Chủ tịch Nawat chỉ trích công ty quản lý của Thùy Tiên
Phát ngôn mới nhất của chủ tịch Nawat về Hoa hậu Thùy Tiên gây xôn xao dư luận.
"Nếu cô ấy vẫn nằm trong sự quản lý của tôi, chắc chắn sự việc sẽ không xảy ra. Nếu muốn trách, nên trách đơn vị chủ quản hiện tại – người đã đưa ra quyết định nhận show, làm quản lý, đưa lời khuyên nên hay không nên. Đó mới là nơi có thể có phần trách nhiệm" - phát ngôn của Chủ tịch Miss Grand International - ông Nawat Itsaragrisil đưa ra ngay khi được hỏi về lùm xùm liên quan đến việc "gà cưng một thời" Hoa hậu Thùy Tiên bị khởi tố.

Ông Nawat cho rằng công ty chủ quản cũng có một phần trách nhiệm trong vụ việc của Hoa hậu Thùy Tiên. (Ảnh: Tổng hợp)
Ông Nawat cho rằng trách nhiệm trong việc định hướng, nhận show, đưa ra lời khuyên "nên hay không nên" lẽ ra thuộc về đơn vị quản lý đương nhiệm. Dù không nhắc đích danh, thông điệp của ông rõ ràng: quản lý nghệ sĩ không phải chỉ là người đặt lịch và chia doanh thu, mà là người chịu trách nhiệm về thương hiệu và hành vi công khai của nghệ sĩ.
Ở nhiều nền công nghiệp giải trí lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản hay Mỹ, nghệ sĩ thường không thể tự ý nhận hợp đồng quảng cáo mà không có sự thẩm định từ công ty chủ quản. Lý do đơn giản: một scandal không chỉ làm sụp đổ hình tượng cá nhân, mà còn kéo theo uy tín của cả hệ thống.

(Ảnh: Bộ Công An)
Thông thường, nghệ sĩ trực thuộc một công ty quản lý buộc phải tuân thủ các quy định chặt chẽ về hoạt động thương mại. Mọi hợp đồng quảng cáo hay tài trợ đều phải được thông qua bộ phận pháp lý của công ty chủ quản trước khi ký kết. Việc tự ý nhận show, ký hợp đồng mà không có sự phê duyệt chính thức không chỉ vi phạm nguyên tắc hợp tác, mà còn có thể khiến nghệ sĩ đối mặt với các hệ lụy pháp lý nghiêm trọng, từ vi phạm nội quy cho đến nguy cơ bị kiện tụng hoặc chấm dứt hợp đồng quản lý.
Hay tại Hollywood, nhiều sao hạng A có hẳn “bộ phận đánh giá rủi ro truyền thông” trước khi tham gia bất kỳ thương hiệu nào – kể cả là hợp tác từ thiện.
Trách nhiệm không chỉ nằm ở chữ "đồng ý"
Trong vụ việc của Thùy Tiên, nhiều người đặt câu hỏi: phải chăng cái tên “Hoa hậu” khiến mọi hợp tác thương mại được mặc định tin tưởng mà không cần kiểm tra kỹ tính pháp lý sản phẩm? Nhưng ở một góc nhìn khác, đó cũng là lúc vai trò của một đơn vị quản lý chuyên nghiệp trở nên thiết yếu hơn bao giờ hết. Không ai kỳ vọng người nổi tiếng giỏi cả về pháp luật, nhưng chính công ty chủ quản mới là người chịu trách nhiệm cuối cùng trong việc định hướng, lọc rủi ro, và bảo vệ nghệ sĩ khỏi những cái bẫy “đầu tư giả danh”.

(Ảnh: Tổng hợp)
Phát biểu của ông Nawat có thể được xem như lời “tự thanh minh” cho Miss Grand, nhưng đồng thời cũng là lời nhắc cho các công ty quản lý: uy tín của nghệ sĩ là tài sản cần được giám sát kỹ lưỡng, không thể khoán trắng cho sự nổi tiếng tự thân. Trong thế giới nơi mọi bước đi đều bị soi dưới ống kính truyền thông, nghệ sĩ cần một hệ sinh thái bảo vệ – không chỉ là danh tiếng, mà còn là pháp lý.