Chủ động ứng phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan

Trước tình trạng mưa lớn đang gia tăng tại các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã phát đi Công điện số 2446/BNNMT-ĐĐ yêu cầu các tỉnh, thành phố chủ động ứng phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan. Bảo đảm chủ động ứng phó với mưa lớn, nguy cơ xảy ra lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, triển khai thực hiện các nội dung theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường theo tinh thần công điện số 2446.

Vật tư phục vụ phòng, chống thiên tai của tỉnh để tại kho của Hạt quản lý đê Phủ Lý. Ảnh: Mạnh Hùng

Vật tư phục vụ phòng, chống thiên tai của tỉnh để tại kho của Hạt quản lý đê Phủ Lý. Ảnh: Mạnh Hùng

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ chiều tối ngày 28/5 đến ngày 29/5, khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có khả năng xảy ra một đợt mưa vừa đến mưa to, với tổng lượng mưa phổ biến từ 30 - 80 mm, có nơi lên tới 180 mm. Dự báo có thể xuất hiện các cơn mưa cục bộ với cường độ lớn hơn 100mm trong vòng 3 giờ, gây nguy cơ ngập úng, lũ quét và sạt lở đất nghiêm trọng tại nhiều khu vực. Những ngày qua, mưa lớn đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường yêu cầu các địa phương trong vùng có nguy cơ phải tăng cường công tác phòng chống và chuẩn bị các phương án ứng phó kịp thời.

Để bảo đảm an toàn cho người dân và giảm thiểu thiệt hại, Bộ Nông nghiệp và Môi trường yêu cầu các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm túc các chỉ thị trước đó, bao gồm Công điện số 70/CĐ-TTg ngày 23/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản liên quan về việc ứng phó với lũ quét, ngập lụt, và sạt lở đất. Các biện pháp cụ thể được yêu cầu bao gồm: Theo dõi chặt chẽ tình hình dự báo thời tiết và thông báo kịp thời đến các cấp chính quyền địa phương và người dân để chủ động phòng tránh, di dời, sơ tán đến nơi an toàn khi có nguy cơ; Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu vực dân cư ven sông, suối, vùng trũng thấp, có nguy cơ bị lũ quét và sạt lở đất. Các khu vực bị tắc nghẽn dòng chảy cần được khơi thông kịp thời để giảm thiểu nguy cơ ngập lụt; Tổ chức bảo vệ giao thông an toàn, đặc biệt tại các khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, các ngầm, tràn và các vị trí đã xảy ra sạt lở trước đó. Các phương tiện và người dân không được phép đi qua các khu vực nguy hiểm nếu chưa được xác nhận là an toàn;

Rà soát các công trình xung yếu, đặc biệt là các hồ đập, đê điều, và các cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai, để bảo đảm hoạt động của các công trình này trong trường hợp có mưa lũ lớn. Đồng thời, các phương án tiêu nước để tránh úng ngập khu công nghiệp, khu đô thị cũng cần được chuẩn bị kỹ lưỡng; Chuẩn bị lực lượng cứu hộ, cứu nạn, với các phương tiện và vật tư cần thiết để ứng phó kịp thời với các tình huống khẩn cấp, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả và ổn định đời sống. Bộ Nông nghiệp và Môi trường yêu cầu các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền và thông báo về diễn biến của cơn bão và mưa lớn qua các phương tiện truyền thông đại chúng, giúp người dân nắm rõ tình hình và chủ động phòng tránh. Các cơ quan thông tin tại địa phương phải trực ban 24/7, thường xuyên báo cáo diễn biến mưa lũ và tình hình thiên tai để Bộ kịp thời chỉ đạo các biện pháp ứng phó. Đồng thời, các cơ quan này cũng cần thông báo đầy đủ các chỉ đạo và yêu cầu của chính quyền nhằm bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân.

P.V

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/moi-truong-do-thi/chu-dong-ung-pho-voi-cac-hien-tuong-thoi-tiet-cuc-doan-165085.html
Zalo