Chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước trên địa bàn tỉnh
UBND tỉnh ban hành văn bản số 1167/UBND-KT ngày 24/4/2025 về việc tăng cường chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt trên địa bàn tỉnh năm 2025.

Hỗ trợ nước sinh hoạt cho các xóm vùng cao xã Khánh Xuân (Bảo Lạc).
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành; chủ tịch UBND các huyện, Thành phố và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện Công điện số 128/CĐ-TTg ngày 8/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và các văn bản của Trung ương, của tỉnh về việc tổ chức các giải pháp đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh, phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2024 - 2025.
Tổ chức tuyền truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp bảo vệ nguồn nước, tích trữ và sử dụng nước hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí. Chủ động kiểm kê, đánh giá nguồn nước dự trữ tại các ao, hồ chứa nước, công trình thủy lợi trên địa bàn để xây dựng kế hoạch vận hành từng hệ thống công trình thủy lợi, hồ chứa thủy lợi, thủy điện; xác định cụ thể vùng đảm bảo tưới, vùng có nguy cơ bị hạn hán, thiếu nước để cảnh báo nhân dân tổ chức sản xuất, nuôi trồng cho phù hợp; xây dựng kế hoạch sử dụng và điều tiết nước hợp lý, ưu tiên cấp nước sinh hoạt, chăm lo sức khỏe cho người dân, nước uống cho gia súc, gia cầm và nước tưới cho cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao khi xảy ra hạn hán.
Đối với những khu vực thường xuyên thiếu nước, thực hiện ngay các biện pháp tăng cường tích, trữ nước ở các lu, bể, ao, hồ có sẵn; nạo vét kênh mương, cống, cửa lấy nước, đào ao trữ nước; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến.
Chủ động xây dựng phương án và thực hiện giải pháp cung cấp nước, không để thiếu nước cho sinh hoạt và chăn nuôi, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của nhân dân, nhất là đối với vùng Lục Khu, huyện Hà Quảng và các vùng cao thường xảy ra thiếu nước sinh hoạt. Chủ động bố trí, sử dụng kinh phí từ ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn khác để thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước.
Sở Nông nghiệp và Môi trường tổng hợp tình hình nguồn nước, ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước đến sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của các huyện, thành phố; chủ động phối hợp với các địa phương, sở, ngành đề xuất UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ các địa phương trong thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước theo quy định. Theo dõi, sử dụng tin dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn, cung cấp thông tin điều kiện nguồn nước để các địa phương, đơn vị kịp thời, chủ động thực hiện các biện phòng, chống hạn, thiếu nước.
Kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện kế hoạch phòng, chống hạn hán, giải pháp phòng, chống hạn, thiếu nước; chỉ đạo triển khai các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Kiểm tra, hướng dẫn các địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bố trí cơ cấu giống, thời vụ, phổ biến các biện pháp, kỹ thuật gieo cấy, chăm sóc và bảo vệ cây trồng phù hợp với nguồn nước tưới.
Thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nguồn nước, hướng dẫn điều tiết nước tại các hồ chứa thủy lợi, quản lý nguồn nước, kịp thời điều chỉnh phương án phòng, chống hạn hán, thiếu nước nhằm bảo đảm tốt nhất nhu cầu nước sinh hoạt và sản xuất. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và các biện pháp kỹ thuật để phòng cháy, chữa cháy rừng; tăng cường, chủ động kiểm tra lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”; xử lý nghiêm các tổ chức, chủ rừng và cá nhân thiếu trách nhiệm trong công tác phòng, cháy, chữa cháy rừng.
Phối hợp với Sở Công Thương và các địa phương thống nhất kế hoạch vận hành linh hoạt, điều tiết nước các hồ chứa thủy lợi, thủy điện để chủ động phòng chống hạn hán, thiếu nước và khai thác hiệu quả tài nguyên nước trong cả mùa lũ, mùa cạn.
Sở Tài chính phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường và các địa phương, đơn vị tham mưu trình UBND tỉnh nguồn kinh phí để thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.
Công ty TNHH Một thành viên Thủy nông thường xuyên kiểm tra, rà soát đánh giá nguồn nước, năng lực cấp nước của các công trình thủy lợi, rà soát, có kế hoạch điều tiết nước cụ thể, hợp lý. Căn cứ khả năng cấp nước đưa ra cảnh báo đối với những diện tích không đảm bảo nước tưới cho các địa phương để kịp thời có hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Xây dựng kế hoạch, chuẩn bị sẵn sàng các máy bơm dã chiến và các vật tư, thiết bị để chủ động cho công tác chống hạn khi có nguy cơ hạn hán xảy ra. Lập kế hoạch duy tu, bão dưỡng, sửa chữa hư hỏng kịp thời các công trình thủy lợi được giao quản lý, khai thác. Phối hợp với các Công ty thủy điện trên địa bàn và các đơn vị liên quan trong công tác điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất. Đối với các công trình thủy lợi sửa chữa do Công ty làm chủ đầu tư, trong quá trình thi công cần có kế hoạch, biện pháp thi công phù hợp, không làm ảnh hưởng đến khả năng cấp nước của công trình.
Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo, nhận định về tình hình khí tượng thủy văn, đặc biệt là việc dự báo sớm các khả năng xuất hiện và diễn biến các tình huống phức tạp về thời tiết, nguồn nước; cung cấp thông tin kịp thời cho Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự, Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh và các huyện, Thành phố để chỉ đạo ứng phó với mọi tình huống bất lợi có thể xảy
Sở Công thương, Công ty Điện lực Cao Bằng chỉ đạo, đôn đốc các chủ hồ chứa thủy điện rà soát, lên phương án vận hành, sản xuất điện trong bối cảnh xảy ra thiếu nước tại các hồ thủy điện, đảm bảo cân đối nguồn nước phù hợp, ưu tiên dành nước của hồ thủy điện phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, phòng chống hạn hán, thiếu nước. Sở Xây dựng chỉ đạo các đơn vị quản lý, vận hành các nhà máy nước trên địa bàn Thành phố, thị trấn, rà soát, nâng cao năng lực, hiệu quả lấy nước phù hợp với điều kiện nguồn nước, đảm bảo cấp nước an toàn cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Sở Y tế chủ động hướng dẫn người dân các kỹ năng để bảo vệ sức khỏe khi nắng nóng gay gắt kéo dài; bảo đảo an toàn môi trường, tránh bùng phát dịch bệnh do nắng nóng kéo dài, hạn hán, thiếu nước xảy ra.
Các cơ quan báo chí, truyền thông địa phương tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên tuyền về tình hình khí tượng, thủy văn, khả năng xảy ra hạn hán, thiếu nước; tuyên truyền ý thức sử dụng tiết kiệm điện, đặc biệt là trong các tháng cao điểm nắng nóng
Các chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn và UBND các huyện, Thành phố căn cứ lịch sản xuất nông nghiệp và tình hình thời tiết, thực hiện việc điều tiết phù hợp, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt, sản xuất cho vùng hạ du, tuân thủ quy trình vận hành hồ chứa đã được cấp thẩm quyền phê duyệt và các quy định của pháp luật có liên quan.