Chủ tịch nước dự Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc - Vesak 2025

Sáng 6.5, tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, Giáo hội Phật giáo Việt Nam khai mạc trọng thể Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025. Chủ tịch nước Lương Cường đến dự và phát biểu tại Đại lễ Vesak.

Chủ tịch nước Lương Cường và Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng cùng các đại biểu dự khai mạc Đại lễ Vesak

Chủ tịch nước Lương Cường và Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng cùng các đại biểu dự khai mạc Đại lễ Vesak

Cùng dự có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Các Ủy viên Bộ Chính trị: Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên.

Cùng dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính; lãnh đạo, nguyên lãnh Đảng và Nhà nước; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương và địa phương. Thay mặt lãnh đạo Bộ VHTTDL, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy dự Lễ khai mạc.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các đại biểu

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các đại biểu

Về khách mời quốc tế có: Ngài Anura Kumara Dissanayaka - Tổng thống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa dân chủ Sri Lanka.

Dự Đại lễ có Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Đức Pháp Chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Trưởng lão Hòa Thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp Chủ Hội đồng chứng minh, Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Quốc tế Vesak Liên Hợp Quốc 2025 tại Việt Nam;

Các đoàn đại biểu quốc tế và Việt Nam dự Đại lễ

Các đoàn đại biểu quốc tế và Việt Nam dự Đại lễ

Hòa thượng GS.TS Phra Brahmapundit, Chủ tịch Ủy ban Tổ chức quốc tế Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 (ICDV).

Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 có chủ đề “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì Hòa bình thế giới và Phát triển bền vững”, diễn ra từ ngày 6-8.5.2025, tại Học viện Phật giáo Việt Nam (cơ sở Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM).

Đại lễ với sự tham dự của hơn 2.800 đại biểu đến từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 1.200 đại biểu quốc tế.

Mở đầu Đại lễ là phần phát biểu Thông điệp Phật đản Vesak của Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, nhấn mạnh ý nghĩa thiêng liêng của ngày Đức Phật đản sinh – sự kiện được Liên hợp quốc tôn vinh vì những giá trị từ bi, trí tuệ và phụng sự nhân loại.

Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng bày tỏ niềm hoan hỷ chào đón hơn 1.200 đại biểu quốc tế đến từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ, cùng đông đảo Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước, tụ hội nhân dịp đặc biệt kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025).

Đại lễ năm nay còn vinh dự được cung thỉnh Xá lợi Đức Phật Thích Ca và Trái tim bất diệt của Bồ tát Thích Quảng Đức – biểu tượng thiêng liêng của sự giác ngộ và tinh thần yêu nước.

Trước những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, chiến tranh và khủng hoảng xã hội, Đức Pháp chủ kêu gọi cộng đồng Phật giáo thế giới phát huy tinh thần đoàn kết, bao dung, lấy từ bi làm nền tảng để góp phần xây dựng một thế giới hòa bình, phát triển bền vững và hạnh phúc.

Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu tại khai mạc Đại lễ

Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu tại khai mạc Đại lễ

Phát biểu khai mạc Đại lễ, Chủ tịch nước Lương Cường thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước trân trọng gửi lời chào mừng tới toàn thể đại biểu trong nước và quốc tế. Chủ tịch nước khẳng định sự hiện diện của đông đảo đại biểu năm châu là minh chứng sinh động cho tinh thần đoàn kết, từ bi và hòa hợp – những giá trị cốt lõi trường tồn mà Đức Phật đã truyền dạy cho nhân loại.

“Đại lễ Vesak không chỉ là dịp thiêng liêng với hàng triệu tín đồ Phật tử, mà còn là cơ hội để nhân loại cùng nhau chiêm nghiệm, lan tỏa những giá trị nhân văn, cao quý của Phật giáo: từ bi, trí tuệ, hòa bình và bao dung”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Chủ tịch nước bày tỏ sự trân trọng và đánh giá cao chủ đề Vesak 2025: “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì Hòa bình thế giới và Phát triển bền vững”, cho rằng đây là lời kêu gọi đầy ý nghĩa trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những thách thức chưa từng có như chiến tranh, bất bình đẳng, khủng hoảng môi trường và đạo đức xã hội.

Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam là quốc gia có truyền thống Phật giáo lâu đời, luôn trân trọng vai trò của Phật giáo trong việc đồng hành cùng dân tộc qua các thời kỳ lịch sử.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay tiếp nối truyền thống ấy, không chỉ tích cực hoằng dương Phật pháp, mà còn tham gia sâu rộng vào các hoạt động xã hội, từ thiện, bảo vệ môi trường, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Nhấn mạnh sự kiện trọng đại này được tổ chức tại TP.HCM, ngay sau lễ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, Chủ tịch nước bày tỏ tin tưởng rằng Vesak 2025 sẽ thành công tốt đẹp, là diễn đàn ý nghĩa để các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm, lan tỏa giá trị Phật giáo, đồng thời hiểu rõ hơn về văn hóa, con người và những nỗ lực xây dựng đất nước của Việt Nam.

Trong lễ khai mạc Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025, còn có phát biểu của Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Quốc gia Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2025, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn; phát biểu khai mạc của Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak Liên hợp quốc, Hòa thượng GS.TS Brahmapundit;

Phát biểu của Tổng thống Sri Lanka Anura Kumara Dissanayake; Thông điệp chúc mừng của Lãnh đạo Phật giáo quốc tế gồm Trung Quốc, Campuchia, Myanmar, Tích Lan, Thái Lan, Lào…

Tổng thống Sri Lanka Anura Kumara Dissanayake phát biểu

Tổng thống Sri Lanka Anura Kumara Dissanayake phát biểu

Thông điệp của Tổng thống Ấn Độ và phát biểu của Ngài Kiren Rijiju, Bộ trưởng các vấn đề Quốc hội của Chính phủ Ấn Độ; đại diện các chính phủ Ấn Độ, Buryatia, Hoa Kỳ, Campuchia, Lào, Hungary… cùng những phát biểu quan trọng khác.

Chương trình Đại lễ bao gồm hội thảo quốc tế, triển lãm mỹ thuật Phật giáo, các nghi lễ truyền thống, hoạt động văn hóa nghệ thuật, đêm biểu diễn quốc tế, lễ hội ẩm thực chay và lễ hội thắp hoa đăng.

Các hoạt động giao lưu cộng đồng được tổ chức tại công viên Láng Le (huyện Bình Chánh), Nhà hát Thisky Hall (TP Thủ Đức) và nhiều không gian văn hóa mở khác.

Điểm đặc biệt của Đại lễ là lễ chiêm bái Xá lợi Phật Thích Ca Mâu Ni – Bảo vật quốc gia Ấn Độ và Xá lợi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức, biểu tượng sống động cho tinh thần bất bạo động, vì hòa bình, đã trở thành phần linh thiêng trong ký ức lịch sử của dân tộc Việt Nam.

THÙY TRANG

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/chinh-tri/chu-tich-nuoc-du-dai-le-phat-dan-lien-hop-quoc-vesak-2025-131106.html
Zalo