Chủ động vượt qua mùa cúm

Những ngày cuối tháng 1, đầu tháng 2 là giai đoạn đỉnh điểm của dịch cúm ở nhiều quốc gia, với số ca mắc và tử vong do cúm liên tục tăng, khi không khí lạnh là một tác nhân gây nhiễm virus cúm. Những hệ lụy do cúm mùa khiến thế giới không thể chủ quan, các biện pháp ứng phó với cúm mùa đã được các chính quyền cập nhật, điều chỉnh để phù hợp với tình hình hiện nay.

Nhân viên kiểm dịch tiêu hủy gia cầm tại một ổ dịch cúm gia cầm ở Hokkaido, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Nhân viên kiểm dịch tiêu hủy gia cầm tại một ổ dịch cúm gia cầm ở Hokkaido, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Tại Mỹ, theo số liệu mới nhất của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC), nước này đã ghi nhận ít nhất 24 triệu ca mắc bệnh, 310.000 ca nhập viện điều trị và 13.000 ca tử vong do cảm cúm. Những con số này ngang bằng với đỉnh điểm của đại dịch cúm lợn năm 2009. Hơn 45 bang và khu vực báo cáo mức độ hoạt động của cảm cúm ở mức “cao hoặc rất cao”, trong khi số ca khám cấp cứu liên quan đến cảm cúm trên toàn quốc cũng đạt mức “rất cao”. Đáng chú ý, CDC cũng ghi nhận một trường hợp nhiễm virus cúm A (H1N2) biến thể ở người trong tuần này. Đây là ca nhiễm virus cúm biến thể đầu tiên được báo cáo trong mùa 2024 - 2025 tại Mỹ, cho thấy thêm một thách thức mới trong cuộc chiến kiểm soát dịch cúm.

Ở Nhật Bản, số lượng bệnh nhân mắc cúm mùa chiếm con số áp đảo so với các bệnh khác với đỉnh điểm là vào cuối tháng 1. Ước tính số bệnh nhân trên toàn quốc trong tuần tính đến ngày 19/1 là khoảng 386.000 người và tổng số bệnh nhân trong mùa cúm kể từ ngày 2/9/2024 là khoảng 9.523.000 người. Cuối năm 2024, giới chức y tế Nhật Bản đã thông báo số ca bệnh cúm mùa vào thời điểm cuối năm ở mức cao nhất trong 10 năm qua.

Hàn Quốc cũng vừa trải qua đợt dịch cúm lớn nhất kể từ năm 2016. Số ca bệnh tăng mạnh, đặc biệt ở thanh thiếu niên. Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), tỷ lệ nghi nhiễm cúm là 73,9 trên 1.000 lượt khám tại 300 phòng mạch. Con số đánh dấu mức tăng đột biến 136% so với 31,3 trên 1.000 lượt vào cuối năm ngoái.

Cúm mùa cũng đang bủa vây các nước châu Âu. Viện Y tế Công cộng Nhà nước Séc (SZU) ngày 10/2 đánh giá dịch cúm tại quốc gia Trung Âu với hơn 10 triệu dân này có thể đang ở đỉnh điểm, phổ biến nhất là cúm A và B. Bỉ thì ghi nhận "đại dịch cúm tồi tệ nhất" kể từ thời kỳ COVID-19, khi tỷ lệ người đến khám vì các triệu chứng giống cúm đã lên tới 1.199/100.000 dân - tỷ lệ được cho là "đặc biệt cao”. Romania đã ghi nhận số ca nhiễm trùng đường hô hấp và cúm ở mức "kỷ lục", vượt quá 170.000 ca trên toàn quốc từ ngày 27/1 - 2/2. Các bệnh viện đang phải vật lộn với tình trạng quá tải khi tỷ lệ nhập viện do cúm là 6,6/100.000 dân.

Nam Bán cầu không ngoại lệ khi hệ thống giám sát bệnh tật quốc gia Australia cho biết, trong tuần đầu tiên của năm 2025, nước này đã ghi nhận 1.055 ca mắc cúm. Các chuyên gia y tế Australia đã cảnh báo có khả năng sẽ xảy ra một mùa cúm nghiêm trọng trong năm 2025 tại nước này, khi khu vực Bắc bán cầu đang có sự gia tăng các ca bệnh.

Yếu tố thời tiết là một trong những nguyên nhân chính giải thích lý do mọi người dễ mắc cúm vào mùa này, đặc biệt sau khi hệ miễn dịch đã bị ảnh hưởng nặng nề sau đợt dịch COVID-19. Theo ông Takayo Shoji, Trưởng Khoa truyền nhiễm, Bệnh viện nhi Shizuoka (Nhật Bản), số ca mắc cúm mùa tăng cao có thể là do trong một thời gian dài xảy ra đại dịch COVID-19, bệnh cúm mùa không phát triển mạnh, khiến cơ thể con người không sản sinh ra kháng thể chống bệnh cúm, đặc biệt là đối với trẻ em. Bên cạnh đó, khi du lịch quốc tế trở lại bình thường và các khuyến nghị đeo khẩu trang được nới lỏng, virus cúm có điều kiện thuận lợi để lây lan rộng rãi.

Chuyên gia Andrew Bartlett, giảng viên về thực hành dược tại Đại học Sydney, cho rằng các yếu tố mùa Đông, như nhiệt độ lạnh hơn và ít nắng hơn, có thể làm trầm trọng thêm sự lây lan của bệnh cúm, gia tăng hơn nữa những thách thức do tỷ lệ tiêm chủng giảm. Theo ông, hệ thống miễn dịch ở người có thể yếu hơn trong mùa Đông do lượng vitamin D thấp vì thiếu nắng. Một yếu tố quan trọng khác là vaccine từ năm trước có thể đang mất tác dụng, khiến người dân dễ bị tổn thương hơn.

Một nghiên cứu năm 2022 được công bố trên Tạp chí dị ứng và miễn dịch học lâm sàng (The Journal of Allergy and Clinical Immunology) đã chỉ ra rằng, trên thực tế, việc giảm nhiệt độ bên trong mũi chỉ 5 độ C sẽ tiêu diệt gần 50% trong số hàng tỷ tế bào chống vi khuẩn và virus có ích trong lỗ mũi.

Tiến sĩ Zara Patel - chuyên khoa tai mũi họng tại trường Y khoa Đại học Stanford (California, Mỹ) - cho rằng nhiệt độ lạnh hơn hạn chế phản ứng miễn dịch bẩm sinh của con người. Cùng quan điểm, Tiến sĩ Benjamin Bleier - Phó Giáo sư tại trường Y khoa Harvard (thành phố Boston, Mỹ) giải thích: “Không khí lạnh có liên quan đến việc tăng nguy cơ nhiễm virus vì về cơ bản, con người đã mất một nửa khả năng miễn dịch chỉ với nhiệt độ giảm ở mức nhỏ”.

Theo một bài viết trên báo The Conversation của Australia, không chỉ thời tiết lạnh mà không khí khô vào mùa Đông cũng góp phần làm bùng phát dịch cúm. Nguyên nhân là do không khí khô khiến các giọt dịch tiết từ đường hô hấp bốc hơi nhanh hơn, làm cho các giọt bắn và hạt chứa virus cúm trở nên nhỏ nhẹ hơn, có thể di chuyển xa hơn và tồn tại lâu hơn, làm tăng nguy cơ lây nhiễm khi ho hoặc hắt hơi.

Ngoài ra, bác sĩ Julien De Greef, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đại học Saint-Luc ở Brussels (Bỉ), cho rằng điều khiến dịch cúm trên thế giới diễn biến phức tạp là sự xuất hiện của chuỗi các loại virus đường hô hấp. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong những tuần cuối năm 2024, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp cấp tính gia tăng tại nhiều quốc gia ở Bắc bán cầu do virus cúm mùa, virus hợp bào hô hấp (RSV) và các virus khác như human metapneumovirus (HMPV), vi khuẩn Mycoplasma pneumoniae.

Đẩy mạnh tiêm vaccine phòng cúm là biện pháp phổ biến nhất đang được các nước áp dụng để bảo vệ người dân. Bên cạnh tăng cường chiến dịch tiêm vaccine, CDC Mỹ đồng thời khuyến khích các bang tạm đóng cửa trường học nếu cần thiết, cũng như tạm đóng cửa các chợ gia cầm sống. Một số địa phương của Australia, như bang Queensland, tiếp tục tài trợ cho chương trình tiêm vaccine ngừa cúm miễn phí cho tất cả người dân từ 6 tháng tuổi trở lên trong năm 2025. Chính phủ các nước tại châu Á và châu Âu tăng cường năng lực y tế. Nhằm ứng phó trước tình trạng quá tải bệnh viện, các bác sĩ tại Nhật Bản kêu gọi cộng đồng thực hiện các biện pháp kiểm soát phòng ngừa nhiễm trùng cơ bản triệt để như rửa tay và đeo khẩu trang.

Theo các chuyên gia, các virus và vi khuẩn gây bệnh cúm không phải mới mà đã từng xuất hiện trước đây. Điều đáng lưu ý là cúm mùa không phải bệnh cảm lạnh thông thường và có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, song hoàn toàn có thể phòng ngừa nhờ tiêm vaccine.

WHO khuyến cáo đặc biệt những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như người cao tuổi, người có hệ miễn dịch yếu, người mắc các bệnh nền, bệnh mạn tính, bệnh ung thư, phụ nữ chuẩn bị mang thai hoặc đang mang thai, trẻ em dưới 5 tuổi... nên chủ động tiêm phòng cúm hằng năm. Ngoài ra, để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, các chuyên gia cũng khuyến cáo cần chú ý đến các biện pháp phòng bệnh không đặc hiệu như tăng cường vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, vệ sinh tay, giữ ấm, ăn uống đầy đủ dưỡng chất, vệ sinh môi trường như: tránh không khí ẩm thấp, thiếu ánh nắng, vệ sinh bề mặt, hạn chế tiếp xúc nơi đông người.

Hà Ngọc (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/chu-dong-vuot-qua-mua-cum-20250212095544901.htm
Zalo