Chủ động thích nghi, ứng phó với loạt thuế quan mới của Mỹ

Việt Nam đang tích cực điều chỉnh chính sách thương mại, mở rộng quan hệ hợp tác với Mỹ; kiểm soát chặt chẽ các yếu tố có thể trở thành điểm yếu trong mắt chính quyền Donald Trump nhằm vượt bão thuế quan, tiếp tục giữ vững vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hiện hữu những thách thức, rủi ro

Dự kiến ngày 2/4, Chính phủ Mỹ sẽ chính thức công bố chính sách thuế quan mới nhằm bảo vệ nền kinh tế nội địa và điều chỉnh cán cân thương mại. Chính sách thuế mới này sẽ nhắm vào 15 quốc gia có thặng dư thương mại lớn, trong đó có nhiều nền kinh tế Châu Á. Mỹ có thể sẽ tăng thuế nhập khẩu đối với các nhóm hàng chủ lực như: nhôm, thép, đồ gồ, dệt may, nông, thủy sản và linh kiện điện tử.

Nông sản xuất khẩu của Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng chính sách thuế quan mới của Mỹ từ ngày 2/4. Ảnh minh họa

Nông sản xuất khẩu của Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng chính sách thuế quan mới của Mỹ từ ngày 2/4. Ảnh minh họa

Năm 2024, Việt Nam đạt thặng dư thương mại 123,5 tỷ USD với đối tác Mỹ. Đây là một trong những lý do khiến Việt Nam có thể là nước sẽ chịu mức thuế quan mới từ phía Mỹ vào ngày 2/4.

Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ Đỗ Ngọc Hưng phân tích: việc Mỹ đánh thuế đối ứng là biện pháp được đưa ra có thể để tái khởi động việc phê duyệt Đạo luật Thương mại có đi có lại. Tổng thống Mỹ có quyền nâng mức thuế quan với lý do an ninh quốc gia hoặc để trả đũa những hành vi thương mại không công bằng. Nếu bất kỳ quốc gia nước ngoài nào áp dụng mức thuế đối với hàng hóa do Mỹ sản xuất cao hơn mức thuế do nước này áp dụng, Tổng thống Mỹ sẽ có thẩm quyền áp dụng mức thuế có đi có lại đối với hàng hóa của quốc gia đó.

Đến nay, khả năng áp thuế hiện chưa có thông báo chính thức, song ông Đỗ Ngọc Hưng nhận định, với quy mô thương mại giữa hai nước, DN Việt Nam phải luôn sẵn sàng ứng phó và chủ động trong trường hợp Mỹ áp thuế đối ứng với các quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Mỹ trong đó có Việt Nam.

Chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận, Việt Nam là một trong những quốc gia hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 2018 - 2019 khi nhiều DN chuyển sản xuất sang Việt Nam để tránh thuế quan cao đối với hàng hóa Trung Quốc. Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã tăng mạnh trong thời gian qua, giúp Việt Nam trở thành một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ tại Đông Nam Á.

Tuy nhiên, với chính sách thuế mới của Tổng thống Donald Trump, Việt Nam có thể không còn được hưởng lợi như trước. Nếu Mỹ áp mức thuế cao hơn đối với hàng hóa Việt Nam, các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, điện tử, gỗ và thép chắc chắn sẽ chịu tác động nặng nề.

Chiến lược ứng phókịp thời, linh hoạt

Không chỉ là vấn đề thuế quan, những rào cản phi thuế quan mà Mỹ đặt ra cũng đang gây khó khăn cho Việt Nam. Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ đã liệt kê hàng loạt rào cản của Việt Nam như lệnh cấm nhập khẩu, yêu cầu đăng ký phức tạp và quy định kỹ thuật khắt khe. Trước các áp lực kể trên, Việt Nam đã chủ động điều chỉnh chính sách, cắt giảm thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng như khí đốt tự nhiên hóa lỏng và ô tô nhằm xoa dịu căng thẳng thương mại.

Việt Nam áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc từ ngày 1/4. Ảnh minh họa

Việt Nam áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc từ ngày 1/4. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, Việt Nam đang nỗ lực xây dựng quan hệ chiến lược với các tập đoàn lớn của Mỹ. Đơn cử, Chính phủ đã cho phép SpaceX thử nghiệm dịch vụ Starlink tại Việt Nam, mở đường cho sự hợp tác trong lĩnh vực viễn thông. Hay hãng hàng không VietJet đã ký thỏa thuận mua 200 chiếc Boeing 737 MAX với giá trị hàng tỷ USD. Trong mảng năng lượng, Việt Nam thảo luận với Mỹ về việc nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng và tìm kiếm nhà cung cấp công nghệ hạt nhân để tái khởi động chương trình điện hạt nhân.

Giới chuyên gia nhận định, Việt Nam đang đối diện với một bài toán khó, thay vì thụ động, Việt Nam đang tích cực điều chỉnh chính sách thương mại, mở rộng quan hệ hợp tác với Mỹ; đồng thời kiểm soát chặt chẽ các yếu tố có thể trở thành điểm yếu trong mắt chính quyền Donald Trump. Nếu có chiến lược phù hợp, Việt Nam có thể vượt qua “cơn bão” thuế quan, tiếp tục giữ vững vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

TS Nguyễn Quốc Việt - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách khuyến nghị, để ứng phó, Việt Nam cần chú trọng mở cửa thị trường và cải thiện những yếu tố mà phía Mỹ cho rằng Việt Nam đang bảo hộ, cạnh tranh không lành mạnh. Đó là kiểm soát tỷ giá hối đoái, tiền tệ cần minh bạch hơn, các chính sách trợ giá DN trong nước cần minh bạch, rõ ràng, công bằng, không gây méo mó thị trường.

Việt Nam cần học hỏi và đáp ứng tốt hơn các yêu cầu về điều kiện mở cửa thị trường, nhất là những lĩnh vực dịch vụ chất lượng cao từ Mỹ. Làm được điều này sẽ là giải pháp giúp giảm thâm hụt thương mại, tạo kết nối bền vững giữa thị trường Việt Nam với các nhà đầu tư từ Mỹ.

Còn theo PGS. TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, hiện tại, chưa thể biết chính xác mức thuế suất là bao nhiêu, nhưng phải chịu chính sách thuế quan mới, các DN Việt sẽ rơi vào tình thế khó khăn khi chi phí tăng, biên lợi nhuận bị thu hẹp, nguy cơ mất đơn hàng và dịch chuyển chuỗi cung ứng có thể xảy ra. Để ứng phó, các DN Việt cần tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, tận dụng các hiệp định thương mại đã ký với các quốc gia khác nhằm tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới.

Đáng lưu ý, một trong những thách thức lớn nhất mà Việt Nam phải đối mặt là cáo buộc trung chuyển hàng hóa từ những nước bị Mỹ áp thuế suất cao nhằm né thuế. Do đó, Việt Nam cần rà soát các danh mục đầu tư nước ngoài (FDI) để minh bạch hóa nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, từ đó làm căn cứ, minh chứng để đàm phán với Mỹ về chính sách thuế quan thời gian tới.

Trích dẫn

Trích dẫn 1

“Chính phủ Việt Nam đã đưa ra 3 nhóm giải pháp ứng phó. Thứ nhất, khẩn trương thúc đẩy các hợp đồng có giá trị giao dịch lớn với phía Mỹ. Thứ hai, Bộ Tài chính công bố kế hoạch giảm thuế của Việt Nam đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ. Thứ ba, tháo gỡ những rào cản còn lại (không liên quan đến thuế) với hàng nhập khẩu từ Mỹ. Ba nhóm giải pháp này khi được thực hiện đồng bộ sẽ thúc đẩy việc nhập khẩu hàng hóa Mỹ vào Việt Nam, qua đó cải thiện cán cân thương mại với Mỹ".

PGS. TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Ánh Ngọc

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/chu-dong-thich-nghi-ung-pho-voi-loat-thue-quan-moi-cua-my.659621.html
Zalo