Chủ tịch FinPeace: Chứng khoán Việt Nam đón chặng về đích?

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch FinPeace tin rằng, chứng khoán Việt Nam đang dần bước sang 'mùa mới', cùng mức nền mới, trước ngưỡng cửa nâng hạng trong năm 2025.

Mức nền mới của thị trường chứng khoán

Nhìn lại một năm của thị trường chứng khoán Việt Nam, theo ông, đâu là điều đáng nhớ nhất?

Ông Nguyễn Tuấn Anh: Đáng nhớ nhất là việc thị trường chứng khoán Việt Nam đã bỏ lỡ nhịp tăng cùng thế giới. Nhiều nhà đầu tư trong nước mong muốn được hưởng lợi từ chu kỳ hạ lãi suất của thế giới nói chung và FED nói riêng.

Nhưng thực tế, chỉ số VnIndex chỉ có một năm đi ngang, trong khi chứng khoán Châu Âu và Mỹ đều tăng trưởng ấn tượng.

Nhiều nhà đầu tư cá nhân chia sẻ với tôi, họ đang mất lòng tin vào thị trường chứng khoán. Dù các doanh nghiệp trong nước đang vận hành kinh doanh tốt lên, nhưng khoản đầu tư vào các doanh nghiệp này trên thị trường chứng khoán lại ngày một giảm giá trị. Điều đó thể hiện rất rõ vào quý cuối năm vừa qua.

Có thể coi đây là sự bất cân xứng không thưa ông, khi kinh tế Việt Nam đã có một năm nỗ lực, với GPD tăng trưởng trên 7%?

Ông Nguyễn Tuấn Anh: Trong con mắt của các nhà đầu tư mới, có thể đây là nghịch lý. Nhưng với các nhà đầu tư chuyên nghiệp, nghịch lý này có thể chấp nhận được.

Tôi cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam không chỉ được vận hành bằng quy luật giá trị, mà còn được thiết lập bởi cả quy luật cung cầu.

Cụ thể, quy luật cung cầu ở đây là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Tuấn Anh: Đó là sức ép về mặt tỷ giá từ đồng đôla Mỹ trong năm qua, khiến các nhà đầu tư nước ngoài rút và bán ròng tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, năm nay chúng ta cũng chứng kiến nhiều thương vụ mua lại cổ phiếu từ nhóm chủ doanh nghiệp. Lần đầu tiên, thị trường chứng kiến nhóm chủ phải mua lại cổ phiếu ở mức giá trung bình cao, thay vì mức thấp như mọi năm. Vì ở mức cao, nên thị trường trở nên ít biến động hơn, làm mất đi tính hấp dẫn của chứng khoán.

Nhìn vào quy luật này trong năm 2024, chúng ta có thể đoán định điều gì về thị trường chứng khoán trong năm tới, thưa ông?

Ông Nguyễn Tuấn Anh: Theo tôi, chúng ta nên nhìn vào câu chuyện của nền kinh tế trong năm 2025, khi Chính phủ đang quyết tâm đặt mục tiêu tăng trưởng ấn tượng. Chắc chắn, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến của các nhà đầu tư tăng trưởng.

Cộng với việc nhóm chủ phải mua lại cổ phiếu ở mức trung bình cao năm ngoái, chúng ta có thể kỳ vọng đây sẽ là "mức nền" mới của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch FinPeace. Ảnh: VH

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch FinPeace. Ảnh: VH

Chặng về đích

Theo ông, cổ phiếu ngành nào sẽ dẫn dắt và đạt hiệu suất đầu tư tốt trong năm sau?

Ông Nguyễn Tuấn Anh: Thị trường chứng khoán thường sẽ có tính chất tiếp diễn, nên ngành logistics, bất động sản khu công nghiệp và đầu tư công sẽ tiếp tục hưởng lợi trong dài hạn.

Còn ở khu vực ngắn hạn hay đầu cơ, FinPeace đoán định đó có thể là ngành dầu khí, vốn gắn liền với sự kiện ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ. Lịch sử cho thấy, cổ phiếu ngành dầu khí tại Việt Nam thường pha trộn yếu tố bất ngờ và có biên độ giao động mạnh.

Ở chiều ngược lại, nhóm ngành nào có thể là lực cản với thị trường chứng khoán Việt Nam, thưa ông?

Ông Nguyễn Tuấn Anh: Tin mừng là các nhóm ngành không tốt lắm về mặt cơ bản như bất động sản trong năm 2024 đã phần nào phản ứng vào giá cổ phiếu, nên bước sang năm 2025, rủi ro các cổ phiếu này giảm giá thêm nữa sẽ không còn nhiều.

Hay kể cả những nhóm ngành có kết quả kinh doanh không xấu lắm, nhưng tính hiệu quả không còn cao như ngành chứng khoán, thì cũng đã điều chỉnh giá trong năm 2024. Nên nhìn chung, rủi ro theo tôi là không đáng ngại.

Ở khía cạnh đối tượng nhà đầu tư thì sao thưa ông? Nếu xét lại năm 2024, đâu là nhóm nhà đầu tư thành công? Và bước sang năm 2025 này, ông cho rằng, đối tượng nhà đầu tư nào sẽ lên ngôi?

Ông Nguyễn Tuấn Anh: Theo quan sát của FinPeace, nhóm nhà đầu tư dài hạn, đầu tư định kỳ và đầu tư vào quỹ đã đạt hiệu quả tốt trong năm 2024. Trong khi đó, nhóm nhà đầu tư ngắn hạn lại có một năm không thuận lợi, do biến động thị trường kém.

Bước sang 2025, với hoạt động đầu tư vào thị trường chứng khoán nói chung, một câu hỏi mà chúng ta nên đặt ra là doanh nghiệp bạn đầu tư có tăng trưởng tốt trong năm tới không?

Cá nhân tôi nhìn năm 2025 giống như một chặng về đích, nên doanh nghiệp nào kinh doanh tốt trong năm cũ sẽ có cơ hội tiếp tục thành công trong năm mới.

Do đó, tôi dự báo năm 2025 vẫn sẽ là một năm hiệu quả với nhóm nhà đầu tư dài hạn và đầu tư định kỳ. Trong khi đó, thị trường chứng khoán sẽ mở ra cơ hội mới với các nhà đầu tư ngắn hạn, sau thời gian dài đi ngang.

Chủ tịch FinPeace tin rằng chứng khoán Việt Nam đón chặng về đích. Ảnh: Hoàng Anh

Chủ tịch FinPeace tin rằng chứng khoán Việt Nam đón chặng về đích. Ảnh: Hoàng Anh

Hết thời mua rẻ?

Cơ hội với các nhà đầu tư ngắn hạn mà ông nhắc tới là gì?

Ông Nguyễn Tuấn Anh: Đầu tư ngắn hạn thường ưa biến động, nên tôi nhận định đây là cơ hội. Nhưng song hành với đó là quy luật mới và nền giá mới.

Giống như một chú gấu ngủ đông đã lâu, nhà đầu tư ngắn hạn sẽ mất thời gian làm quen với một thị trường có biến động mạnh. Điều đó từng xảy ra trong năm 2019, thị trường đã đi ngang rất dài rồi giảm giá mạnh trong Covid-19. Trước đó là năm 2016, thị trường cũng đi ngang hơn hai năm, để rồi VnIndex tăng tới 80%.

Dù là tăng hay giảm điểm, đây có thể gọi là trạng thái "kỳ dị" sau giai đoạn ngủ đông của thị trường đi ngang nhàm chán.

Nhà đầu tư cần chuẩn bị thế nào cho sự "biến động" mạnh sắp tới mà ông dự báo?

Ông Nguyễn Tuấn Anh: Nhà đầu tư ngắn hạn nên đặt ra cho mình những ngưỡng kỷ luật khi có biến động mạnh. Chẳng hạn, nếu VnIndex vượt lên 1.305 điểm, rất có thể thị trường đã bước sang một giai đoạn mới. Để chuẩn bị cho những thay đổi này, nhà đầu tư cần có những kịch bản, hành động cụ thể cho giai đoạn tăng điểm và ngược lại.

Biến động mạnh này theo ông có liên quan tới việc chúng ta đang chờ đợi thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng trong năm 2025?

Ông Nguyễn Tuấn Anh: Tôi ngờ rằng, khi thị trường chứng khoán hội tụ đủ các yếu tố tích cực sẽ chính là lúc VnIndex có biến động mạnh.

Còn với riêng hoạt động nâng hạng, tôi lại có hai dòng suy nghĩ khác nhau. Suy nghĩ đầu tiên là thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng sẽ chỉ là câu chuyện mang tính thời điểm. Nên chất lượng thị trường trước và sau nâng hạng mới là điều quan trọng.

Suy nghĩ thứ hai của tôi, là liệu chất lượng doanh nghiệp đã thực sự tương xứng với việc nâng hạng thị trường, khi có sự xuất hiện của dòng tiền mới, cũng như các nhà đầu tư mới?

Với hai suy nghĩ trên, ông cho rằng, nhà đầu tư trong nước nên chuẩn bị tâm thế ra sao nếu chứng khoán Việt Nam được nâng hạng?

Ông Nguyễn Tuấn Anh: Lịch sử tại các thị trường chứng khoán quốc tế khi nâng hạng, đó là mức định giá cao của nhà đầu tư chuyên nghiệp. Đây là điều mà chắc chắn các nhà đầu tư trong nước sẽ phải làm quen.

Trước đây, P/E của các doanh nghiệp niêm yết hàng đầu Việt Nam rơi vào ngưỡng 13, 14. Thì khi có sự xuất hiện của nhà đâu chuyên nghiệp, họ có thể định giá gấp nhiều lần hiện tại. Và nếu không có sự chuẩn bị trước, rất có thể nhà đầu tư trong nước sẽ bị đứng ngoài cuộc khi thị trường bước sang khu vực tăng điểm.

Xin cảm ơn ông!

Việt Hưng

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/chu-tich-finpeace-chung-khoan-viet-nam-don-chang-ve-dich-d38874.html
Zalo