Chủ động thông tin, ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại

Các doanh nghiệp phải nắm và tìm hiểu kỹ quy định về phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ để hình dung ra được quy trình, các mốc thời gian nộp các tài liệu kiểm chứng trong thời gian tới.

Hệ thống pin năng lượng mặt trời tại Nhà máy điện mặt trời Hòa Hội (Phú Yên). Ảnh minh họa: Phạm Cường/TTXVN

Hệ thống pin năng lượng mặt trời tại Nhà máy điện mặt trời Hòa Hội (Phú Yên). Ảnh minh họa: Phạm Cường/TTXVN

Chia sẻ tại tọa đàm “Phòng vệ thương mại: Góc nhìn từ các vụ việc điều tra với ngành hàng tấm pin năng lượng mặt trời” ngày 27/12, ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại Hoa Kỳ cho biết, Hoa Kỳ là một trong những nước thành viên WTO mà áp dụng một cách nhuần nhuyễn các biện pháp về điều tra phòng vệ thương mại (PVTM) nhiều nhất đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Theo thống kê, hiện nay Hoa Kỳ áp dụng, cũng như khởi xướng điều tra đối với 70 vụ việc. Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, đã tiến hành 10 vụ việc PVTM. Các mặt hàng bị điều tra rất đa dạng, từ nông nghiệp cho đến công nghiệp.

“Pin năng lượng mặt trời là mặt hàng xuất khẩu khá hiếm ở Việt Nam, có liên quan đến tất cả các biện pháp PVTM do Hoa Kỳ áp dụng. Hiện nay, sự cạnh tranh tấm pin năng lượng mặt trời trên thị trường Hoa Kỳ rất gay gắt, vì thu hút ngày càng nhiều sự quan tâm của các bên, kể cả các đối thủ cạnh tranh xuất khẩu sang Hoa Kỳ; cũng như các doanh nghiệp sản xuất trong nước của Hoa Kỳ, do hiện nay các doanh nghiệp này cũng đã đáp ứng phần nào nhu cầu tiêu dùng đối với tấm pin năng lượng mặt trời trong thị trường nội địa”, ông Đỗ Ngọc Hưng cho biết.

Đại diện Tham tán thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ cũng cho biết, trong giai đoạn tới, khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức vào ngày 20/1/2025, cũng sẽ khó khăn đối với cả các nước xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thặng dư thương mại lớn, trong đó có Việt Nam. Trong các tuyên bố khi vận động tranh cử, ông Trump có tuyên bố sẽ áp thuế 10% là thuế toàn cầu đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu, 60% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mexico và Canada. Đồng thời và tuyên bố, nếu EU không hợp tác trong vấn đề tăng cường mua các mặt hàng dầu khí, mặt hàng năng lượng truyền thống, thì sẽ áp thuế lên hàng xuất khẩu của khối này. Như vậy có thể hiểu, thuế quan sẽ là công cụ, chính sách thương mại chính của chính quyền Hoa Kỳ trong thời gian tới.

“Việc Việt Nam trong 10 tháng năm 2024 đứng thứ ba về thặng dư thương mại của Hoa Kỳ, chỉ sau Trung Quốc và Mexico đạt 102 tỷ USD, sẽ khiến chúng ta gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới”, ông Đỗ Ngọc Hưng nhận định.

Các khách mời tham dự tọa đàm.

Các khách mời tham dự tọa đàm.

Tuy nhiên, ông Hưng cũng nhấn mạnh, các mặt hàng xuất khẩu Việt Nam về cơ bản không cạnh tranh trực tiếp với hàng sản xuất trong nước của Hoa Kỳ, mà đây là do cơ cấu ngoại thương của hàng xuất khẩu của Việt Nam và mang tính chất bổ trợ. Bên cạnh thuế quan, thì Hoa Kỳ cũng có thể tăng cường áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như là tăng khoảng 40% các vụ việc PVTM (như ở nhiệm kỳ 1 của ông Donald Trump), thì việc bị điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại là điều khó thể tránh khỏi và các biện pháp này là WTO cho phép nên các khuyến nghị nêu trên, trong thời gian tới, khả năng sẽ tiếp tục được chính quyền của Hoa Kỳ tăng cường áp dụng.

Theo ông Đỗ Ngọc Hưng, cơ quan và quản lý nhà nước cũng như các doanh nghiệp cần xem xét để triển khai những thỏa thuận với phía Hoa Kỳ, trong đó có cam kết mua hàng từ Hoa Kỳ để cân bằng cán cân thương mại, qua đó tránh việc Hoa Kỳ có “cớ” để áp dụng những biện pháp PVTM đối với Việt Nam.

“Các doanh nghiệp phải chủ động xử lý, tìm hiểu kỹ quy định về phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ ,để hình dung ra được quy trình, các mốc thời gian nộp tài liệu kiểm chứng, cũng như là tài liệu theo yêu cầu của vụ việc. Cùng với đó, phải liên tục phải nghiên cứu cải thiện sản phẩm, nâng cao hàm lượng chất xám cũng như tỷ lệ nội địa hóa, tránh phụ thuộc vào các lợi thế cạnh tranh về giá sản phẩm. Đồng thời, tăng cường hợp tác, phối hợp với cơ quan quản lý trong nước cũng như là cơ quan thương vụ tại Hoa Kỳ để nắm thông tin cũng như là có các chính sách và các biện pháp sản xuất trong kinh doanh trong thời gian tới”, ông Hưng nhấn mạnh.

Thu Trang/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/chu-dong-thong-tin-ung-pho-voi-cac-bien-phap-phong-ve-thuong-mai-20241227163945931.htm
Zalo