Chủ tịch Hà Nội: Doanh nghiệp làng nghề phải nghĩ lớn, làm lớn, hợp tác với nhau

Chủ tịch Hà Nội cho biết, Luật Thủ đô sửa đổi là cơ hội để ban hành chính sách đủ mạnh, thúc đẩy bảo tồn, phát triển làng nghề trên địa bàn Thành phố bền vững.

Ngày 5/7, UBND Tp.Hà Nội tổ chức Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh hoạt động tại các làng nghề trên địa bàn Thành phố.

Còn khó khăn về vốn, mặt bằng sản xuất, kinh doanh

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch Tp.Hà Nội cho hay, hiện Thành phố có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 331 làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống được Thành phố công nhận. Giá trị sản xuất của các làng nghề Hà Nội hiện nay đạt hơn 24.000 tỷ đồng.

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được; quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nhỏ lẻ hoạt động tại các làng nghề còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị đối thoại nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh làng nghề nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu khai mạc Hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu khai mạc Hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, ông Đồng Quang Chính - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Đức Anh nêu những khó khăn về chi phí tham gia các chương trình xúc tiến, trong giao thương…

HTX đề nghị tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm làng nghề tại các tỉnh, thành trên cả nước và nước ngoài, tạo ra nhiều sân chơi để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được giao lưu, xúc tiến thương mại.

Theo đó, ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Công ty TNHH Mỹ nghệ Thăng Long (thôn Thiết Bình, xã Vân Hà, huyện Đông Anh) cũng bày tỏ mong muốn, Thành phố tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư vào phát triển ngành nghề.

Chia sẻ thêm, bà Nguyễn Thị Lương - đại diện Công ty Mây tre đan xuất khẩu Hiền Lương (xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên) cho hay thời gian qua, Công ty Mây tre đan xuất khẩu Hiền Lương nhận được nhiều sự hỗ trợ của Thành phố và huyện trong đào tạo nghề, đặc biệt mặt hàng xuất khẩu được hỗ trợ 100% về thuế suất; thủ tục hải quan cũng rất nhanh gọn, thuận lợi…

Tuy nhiên, công ty vẫn gặp những khó khăn về chi phí vận chuyển, thiếu mặt bằng để sản xuất… Do đó, kiến nghị Thành phố tháo gỡ khó khăn về mặt bằng, nguồn vốn để phát triển sản xuất kinh doanh; hỗ trợ xúc tiến thương mại, đặc biệt là được tham gia các hội chợ quốc tế…

Cam kết luôn đồng hành cùng doanh nghiệp

Sau khi lắng nghe những ý kiến của các doanh nghiệp làng nghề, đại diện các sở, ngành Thành phố đã giải đáp các vướng mắc.

Trả lời về vấn đề vốn vay, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Hà Nội cho hay, ngành ngân hàng đã và đang triển khai nhiều chính sách và giải pháp tăng trưởng tín dụng; đẩy mạnh các giải pháp có tính khả thi đối với các gói tín dụng, chính sách ưu đãi góp phần hỗ trợ và tăng khả năng tiếp cận tín dụng đối với người dân, doanh nghiệp.

Thời gian qua, Ngân hàng đã phối hợp với các đơn vị tổ chức hội nghị tháo gỡ về vốn cho các doanh nghiệp, làng nghề; có chính sách, cơ chế điều chỉnh giãn, giảm thuế, điều chỉnh kỳ hạn nợ cho các doanh nghiệp.

Liên quan đến vấn đề xúc tiến, ông Nguyễn Ánh Dương - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) cho biết, công tác hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được giao lưu, xúc tiến thương mại là một trong những nhiệm vụ quan trọng được UBND Thành phố giao HPA.

Thời gian qua, HPA đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức, tham gia nhiều hội chợ, triển lãm tại Hà Nội và các địa phương trên cả nước. Với mục đích trên, kết quả đều mang đến cho doanh nghiệp cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Giám đốc HPA Nguyễn Ánh Dương giải đáp các vướng mắc của doanh nghiệp tại Hội nghị.

Giám đốc HPA Nguyễn Ánh Dương giải đáp các vướng mắc của doanh nghiệp tại Hội nghị.

Đầu năm 2024, HPA đã tổ chức hội chợ xúc tiến tại Lào, gần chục sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Hà Nội đã tham gia và được giới thiệu, quảng bá đến nhân dân Lào.

“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ báo cáo thành phố Hà Nội để tiếp tục được tổ chức các chương trình hội chợ tương tự để các sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề của các cơ sở, doanh nghiệp được đến tay người tiêu dùng”, ông Dương nói.

Đồng thời cho biết, HPA sẽ tiếp tục tổ chức các chương trình lớn như Đặc sản vùng miền, các sự kiện kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô như Những ngày Hà Nội tại Điện Biên, Những ngày Hà Nội tại Tp. Hồ Chí Minh… HPA mong muốn kết nối với các hiệp hội, doanh nghiệp để quảng bá sản phẩm làng nghề tại các chương trình này.

Về ý kiến của Công ty Hiền Lương, bà Nguyễn Kiều Oanh - Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội cho biết, việc hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại nước ngoài được hỗ trợ theo 2 hình thức: Nếu doanh nghiệp tham gia có gian hàng sẽ được hỗ trợ 100% chi phí; Nếu doanh nghiệp tham gia hội chợ nhưng không có gian hàng sẽ được hỗ trợ vé máy bay…

"Sở Công Thương luôn chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp trên tinh thần đồng hành hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp làng nghề”, bà Nguyễn Kiều Oanh nhấn mạnh.

Doanh nghiệp làng nghề rất được Hà Nội quan tâm

Phát biểu kết thúc Hội nghị, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh đánh giá cao những ý kiến chia sẻ của các doanh nghiệp, HTX làng nghề. Khẳng định lĩnh vực này, cấp ủy, cả hệ thống chính quyền từ Thành phố đến quận, huyện rất quan tâm.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu bế mạc Hội nghị.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu bế mạc Hội nghị.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh thẳng thắn cho biết, có lúc có nơi sự quan tâm chưa đầy đủ của các cấp chính quyền khiến lĩnh vực này vẫn còn nhiều khó khăn; vẫn chưa đạt được kết quả như kỳ vọng, thế mạnh vốn có của các làng nghề và lợi thế của Thủ đô.

Do đó, ông Thanh cho rằng, doanh nghiệp làng nghề phải nghĩ lớn, làm lớn, hợp tác với nhau, đặc biệt trong vấn đề tiếp cận khoa học công nghệ, thị trường, xúc tiến thương mại quốc tế…

“Hiện nay, Thành phố đang tập trung triển khai thực hiện Luật Thủ đô sửa đổi. Đây là cơ hội để ban hành những cơ chế, chính sách đặc thù, đủ mạnh của Thành phố để thúc đẩy bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn Thủ đô bền vững”, Chủ tịch Hà Nội nhấn mạnh.

Chủ tịch Hà Nội cho biết, Thành phố cam kết luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Thủ đô; tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp để hỗ trợ, giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp làng nghề; nhất là tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong giải quyết TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh… tiến tới xây dựng Hà Nội “văn hiến, văn minh, hiện đại”

.

Nguyễn Thị Hồng Nhung

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/chu-tich-ha-noi-dn-lang-nghe-phai-nghi-lon-lam-lon-hop-tac-voi-nhau-a671635.html
Zalo