên mỗi chặng đường đã qua với nhiều thành tựu quan trọng, Việt Nam luôn nhận được sự đồng hành của cả cộng đồng quốc tế rộng lớn. Thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ tình cảm chân thành, lời cảm ơn sâu sắc đối với sự ủng hộ, hỗ trợ quý báu, hợp tác hiệu quả của các quốc gia, tổ chức, đối tác quốc tế, các doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế và sự đóng góp chân tình của bạn bè, nhân dân thế giới dành cho Việt Nam.
Cũng theo Chủ tịch nước, tình hình quốc tế có nhiều cơ hội mới, nhất là xu thế số hóa lan rộng, đan xen với những biến động nhanh, khó lường, cạnh tranh địa - chính trị gay gắt tại khu vực và trên thế giới; các thách thức về an ninh phi truyền thống về năng lượng, lương thực, sự đứt gãy các chuỗi cung ứng, tiến trình toàn cầu hóa chậm lại, biến đổi khí hậu, thiên tai khắc nghiệt… đang tác động sâu sắc đến tất cả các nước.
Trong bối cảnh đó, Chủ tịch nước cho biết, Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới với khát vọng về phát triển Việt Nam hùng cường. Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định mục tiêu, nỗ lực phấn đấu: Đến 2025, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; và đến 2045, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.
Chủ tịch nước khẳng định, hướng tới những mục tiêu đó, đòi hỏi những quyết sách mạnh mẽ, trước hết là phát huy nội lực với sự đoàn kết của cả dân tộc thực hiện 4 định hướng chiến lược, gồm:
Luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.
Tập trung triển khai ba đột phá chiến lược về hoàn thiện đồng bộ thể chế, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng. Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững; gắn kết phát triển kinh tế - xã hội, với văn hóa, an sinh xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Xây dựng Nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, chuyển đổi sang nền kinh tế số, kinh tế xanh.
Khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ, sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc.
Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hóa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi. Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Trong đó, theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, sự ủng hộ, đồng hành, hợp tác cùng có lợi với cả cộng đồng quốc tế là cần thiết để có thêm “ngoại lực” làm mạnh thêm “quốc lực” chung cho phát triển nhanh, bền vững của Việt Nam. Do đó, Chủ tịch nước mong muốn có sự kết nối, chia sẻ và chung tay của các nước và cả cộng đồng quốc tế.
Chủ tịch nước đã đề xuất bốn ưu tiên hợp tác bên cạnh các chương trình hợp tác song phương, đa phương của Việt Nam.
Thứ nhất, duy trì hòa bình, ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc; duy trì môi trường quốc tế thuận lợi cho hợp tác phục hồi kinh tế.
Thứ hai, tiếp tục đưa quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, thực chất, ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, bảo đảm chuỗi cung ứng bền vững, triển khai hiệu quả các thỏa thuận về chuyển đổi số, kinh tế xanh, hợp tác nguồn nhân lực, khoa học công nghệ.
Thứ ba, đẩy mạnh hợp tác về biến đổi khí hậu, phòng, chống dịch bệnh, nâng cao năng lực y tế, an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, bất bình đẳng xã hội.
Thứ tư, tăng cường các hình thức kết nối, trao đổi đoàn các cấp, các đoàn đầu tư, thương mại, văn hóa và giao lưu nhân dân.
Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Palestine tại Việt Nam, Trưởng đoàn Ngoại giao Saadi Salama khẳng định, Ngày Quốc khánh 2-9 luôn là mốc son lịch sử mang ý nghĩa thiêng liêng trong trái tim mỗi người dân Việt Nam. Trưởng đoàn Ngoại giao cho biết, bản Tuyên ngôn độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình đã mở đầu cho kỷ nguyên độc lập, tự do, tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp hòa bình của toàn nhân loại. Những nỗ lực không ngừng để giữ vững lý tưởng độc lập, tự do và hạnh phúc không chỉ trở thành giá trị cốt lõi của người dân Việt Nam mà còn là nguồn cảm hứng để theo đuổi cho tất cả dân tộc trên thế giới.
Trong năm qua, dù còn gặp nhiều thách thức từ dịch bệnh và tình hình thế giới nhiều bất ổn, Việt Nam đã có những thành công đáng tự hào. Những thành tựu này đã tiếp tục nối dài hành trình phát triển của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Sự dứt khoát, chủ động, linh hoạt và quyết liệt của Việt Nam với mục tiêu kiên định là sức khỏe, tính mạng của nhân dân đã giúp đất nước vượt qua bóng đen Covid-19 một cách đầy ấn tượng. Việt Nam tiếp tục được đánh giá là một trong những nền kinh tế phục hồi nhanh nhất trong khu vực, là cơ sở để các quốc gia, các nhà đầu tư sẵn sàng hợp tác, gửi gắm niềm tin cho một môi trường kinh doanh ổn định, đáng tin cậy và giàu tiềm năng.
Đại sứ Saadi Salama khẳng định, giữa muôn vàn khó khăn, Việt Nam vẫn tiếp tục thể hiện là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Tiếng nói của Việt Nam cất lên mạnh mẽ trên các diễn đàn khu vực và thế giới trong các vấn đề gai góc nhất, đồng thời là cơ sở để Việt Nam thể hiện bản lĩnh, quan điểm nhất quán về hòa bình, thịnh vượng của nhân loại.
Nhân dịp này, thay mặt Đoàn Ngoại giao, Đại sứ Saadi Salama bày tỏ sự cảm kích đối với Đảng, Nhà nước và các cơ quan hữu quan Việt Nam vì sự đồng hành, hỗ trợ và lòng mến khách đã dành cho những nhà ngoại giao trong công việc cũng như cuộc sống.
“Chúng tôi luôn coi trọng mối quan hệ hữu nghị, quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và các quốc gia, các tổ chức quốc tế; đồng thời sẵn sàng tiếp nối các nỗ lực thúc đẩy và mở rộng hơn nữa trọng trách của mình, nhằm hướng tới mục tiêu chung vì một thế giới hòa bình, bình đẳng, thịnh vượng, hợp tác và phát triển", Đại sứ Saadi Salama khẳng định.