Chủ động ứng phó, kiểm soát chặt xuất xứ hàng hóa
Việc tái cấu trúc sẽ giúp Việt Nam định vị lại vai trò trong chuỗi thương mại toàn cầu và chuyển biến cú sốc thuế quan thành sức bật
Ngày 8-4, Sở Công Thương TP HCM đã tổ chức buổi gặp gỡ với các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp (DN) nhằm trao đổi, đánh giá tác động và tìm hướng ứng phó. Tại đây, các chuyên gia và đại diện DN đã chia sẻ mối lo ngại, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp hỗ trợ thiết thực.
Thích ứng với trạng thái "bình thường mới"
TS Hoàng Công Gia Khánh, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật, nhận định rất khó lường trước kết quả đàm phán giữa Mỹ và các nước do yếu tố chính trị chi phối mạnh hơn lý lẽ kinh tế. Trong bối cảnh đó, ông cho rằng Việt Nam cần xem sự "không ổn định" hiện nay là trạng thái "bình thường mới", từ đó chủ động ứng phó với năm trụ cột: đa dạng hóa thị trường và đối tác; nâng cao giá trị và sức cạnh tranh; củng cố thể chế, tuân thủ chuẩn quốc tế; phát triển công nghiệp hỗ trợ và tự chủ nguồn nguyên liệu; phát triển nhân lực và hạ tầng chiến lược. Việc tái cấu trúc sẽ giúp Việt Nam định vị lại vai trò trong chuỗi thương mại toàn cầu và chuyển biến cú sốc thành sức bật.

Giới đầu tư đổ về huyện Cần Giờ để tìm mua đất nhộn nhịp những ngày qua
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA), cho biết ngành gỗ đã chuẩn bị ứng phó từ một năm trước. Khi thông tin Mỹ áp thuế lên đến 46% được công bố, các DN ban đầu rất lo lắng nhưng hiện đã trấn tĩnh lại. Các nhà nhập khẩu lớn từ Mỹ vẫn chưa hủy đơn hàng, một số thậm chí đã liên lạc để tìm hiểu tình hình. HAWA cũng đã gửi kiến nghị đến Chính phủ và các bộ, ngành đề xuất các giải pháp ngắn và trung hạn. Trong đó, về ngắn hạn, ông Phương cho rằng cần lường trước khả năng hàng bị trì hoãn do thuế cao, dẫn đến áp lực tài chính cho DN. Khi đó, Chính phủ và ngân hàng cần hỗ trợ thanh khoản cho DN, đồng thời đàm phán để ít nhất hoãn áp thuế, giúp DN có thời gian chuẩn bị. Theo tính toán, nếu mức thuế khoảng 20%, DN ngành gỗ có thể chịu đựng được.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM (HUBA), kêu gọi DN bình tĩnh trước tình hình mới. Ông đề xuất Bộ Công Thương nên cập nhật thông tin đàm phán định kỳ, phân tích cụ thể theo từng ngành, không đưa ra thông tin chung chung. Việc đàm phán nên nhắm đến mục tiêu áp mức thuế linh hoạt, tùy thuộc vào mức độ giá trị gia tăng nội địa của từng ngành hàng. Với những ngành có tỉ lệ nội địa hóa cao nên vận động giảm thuế; ngành có tỉ lệ nhập khẩu lớn thì cần có giải pháp chống gian lận xuất xứ. Ông Hòa cũng đề xuất giảm chi phí nội địa như logistics để tăng sức chống chịu cho DN trong bối cảnh thuế mới.
Tiếp thu các ý kiến tại buổi họp, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết sẽ tham mưu UBND TP HCM trong các chính sách kích cầu đầu tư, cải thiện thủ tục hành chính và hỗ trợ DN hoạt động thuận lợi hơn trên địa bàn thành phố.
Khẩn trương với hàng loạt đầu việc
Cùng ngày, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn đã chủ trì cuộc họp của Tổ công tác về tăng cường hợp tác, chủ động thích ứng với điều chỉnh chính sách kinh tế, thương mại của Mỹ.
Tại cuộc họp, các thành viên của Tổ công tác đã cập nhật tình hình với những diễn biến mới, thảo luận về các giải pháp sau khi phía Mỹ công bố áp mức thuế đối ứng với hàng hóa đến từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu của các bộ, ngành, cơ quan, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đề nghị các thành viên của Tổ công tác và các cơ quan liên quan tiếp tục các biện pháp ngoại giao trên các kênh khác nhau để tác động tới các cơ quan của Mỹ có giải pháp phù hợp điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam và quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Về thuế, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, hoàn thiện phương án giảm thuế nhập khẩu. Đối với vấn đề phi thuế quan, các bộ, ngành rà soát các quy định của pháp luật, nội dung nào bất hợp lý, kể cả đối với các DN Việt Nam, thì xem xét loại bỏ, hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền loại bỏ.
Đối với vấn đề xuất xứ hàng hóa, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương rà soát, kiểm soát chặt chẽ xuất xứ hàng hóa, không để những việc đáng tiếc có thể xảy ra. Bộ Tài chính được giao tăng cường trao đổi thông tin hải quan với phía Mỹ về các biện pháp phòng vệ thương mại, trốn thuế. Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành trong việc xây dựng thỏa thuận song phương với Mỹ theo hướng nâng cấp Hiệp định Thương mại song phương (BTA), trong đó có bổ sung nội dung về thuế và sở hữu trí tuệ.
Liên quan đến vấn đề bản quyền, sở hữu trí tuệ, Phó Thủ tướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát các quy định của pháp luật, giải quyết các quan tâm của phía Mỹ.
Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương tăng cường quảng bá, phổ biến nội dung của 17 hiệp định thương mại tự do, đẩy mạnh hơn việc xúc tiến thương mại sang các thị trường mới; hỗ trợ các DN thích nghi với thị trường mới, thông tin kịp thời cho DN về chính sách của các thị trường xuất khẩu.
AmCham Việt Nam kêu gọi Mỹ nêu rõ điều kiện đàm phán
Ngày 8-4, Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam) bày tỏ ủng hộ phản ứng kịp thời và hợp lý của Chính phủ Việt Nam trước việc Mỹ áp thuế đối với hàng hóa Việt Nam. Đặc biệt, AmCham đánh giá cao cuộc điện đàm mang tính xây dựng giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump ngày 4-4, trong đó Việt Nam cam kết áp thuế đối ứng ở mức 0%.
AmCham cho rằng phản hồi tích cực từ phía Tổng thống Trump cho thấy đối thoại là hướng đi phù hợp để xử lý bất đồng và mang lại kết quả khả quan.
Đại diện AmCham nhấn mạnh cơ hội mà cuộc đối thoại mang lại cho các nhà xuất khẩu Mỹ, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp - lực lượng ủng hộ mạnh mẽ cho hiệp định thương mại tự do với Việt Nam.
Tuy nhiên, tổ chức này cũng lưu ý việc giảm thuế chỉ là một phần trong các yêu cầu của Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), bên cạnh các rào cản phi thuế quan. Báo cáo mới của USTR đề cập một số vấn đề thương mại tại Việt Nam, song chưa nêu mục tiêu cụ thể. Vì vậy, AmCham đề nghị phía Mỹ cần làm rõ các yêu cầu này.
AmCham cũng khuyến khích các doanh nghiệp thành viên, nhất là các công ty nhập khẩu từ Mỹ, đưa ra đề xuất cụ thể để gia tăng hàng nhập khẩu vào Việt Nam.
Ngoài ra, AmCham kêu gọi chính quyền Mỹ nên trì hoãn áp thuế, tạo thời gian cho thảo luận và xem xét các phương án có lợi cho đôi bên.
Th.Phương
Đối tác Mỹ muốn tạm ngưng đơn hàng
Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM, cho biết một số đối tác Mỹ đã yêu cầu tạm ngừng đơn hàng từ tháng 5-2025. Do đó, ông kiến nghị hỗ trợ DN về giãn thuế giá trị gia tăng, giảm lãi suất, cải thiện dòng tiền trong 3-6 tháng tới. Về lâu dài, ông đề xuất hỗ trợ DN chuyển đổi xanh, ứng dụng công nghệ cao để nâng cấp chuỗi cung ứng.