Chủ khu resort đắt đỏ bậc nhất Six Senses Ninh Vân Bay vẫn chật vật nợ nần
Khả năng thanh toán của Ninh Vân Bay trong 12 tháng tới phụ thuộc vào kết quả hoạt động kinh doanh cũng như khả năng huy động vốn từ các tổ chức tín dụng hoặc các nguồn tài chính khác.
Ngày 18/4/2025 tới, CTCP Bất động sản Ninh Vân Bay (mã NVT) - doanh nghiệp được biết đến với khu nghỉ dưỡng hạng sang nổi tiếng Six Senses Ninh Vân Bay - sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025.
Mục tiêu lợi nhuận tăng mạnh năm 2025
Ninh Vân Bay cho biết, ngành du lịch Việt Nam đã tiếp đà phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19 với nhiều tín hiệu tích cực về lượng khách quốc tế và nội địa trong năm 2024 vừa qua. Trong năm, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 17,6 triệu lượt người, tăng 39,5% so với năm 2023 và tương đương 97,6% so với năm 2019 thời điểm trước khi đại dịch xảy ra. Khách nội địa ước đạt 110 triệu lượt, tăng 1,6% so với năm trước, tổng doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống trong năm ước đạt 733,9 nghìn tỷ đồng, phản ánh sự phục hồi của ngành du lịch.
Nhờ sự phát triển của ngành, các khu nghỉ dưỡng do Ninh Vân Bay sở hữu bao gồm Six Senses Ninh Vân Bay và Ana Mandara Dalat Resort & Spa cũng ghi nhận kết quả tích cực trong năm 2024. Cụ thể, Six Senses Ninh Vân Bay đạt mức tăng trưởng doanh thu 10% và Ana Mandara Dalat Resort & Spa ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu 9%.
Tổng kết, tổng doanh thu thuần hợp nhất năm 2024 đạt 411 tỷ đồng, tăng 8,9% so với năm 2023 và vượt 5% kế hoạch. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế đạt 22,9 tỷ đồng, giảm 36,1% so với năm 2023 tuy nhiên vẫn hoàn thành mục tiêu cả năm (21,59 tỷ đồng).
Trong năm 2025, công ty đặt mục tiêu hoàn thiện đầy đủ các thủ tục pháp lý để triển khai khởi công xây dựng giai đoạn 2 của dự án Six Senses Ninh Vân Bay, nghiên cứu thêm các sản phẩm khác biệt cho khu nghỉ dưỡng này. Đồng thời, nâng cấp, cải tạo khu nghỉ dưỡng Ana Mandara Dalat Resort & Spa.
Công ty tiếp tục đẩy mạnh tìm kiếm các cơ hội đầu tư tiềm năng trong lĩnh vực bất động sản du lịch cao cấp, mục tiêu là gia tăng quy mô sở hữu và phát triển các khu nghỉ dưỡng, khách sạn tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM và một số thành phố khác.
Kế hoạch công ty đề ra cho năm 2025 là 445,7 tỷ đồng doanh thu hợp nhất và 50,9 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Kế hoạch này đặt ra chỉ tăng nhẹ 8,5% về doanh thu nhưng lại gấp đến 2,2 lần lợi nhuận năm 2024.
Bên cạnh mục tiêu kinh doanh, Ninh Vân Bay còn dự tính thay đổi trụ sở từ tòa nhà Hoàng Gia, 180 Triệu Việt Vương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội sang địa chỉ mới tại Tòa nhà Vinaconex, số 34 Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội.
Vẫn còn nhiều điểm nghẽn về tài chính
Tuy các mục tiêu tăng trưởng mà Ninh Vân Bay sẽ trình lên đại hội thường niên có vẻ tích cực, tuy nhiên tình hình kinh doanh của doanh nghiệp này chưa thực sự khả quan.
Năm 2024, báo cáo tài chính hợp nhất ghi nhận lợi nhuận sau thuế 22,9 tỷ đồng, giảm 36,1% so với năm 2023. Cùng với đó lợi nhuận ròng (lơi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ) lại là con số âm: -9,7 tỷ đồng. Trên báo cáo tài chính riêng, công ty mẹ Ninh Vân Bay không hề ghi nhận doanh thu trong năm 2024.
Báo cáo của Ban kiểm soát cũng bày tỏ nhiều mối lo ngại về tình trạng tài chính của công ty.
Theo báo cáo tài chính riêng kiểm toán năm 2024, công ty đã trích lập dự phòng đối với các khoản thu khó đòi với tổng số tiền 5,9 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2024. Trong đó, khoản phải thu đối với Công ty TNHH Tư vấn Thiết kế BIM Sài Gòn là khoảng 744 triệu đồng, Công ty TNHH Câu lạc bộ Kỳ nghỉ Ninh Vân Bay là gần 2,5 tỷ đồng, CTCP Đầu tư Phú Thạch Hưng là gần 2,7 tỷ đồng. Ban kiểm soát Ninh Vân Bay cho biết, theo trao đổi với Ban điều hành, khả năng thu hồi các khoản công nợ này là rất thấp, công ty đã trích lập 100% giá trị khoản phải thu và ban điều hành cần cân nhắc phương án xóa sổ các khoản phải thu khó đòi này trên báo cáo tài chính.
Năm 2024, Ninh Vân Bay ghi nhận chi phí lãi vay là 22,5 tỷ đồng, chủ yếu từ lãi trái phiếu. Công ty cần nghiên cứu và triển khai thêm các giải pháp để tối ưu hóa chi phí sử dụng vốn vay, giảm áp lực tài chính cho công ty.
Tại ngày 31/12/2024, công ty có tài sản ngắn hạn khoảng 9,5 tỷ đồng, trong khi nợ ngắn hạn lên tới 27,4 tỷ đồng. Điều này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu, có thể ảnh hưởng đáng kể đến khả năng hoạt động liên tục của công ty. Ban kiểm soát Ninh Vân Bay cũng lưu ý rằng khả năng thanh toán của công ty trong 12 tháng tới phụ thuộc vào kết quả hoạt động kinh doanh cũng như khả năng huy động vốn từ các tổ chức tín dụng hoặc các nguồn tài chính khác.
Trong kỳ đại hội thường niên tới, công ty tiếp tục trình lên kế hoạch thù lao 0 đồng đối với các thành viên HĐQT và các thành viên Ban kiểm soát. Mức thù lao này cũng đã được thực hiện trong năm 2024.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu NVT của Ninh Vân Bay vẫn đang nằm trong diện chứng khoán bị cảnh báo do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính là con số âm. Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2024, Ninh Vân Bay vẫn còn lỗ lũy kế hơn 722 tỷ đồng. Còn khoản lỗ lũy kế trên báo cáo tài chính công ty mẹ là 485 tỷ đồng.