Chủ động vùng nguyên liệu: Tạo ưu thế cho xuất khẩu nông, lâm sản

Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, xuất khẩu nông, lâm sản tiếp tục là điểm sáng, góp phần khẳng định vai trò bệ đỡ vững chắc của nền kinh tế. Do vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là cần đảm bảo vùng nguyên liệu đáp ứng yêu cầu tiêu dùng, xuất khẩu.

Xây dựng vùng nguyên liệu nông sản phải gắn với các điều kiện thu hoạch, chế biến hiệu quả. Ảnh ST

Xây dựng vùng nguyên liệu nông sản phải gắn với các điều kiện thu hoạch, chế biến hiệu quả. Ảnh ST

Bước đầu đảm bảo vùng nguyên liệu nông, lâm sản

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), việc phát triển sản xuất vùng nguyên liệu nông, lâm, thủy sản an toàn không chỉ đóng vai trò quan trọng trong công tác chế biến, cung cấp nguồn thực phẩm có nguồn gốc truy xuất rõ ràng cho người dân mà còn tạo điều kiện đáp ứng cần thiết cho xuất khẩu nông sản ra thị trường nước ngoài.

Sở NNPTNT Hà Nội cho biết, diện tích sản xuất nông nghiệp của Hà Nội rất lớn, cùng hệ thống 70.779 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, 453 chợ, 137 siêu thị, 29 trung tâm thương mại, 2.000 cửa tiện lợi, 34 sàn thương mại điện tử, kênh bán hàng đa phương tiện…, góp phần vào việc cung cấp sản phẩm cho tiêu dùng, xuất khẩu của thành phố. Tuy nhiên, trước nhu cầu ngày càng gia tăng, một số sản phẩm nông, lâm sản trên địa bàn thành phố mới đáp ứng khoảng 70% (hoàng theo sản phẩm) cho hơn 10 triệu dân sinh sống, làm việc trên địa bàn. Lượng hàng hóa còn thiếu kết nối, khai thác từ các tỉnh, thành phố và nhập khẩu từ nước ngoài…

Thực tế này đã cho thấy yêu cầu bức thiết phải đảm bảo vùng nguyên liệu cho tiêu dùng, cũng như xuất khẩu. Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ NNPTNT) Nguyễn Như Tiệp cho biết, tiêu dùng trong nước là 1 trong 3 trụ cột của tăng trưởng quốc gia nên việc kết nối tiêu thụ nông sản là nhiệm vụ không chỉ bảo đảm dân sinh mà còn tác động đến phát triển nông nghiệp, phát triển kinh tế nói chung. Do đó, “các địa phương cần sản xuất theo yêu cầu của thị trường, nắm bắt quy định về an toàn thực phẩm, coi chất lượng sản phẩm là hàng đầu” - ông Tiệp thông tin.

Nhận thức được vai trò quan trọng của việc hình thành vùng nguyên liệu nông sản, năm 2022, Bộ NNPTNT đã phê duyệt triển khai Đề án Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025 (Đề án). Theo đó, Đề án được thực hiện với quy mô 166,8 nghìn ha cây trồng trên địa bàn 46 huyện của 13 tỉnh với tổng kinh phí là 2.467 tỷ đồng.

Sau 2 năm triển khai, vùng nguyên liệu cơ bản hình thành rõ nét, phát triển cả về quy mô diện tích và chất lượng. Cụ thể, đã hoàn thành 82/131 km đường giao thông; 0,6/6,03 km kênh mương; xây dựng được 2/5 trạm bơm điện, 3/8 nhà kho, nhà trưng bày sản phẩm. Diện tích vùng nguyên liệu có liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp là 103.884 ha; xây dựng được 81 chuỗi liên kết; có 26 doanh nghiệp và 353 hợp tác xã thu mua, chế biến nông sản tham gia liên kết; thành lập được 130 tổ khuyến nông cộng đồng...

Theo ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) - đại diện một trong những đơn vị tham gia triển khai cho biết, Đề án có ý nghĩa quan trọng trong việc thay đổi tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang hình thành những vùng nguyên liệu đạt chuẩn với các thiết chế đi kèm, sẽ giúp giảm thiểu rủi ro cho các ngành hàng mà trực tiếp là doanh nghiệp và nông dân.

Bên cạnh kết quả đạt được, ông Thịnh cũng thừa nhận, việc triển khai các hợp phần đầu tư hạ tầng vùng nguyên liệu theo Đề án vẫn còn một số hạn chế, đặc biệt là các công trình logistics như nhà kho và bãi tập kết nguyên liệu. Vấn đề pháp lý và bố trí mặt bằng đất đai cho các kho bãi cũng gặp nhiều khó khăn. Tổng diện tích vùng nguyên liệu có liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp còn hạn chế, mới đạt 103.884 ha. Bên cạnh đó, nhiều hợp tác xã quy mô nhỏ, hoạt động chưa hiệu quả và chưa kết nối được với các doanh nghiệp tiêu thụ.

Sớm hình thành các vùng nguyên liệu tập trung

Xác định vai trò quan trọng của việc hình thành vùng nguyên liệu, trên cơ sở nhận diện khó khăn, thách thức, các địa phương đề xuất Bộ NNPTNT cần đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành các hạng mục công trình hạ tầng vùng nguyên liệu. Phát triển hệ thống sơ chế, bảo quản phải được thực hiện một cách đồng bộ trong các khâu của chuỗi giá trị, từ sản xuất, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, chế biến đến tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị gia tăng, giảm tổn thất sau thu hoạch.

Dẫn chứng từ cơn sốt giá gạo năm 2023, đại diện Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam cho biết, Việt Nam đã chớp thời cơ để xuất khẩu lượng gạo với giá cao kỷ lục. Kết quả này là nhờ Việt Nam đã chuẩn bị tốt vùng nguyên liệu, nên đảm bảo ứng phó tốt với nhu cầu lương thực tăng cao cho tiêu dùng cũng như xuất khẩu. “Đây chính là bài học sâu sắc cần rút ra với các ngành hàng về việc phải chuẩn bị vùng nguyên liệu tập trung” - đại diện Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam cho biết.

Từ thực tiễn triển khai sản xuất, nhiều hợp tác xã cho biết, họ gặp khó khăn về vốn để mở rộng quy mô, cũng như gia tăng chuỗi giá trị thông qua việc liên kết giữa sản xuất với chế biến. Do đó, các ý kiến đề xuất Ngân hàng NNPTNT triển khai thêm các gói chính sách tín dụng gắn với bảo hiểm nông nghiệp theo chuỗi trong các vùng nguyên liệu.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, trong bối cảnh giá trị chi phí vận tải đang chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất nông nghiệp, việc hình thành vùng nguyên liệu tập trung sẽ giúp giải bài toán này. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, ngành nông nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với địa phương, ngành giao thông vận tải để rà soát, hoàn thiện các thủ tục pháp lý và triển khai đầu tư các hạng mục hạ tầng logistics hỗ trợ phát triển hợp tác xã trong vùng nguyên liệu.

Từng nhiều lần lưu ý việc hình thành nguồn nguyên liệu tập trung là yêu cầu cấp thiết để phát triển nông nghiệp bền vững, hội nhập, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, sự thành công của đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn không chỉ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp mà còn tạo ra động lực phát triển kinh tế nông thôn bền vững.

Bộ trưởng cũng chỉ ra rằng, sự quyết tâm và đồng lòng từ các cấp ngành và người dân sẽ là yếu tố quyết định cho thành công của Đề án. Do đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị các bên liên quan cần xác định được vai trò của mình để có sự chia sẻ, hỗ trợ nhau cùng thực hiện tốt Đề án.

Trong đó, các đơn vị chức năng thuộc Bộ NNPTNT cần hoàn thiện quy trình chuẩn để nhân rộng ra những địa phương khác với những ngành hàng khác, từng bước đồng bộ việc hình thành các vùng nguyên liệu đạt chuẩn trong cả nước../.

N.LỘC

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/chu-dong-vung-nguyen-lieu-tao-uu-the-cho-xuat-khau-nong-lam-san-33668.html
Zalo