Chủ tịch HĐND Thành phố: Cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc khắc phục hậu quả bão số 3
Sáng 8/9, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đã đi thị sát nắm bắt tình hình khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (bão Yagi) tại địa bàn quận Hoàn Kiếm và huyện Thường Tín.
Báo cáo tại buổi kiểm tra, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Vũ Đăng Định cho biết, tính đến 5h ngày 8/9, toàn quận đã huy động tổng lực gần 2.500 người gồm các lực lượng xung kích cấp phường, dân quân cơ động, lực lượng Công an quận và 18 phường, cán bộ, chiến sĩ thuộc Ban Chỉ huy Quân sự quận, lực lượng các ban ngành... tham gia vào công tác ứng phó với bão.
Công tác di dân ra khỏi khu vực nguy hiểm được tập trung kiên quyết thực hiện bảo đảm an toàn. Tổng số đã vận động sơ tán 707 người (trong đó 88 người sơ tán về trường học, điểm an toàn và 620 người sơ tán về nhà người thân, quen); đã giải tỏa được 2/3 số cây đổ (tổng số 455 cây bị đổ), tập trung giải tỏa trước các cây nguy hiểm đến công trình nhà ở của nhân dân, và giải phóng các trục đường chính bảo đảm giao thông. Các cột đèn chiếu sáng, giao thông đã được khắc phục ngay, bảo đảm an toàn về điện.
Cũng theo thống kê, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm có 3 người bị thương do cành cây gẫy đổ va quệt; có 2 xe máy bị hư hỏng nhẹ do ảnh hưởng của cây đổ; 2 tủ điện bị bẹp; 2m rào sắt hư hỏng; bị tốc 2 mái tôn, 3 cột đèn chiếu sáng đổ; đổ 2 cột điện, 1 ô tô con bị bẹp góc. Hiện tại, UBND các phường và Công ty thoát nước Hà Nội (Xí nghiệp số 1) đã trực và xử lý các điểm thoát nước ngay tại thời điểm mưa lớn, phối hợp phân luồng bảo đảm an toàn giao thông.
Tại huyện Thường Tín, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Nguyễn Xuân Minh cho biết, tính đến 11h ngày 8/9 trên địa bàn không có thiệt hại về người do thiên tai. Huyện có 8 trường hợp bị tốc mái công trình do mưa bão; tổng số cây xanh bị gẫy, đổ khoảng 3.500 cây; khoảng 1.604 ha lúa bị đổ; rau màu dập nát khoảng 430 ha.
Trên địa bàn huyện cũng đã xảy ra 21 sự cố về lưới điện, gẫy đổ 21 cột điện (10 cột trung thế, 11 cột hạ thế), vì thế đã bị mất điện trên diện rộng. Hiện nay ngành điện đang phối hợp với các đơn vị liên quan, kiểm tra, khắc phục sự cố.
Để khắc phục những thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra trên địa bàn, UBND huyện Thường Tín sẽ tiếp tục chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện tiếp tục tổng hợp, kiểm tra các thiệt hại do bão số 3 gây ra trên địa bàn. Yêu cầu Công ty Điện lực Thường Tín tiếp tục phối hợp với các các, thị trấn tiến hành khắc phục các sự cố về điện; kịp thời cung cấp điện ổn định cho các trạm bơm tiêu úng và phục vụ công tác sản xuất, dân sinh trên địa bàn.
Ngoài ra, UBND huyện cũng chỉ đạo UBND các xã, thị trấn khẩn trương khắc phục, hỗ trợ nhân dân khắc phục các sự cố, thiệt hại do bão số 3 gây ra; trong đó trọng tâm là chặt, di dời đối với các cây xanh bị gẫy đổ do mưa bão.
Tại buổi thị sát, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn biểu dương quận Hoàn Kiếm và huyện Thường Tín đã bám sát chỉ đạo của Trung ương, Thành phố để chủ động xây dựng phương án ứng phó với bão số 3 theo phương châm "bốn tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ), không để bị động, bất ngờ với các tình huống của bão. Đặc biệt là quận Hoàn Kiếm đã chủ động di dời, sơ tán hơn 700 người ra khỏi khu vực nguy hiểm, đảm bảo an toàn tính mạng người dân khi bão đổ bộ.
Chủ tịch HĐND Thành phố nhấn mạnh, dù bão đã đi qua, nhưng tình hình mưa lũ còn diễn biến phức tạp, cũng như công tác khắc phục hậu quả sau bão còn rất ngổn ngang, do đó cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, vận động nhân dân phối hợp cùng các lực lượng tiếp tục rà soát, thống kê những thiệt hại do bão gây ra, thường xuyên kiểm tra tình hình tiêu thoát nước, úng ngập, hệ thống điện, vệ sinh môi trường,...
Chủ tịch HĐND Thành phố lưu ý, quận Hoàn Kiếm phải có ngay kế hoạch, phương án chằng chống cây nghiêng, xử lý dọn dẹp sớm nhất những cây gãy đổ. Đặc biệt, với một số khách du lịch đang lưu trú trên địa bàn bị lỡ chuyến bay, Chủ tịch HĐND Thành phố đề nghị quận cho kiểm tra tình hình về cơ sở vật chất, nhu yếu phẩm, đảm bảo tối đa sinh hoạt của khách khi còn lưu trú trên địa bàn. Đối với người dân đang di dời tránh bão cần lên phương án để đưa họ quay trở lại, với tinh thần sớm nhất để đảm bảo cuộc sống ổn định cho người dân.