Chủ nợ của Evergrande muốn nhà sáng lập trả lại 6 tỷ USD tiền cổ tức

Số tiền 6 tỷ USD bao gồm cổ tức và tiền thưởng dành cho nhóm người gồm cựu Chủ tịch Evergrande Hui Ka Yan và vợ cũ của ông này...

Ông Hui Ka Yan, người sáng lập, cựu chủ tịch tập đoàn Evergrande - Ảnh: Forbes

Ông Hui Ka Yan, người sáng lập, cựu chủ tịch tập đoàn Evergrande - Ảnh: Forbes

Theo báo cáo gửi cơ quan quản lý chứng khoán ngày 5/8, tập đoàn bất động sản Trung Quốc China Evergrande Group và các chủ nợ đang muốn thu hồi 6 tỷ USD cổ tức và tiền thưởng từ 7 cá nhân, trong đó bao gồm nhà sáng lập, cựu Chủ tịch tập đoàn là ông Hui Ka Yan (Hứa Gia Ấn).

Số tiền này được xác định dựa trên các báo cáo tài chính được cho là sai lệch của Evergrande trong các năm tài chính 2017-2020. Các cá nhân khác trong vụ việc bao gồm cựu CEO Xia Haijun, cựu giám đốc tài chính (CFO) Pan Darong, và bà Ding Yumei – vợ cũ của ông Hui.

Báo cáo của công ty nêu rõ, các chủ nợ đã có được lệnh cấm của tòa án nhằm ngăn chặn ông Hui, bà Ding và ông Xia xử lý hoặc tẩu tán tài sản trên khắp thế giới. Trước đây, các thông tin chi tiết này được bảo mật theo lệnh của Tòa án Tối cao Hồng Kông. Tuy nhiên, lệnh cấm này đã được dỡ bảo vào ngày 2/8.

Evergrande cho biết thủ tục tố tụng nhằm vào các cá nhân trên vẫn đang được tiếp tục nhưng không có gì chắc chắn về số tiền cuối cùng có thể thu hồi. Cổ phiếu của Evergrande vẫn đang bị đình chỉ giao dịch trên sàn chứng khoán Hồng Kông. Vụ việc được một chủ nợ là công ty Alvarez & Marsal đưa lên một tòa án ở Hồng Kông vào cuối tháng 3.

Trước đó, Hengda Real Estate Group - công ty con chủ lực tại thị trường Trung Quốc đại lục của Evergrande - đã bị Ủy ban Điều tiết chứng khoán Trung Quốc (CSRC) cáo buộc “thổi phồng” doanh thu một khoản 214 tỷ nhân dân tệ, tương đương gần 30 tỷ USD, trong năm 2019 và tiếp tục khai khống thêm 350 tỷ nhân dân tệ nữa trong năm 2020. Hengda đã dựa vào những báo cáo tài chính không đúng sự thật này để phát hành trái phiếu, huy động 20,8 tỷ nhân dân tệ từ nhà đầu tư.

CSRC cho rằng trách nhiệm chính trong việc này thuộc về ông Hui. Ông bị cho là người đã chỉ đạo cấp dưới làm sai lệch số liệu trong báo cáo tài chính hàng năm trong 2 năm nói trên. Ông Hui đã bị cảnh sát áp dụng biện pháp hạn chế vào tháng 9/2023 do “nghi vấn có hành vi phạm tội hình sự”. Ở thời điểm đó, tờ Caixin nói rằng hai ông Xia và Pan cũng bị tạm giữ.

Tuy nhiên, đến nay, chưa có cáo buộc hình sự nào đối với ông Hui được công bố. Các biện pháp phạt tiền và cấm tham gia thị trường chứng khoán của CSRC chỉ là hình phạt dân sự.

Trong khi đó, các chủ nợ đang cố gắng thu hồi khối nợ lên tới 300 tỷ USD từ Evergrande sau khi tòa án ở Hồng Kông ra phán quyết yêu cầu thanh lý tài sản, giải thể công ty hồi tháng 1. Tuy nhiên, tiến trình này đang diễn ra chậm chạp.

Vào cuối tháng 6, công ty Hexin Hengju Shenzhen Investment Holding Center – một chủ nợ khác của Evergrande – đã yêu cầu ông Hui bán căn hộ xa xỉ tại Hồng Kông để trả một phần khoản nợ 685 triệu USD với công ty. Thông tin này được tiết lộ trong thư triệu tập của một tòa án Hồng Kông ngày 25/6. Vào tháng 12/2023, Tòa án Tối cao Hồng Kông đã yêu cầu ông Hui trả khoản nợ trên nhưng không thành công. Hexin cũng yêu cầu ông Hui phải trả thêm 9.100 đô la Hồng Kông (1.165 USD) chi phí pháp lý.

Căn hộ trên thuộc khu tổ hợp Cheung King Mansion trên đường Austin, Kowloon, Hông Kông. Hiện tại, 2 căn hộ tương tự trong tòa nhà được rao bán với giá 5 triệu và 6 triệu đôla Hồng Kông.

Vào năm 2016, Hexin đã đầu tư 5 tỷ nhân dân tệ vào Hengda Real Estate để mua 1,6% cổ phần Tuy nhiên, thương vụ sau đó đổ bể khi Evergrande không thực hiện một số nghĩa vụ. Vào tháng 5/2023, một tòa án ở Quảng Châu, Trung Quốc cũng yêu cầu Evergrande trả khoảng 6 tỷ nhân dân tệ tiền bồi thường để giải quyết vụ việc với Hexin.

Gần đây, một dinh thự có liên quan tới ông Hui tại một trong những khu vực giàu nhất ở Hồng Kông đã tìm được người mua sau khi rao bán hạ giá suốt 15 tháng. Đây được xem là một chiến thắng hiếm hoi, dù không lớn, đối với các chủ nợ của Evergrande trong quá trình thanh lý các tài sản liên quan tới tập đoàn cũng như các lãnh đạo của tập đoàn này. Dinh thự này được bán với giá giảm 44% so với mức giá 448 triệu đôla Hồng Kông ban đầu.

Từng là người giàu nhất Trung Quốc, tài sản cá nhân của ông Hui bốc hơi nhanh chóng kể từ khi Evergrande rơi vào cuộc khủng hoảng nợ. Năm 2017, ông sở hữu tài sản ròng 42 tỷ USD và là tỷ phú giàu thứ hai ở châu Á. Sau khi Evergrande vỡ nợ vào năm 2021, ông chỉ còn khoảng 1 tỷ USD tài sản. Đến nay, ông Hui không còn là tỷ phú và đã bị loại ra khỏi xếp hạng 500 người giàu nhất thế giới Bloomberg Billionaire Index.

Ngọc Trang

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/chu-no-cua-evergrande-muon-nha-sang-lap-tra-lai-6-ty-usd-tien-co-tuc.htm
Zalo