Chư Păh siết chặt quản lý nguồn nước ngầm
Trên địa bàn huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) có 500 công trình khai thác nước dưới đất (giếng khoan) phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất kinh doanh. Thời gian qua, huyện triển khai nhiều giải pháp nhằm siết chặt quản lý nguồn nước ngầm nhằm mục tiêu phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường.
Trên cơ sở Phương án số 381/PA-UBND ngày 3-3-2022 của UBND tỉnh về tổ chức thực hiện việc hạn chế khai thác nước dưới đất (nước ngầm) trên địa bàn tỉnh, huyện Chư Păh đã xây dựng Kế hoạch số 80/KH-UBND nhằm triển khai giải pháp bảo vệ, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn nước ngầm.
Mục tiêu của kế hoạch là tăng tỷ lệ sử dụng nước từ các công trình cấp nước tập trung; hạn chế sự suy giảm về số lượng, chất lượng nguồn nước so với trạng thái tự nhiên hoặc so với trạng thái của nguồn nước đã được quan trắc trong các thời kỳ trước đó; hạn chế việc khai thác nguồn nước ngầm quá mức dẫn đến cạn kiệt làm cho nguồn nước không còn khả năng đáp ứng nhu cầu khai thác, sử dụng và duy trì hệ sinh thái thủy sinh.
Theo thống kê, trên địa bàn huyện hiện có 500 công trình khai thác nước dưới đất (giếng khoan) phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất kinh doanh. Để quản lý nguồn nước ngầm, huyện đã triển khai xây dựng các vùng hạn chế khai thác nước ngầm gồm: vùng hạn chế 1 là vùng cấm tại các xã Nghĩa Hưng, Ia Phí, Hòa Phú và thị trấn Ia Ly (không có vùng hạn chế 2).
Vùng hạn chế 3 là vùng được đấu nối với hệ thống cấp nước tập trung có chức năng cấp nước sinh hoạt phù hợp với mục đích sử dụng nước tại các xã Nghĩa Hưng, Ia Nhin, Ia Kreng, Ia Phí, Hòa Phú, Ia Khươl, Đăk Tơ Ver, Hà Tây, thị trấn Phú Hòa.
Vùng hạn chế 4 là khu dân cư, khu công nghiệp tập trung không thuộc vùng hạn chế 3 và cách nguồn nước mặt có chức năng cấp nước sinh hoạt không quá 1 km xung quanh khu vực Biển Hồ với tổng diện tích khoanh định là 14,21 km, gồm 2 xã Nghĩa Hưng và Chư Đang Ya.
Qua rà soát, toàn xã Chư Đang Ya có khoảng 175 giếng khoan dùng để lấy nước sinh hoạt và phục vụ tưới nước cho cây trồng. Ông Nguyễn Văn Nội-Chủ tịch UBND xã-cho biết: “Trên địa bàn xã không có công trình cấp nước tập trung. Nếu xã không cho khoan giếng thì người dân rất khó khăn về nước sinh hoạt.
Thông thường, khoảng 3-4 hộ chung nhau khoan 1 giếng để lấy nước phục vụ sinh hoạt gia đình và tưới cho cây trồng. Để quản lý tốt việc khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm, UBND xã tăng cường kiểm tra, hướng dẫn người dân đăng ký khi có nhu cầu khoan giếng để thực hiện các thủ tục theo quy định”.
Tương tự, ông Huỳnh Trọng Quang-Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hưng-cho hay: Trên địa bàn xã có hơn 80 giếng khoan dùng để lấy nước sinh hoạt và tưới cho cây trồng. Các trường hợp muốn khoan giếng đều có báo cáo với UBND xã.
Sau đó, UBND xã cử công chức địa chính-nông nghiệp phối hợp với trưởng thôn kiểm tra nếu vị trí khoan giếng nằm ngoài vùng giới hạn mới được triển khai. Ngược lại, nếu vị trí nằm trong khu vực giới hạn sẽ yêu cầu hộ dân dừng, không được khoan giếng.
Trao đổi với P.V, ông Lê Xuân Dũng-Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện-cho biết: Thời gian qua, Phòng có các văn bản đề nghị UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn, phổ biến pháp luật về tài nguyên nước để nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ tài nguyên nước.
Đồng thời, phối hợp kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc khai thác, sử dụng, xả thải vào nguồn nước; cắm mốc hành lang bảo vệ hồ, đập để bảo vệ nguồn nước và tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Cùng với đó, tuyên truyền người dân sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung, đối với các khu vực chưa có nước tập trung thì hướng dẫn khuyến cáo bà con không khoan giếng khi chưa được cơ quan chức năng chấp thuận.