Chủ động ứng phó mưa lũ do hoàn lưu bão
Bão số 3, một siêu bão mạnh nhất trong 30 năm qua trên khu vực Biển Ðông đổ bộ vào các tỉnh phía bắc đã gây nhiều thiệt hại tại nhiều địa phương, nhất là tại Quảng Ninh, Hải Phòng. Tính đến tối 9/9, bão số 3 đã làm 58 người chết, 40 người mất tích và gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, cơ sở hạ tầng tại các địa phương.
Có thể thấy, đối mặt với một siêu bão, diễn biến phức tạp, hoàn lưu tác động trên vùng rộng lớn lại quần thảo trên đất liền trong thời gian kéo dài đến 12 giờ, thì những thiệt hại, nhất là về tính mạng con người đã được hạn chế đến mức thấp nhất. Một trong những nguyên nhân quan trọng là công tác dự báo và thông tin, tuyên truyền được thực hiện khá tốt.
Công tác dự báo, cảnh báo bão của cơ quan chức năng đã có sớm, chính xác và liên tục. Trong suốt thời gian bão xuất hiện, Trung tâm dự báo Khí tượng-Thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng-Thủy văn) đã ban hành tổng cộng 107 bản tin cảnh báo bão.
Bão số 3, một siêu bão mạnh nhất trong 30 năm qua trên khu vực Biển Ðông đổ bộ vào các tỉnh phía bắc đã gây nhiều thiệt hại tại nhiều địa phương, nhất là tại Quảng Ninh, Hải Phòng. Tính đến tối 9/9, bão số 3 đã làm 58 người chết, 40 người mất tích và gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, cơ sở hạ tầng tại các địa phương.
Ngoài việc tăng cường thông tin về tình hình bão, dự báo đường đi của bão trên các phương tiện thông tin đại chúng, việc thông tin, tuyên truyền qua các nền tảng mạng xã hội cũng đem lại hiệu quả tích cực nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư về phòng, chống thiên tai. Nhờ thông tin, tình hình bão được cập nhật thường xuyên đến hầu hết người dân trong diện bị ảnh hưởng, nên đã hạn chế đến mức thấp nhất người dân ra ngoài khi bão đổ bộ.
Cùng với đó là công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương từ Trung ương tới các bộ, ngành, địa phương trong phòng, chống bão. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chính quyền các địa phương rất quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc để khắc phục hậu quả, chăm lo đời sống của nhân dân khu vực bị ảnh hưởng, nhất là những gia đình bị thiệt hại nặng nề.
Ngay khi có tin bão có thể ảnh hưởng đến nước ta,Thủ tướng Chính phủ liên tục có các công điện chỉ đạo các cơ quan, địa phương tập trung ứng phó với bão từ sớm, từ xa, với tinh thần chủ động, quyết liệt, phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất để hạn chế thiệt hại.
Chính phủ đã lập Ban chỉ đạo tiền phương tại Hải Phòng để trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống bão. Trước, trong và sau bão, Thủ tướng, các Phó thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành liên quan luôn sát sao, đến các địa phương để đôn đốc, chỉ đạo công tác ứng phó bão.
Quyết liệt thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các địa phương đã di dời hàng trăm nghìn người dân ra khỏi những vùng nguy hiểm; kịp thời triển khai mọi biện pháp để chủ động ứng phó bão. Các lực lượng vũ trang như: công an, quân đội đã tích cực tham gia công tác phòng, chống và ứng cứu trong bão; trong đó, lực lượng quân đội đã huy động gần 458.000 cán bộ, chiến sĩ và hơn 10.100 phương tiện các loại để ứng phó với bão.
Trong số này, có hơn 400 xe đặc chủng, hàng nghìn ô-tô, tàu thuyền và 6 máy bay trực thăng. Các Quân khu 1, 2, 3, 4, 5; Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã hỗ trợ nhân dân chằng chống nhà cửa và di dời khỏi khu vực nguy hiểm.
Ngay sau bão, tại hội nghị trực tuyến sáng 8/9, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải tập trung cứu người, rà soát số người mất tích, tập trung cao độ lực lượng công an, quân đội hỗ trợ các địa phương, đồng thời không được để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, chỗ ở, nơi nương tựa, không để các cháu học sinh không được đến trường, không để người bệnh không có chỗ khám bệnh.
Bão số 3 đã qua, nhưng hoàn lưu bão và những hậu quả do bão để lại vẫn rất nặng nề, nhất là tình trạng ngập lụt và nguy cơ lũ quét, sạt lở tại nhiều địa phương. Theo chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại cuộc họp Bộ Chính trị ngày 9/9 để đánh giá tình hình, chỉ đạo khắc phục hậu quả cơn bão số 3 và tiếp tục ứng phó các nguy cơ sau bão, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục huy động tối đa nguồn lực và các lực lượng để ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
Trước mắt, các địa phương vùng bị ảnh hưởng bão hạn chế các hoạt động khác, tập trung cho việc cứu trợ, cứu nạn; triển khai các phương án tiếp cận người dân để hỗ trợ đồ ăn, nước sạch giúp đỡ bà con vượt qua thời gian khó khăn. Ðồng thời, mỗi bộ, ngành, địa phương phải tăng cường sự chủ động, bám sát tình hình địa bàn, triển khai tốt nhiệm vụ của mình, không chờ đợi sự chỉ đạo, hỗ trợ.
Chính phủ chỉ đạo các địa phương trong cả nước phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, hỗ trợ các địa phương đang gặp khó khăn, trong đó phân công rõ ràng việc hỗ trợ đối với các địa bàn trọng điểm về thiệt hại, nguy hiểm, cung cấp đầy đủ lương thực, nhu yếu phẩm, không để bất kỳ người dân nào bị thiếu đói; ưu tiên hỗ trợ kịp thời gia đình khó khăn, hoạn nạn, có người già, trẻ nhỏ, người ốm đau...