Chủ tịch Đỗ Văn Chiến dâng hương tại Khu mộ chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng

Nhân chuyến công tác tại Quảng Ngãi, chiều 21/12, ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã đến dâng hương, dâng hoa tưởng niệm nhà chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng tại núi Thiên Ấn, xã Tịnh Ấn Đông, TP Quảng Ngãi.

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cùng đoàn công tác dâng hương tại mộ chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng.

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cùng đoàn công tác dâng hương tại mộ chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng.

Cùng tham gia đến dâng hương có bà Bùi Thị Quỳnh Vân, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Hoàng Công Thủy, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Đặng Ngọc Huy, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; ông Võ Thanh An, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi cùng các lãnh đạo Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi.

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến và các đại biểu dành một phút mặc niệm.

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến và các đại biểu dành một phút mặc niệm.

Tại lễ dâng hương, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cùng các lãnh đạo Ban Thường Vụ Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi đã dành một phút mặc niệm và bày tỏ lòng thành kính, biết ơn sâu sắc đối với những công lao, đóng góp của cụ Huỳnh Thúc Kháng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà.

Được biết, nhà chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng, nguyên Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng thường được gọi là cụ Huỳnh, sinh năm 1876, tại xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam.

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến dâng hương tại mộ chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng.

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến dâng hương tại mộ chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nhận lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Huỳnh Thúc Kháng tham gia vào Chính phủ Cách mạng lâm thời và giữ nhiều chức vụ quan trọng. Đặc biệt vào tháng 6/1946, cụ Huỳnh Thúc Kháng được tin cậy giao giữ chức Quyền Chủ tịch nước và cụ đã có những đóng góp quan trọng trong việc điều hành bộ máy nhà nước và xử lý đúng đắn nhiều vấn đề về nội chính, ngoại giao.

Cuối năm 1946, cụ Huỳnh Thúc Kháng đi kinh lý miền Trung và đến Quảng Ngãi làm việc tại Trụ sở Ủy ban Kháng chiến Hành chính miền Nam Trung Bộ. Tại đây, cụ đã lâm bệnh nặng và mất ngày 21/4/1947.

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến thăm mộ chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng.

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến thăm mộ chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng.

Theo tâm nguyện của cụ, nhân dân Quảng Ngãi đã an táng cụ trên đỉnh núi Thiên Ấn linh thiêng này. Cụ Huỳnh Thúc Kháng là một nhà báo nổi tiếng, sáng lập và chủ bút báo Tiếng dân, tác giả “Thi tù tùng thoại” và nhiều văn phẩm có giá trị về văn học và lịch sử. Cuộc đời, sự nghiệp, nhân cách, đức độ và tài năng của cụ Huỳnh Thúc Kháng là tấm gương sáng ngời về tinh thần yêu nước, thương nòi, luôn đặt lợi ích dân tộc trên hết, là biểu tượng của khối Đại đoàn kết toàn dân tộc, hết lòng vì dân, vì nước.

Mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng là sự kết hợp hài hòa kiến trúc hiện đại và truyền thống lăng mộ Đông Phương, ngôi mộ vừa có nét đơn giản, vừa có sự trang trọng nghiêm kính, gắn bó hài hòa với tổng thể cảnh quan Thiên Ấn.

Tấn Thành - Chí Đại

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/chu-tich-do-van-chien-dang-huong-tai-khu-mo-chi-si-yeu-nuoc-huynh-thuc-khang-10296954.html
Zalo