Chủ động, sáng tạo trong thực hiện các nhiệm vụ
Chiều 18/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến với các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2024 và những năm tiếp theo.
Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, các bộ, ngành trung ương… Dự họp tại điểm cầu Quảng Ngãi có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền và đại diện các lãnh đạo các sở, ban, ngành...
Từ đầu năm đến nay, công tác ngoại giao kinh tế được triển khai bài bản và hiệu quả, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội. Trong 36 hoạt động đối ngoại cấp cao, nội dung kinh tế tiếp tục trở thành trọng tâm, mang lại các kết quả cụ thể, ký kết được nhiều cam kết, thỏa thuận hợp tác với các đối tác. Quan hệ đối ngoại tiếp tục được mở rộng, nâng tầm, nâng cấp. Nội dung thúc đẩy mở cửa thị trường xuất khẩu, đàm phán FTA, tăng cường thu hút nguồn lực hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, lao động,… được lồng ghép và cụ thể hóa thành các cam kết, dự án cụ thể trong các hoạt động ngoại giao cấp cao với các đối tác lớn tại Đông Bắc Á, Châu Âu, Bắc Mỹ, các đối tác tiềm năng ở Trung Đông, Châu Phi, Mỹ Latinh.
Trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã rà soát và đẩy nhanh tiến độ thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) chủ chốt, có tầm ảnh hưởng lớn với Việt Nam. Đồng thời nghiên cứu, thúc đẩy và tăng tốc đàm phán nhiều FTA đã có hiệu lực một thời gian dài như Hiệp định thương mại hàng hóa trong ASEAN. Đối với các thỏa thuận mới, Việt Nam đã tham gia ký Hiệp định của Trụ cột 2 về Chuỗi cung ứng tại Hội nghị Bộ trưởng Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương; đang hoàn tất thủ tục trong nước để ký Hiệp định của các Trụ cột 3 và 4 trên tinh thần bảo đảm và thúc đẩy tối đa lợi ích quốc gia.
Lãnh đạo Chính phủ, bộ, ngành, địa phương đã tích cực gặp gỡ các tập đoàn nước ngoài để vận động đầu tư chất lượng cao, phát triển kinh tế xanh. Bộ Ngoại giao đã phối hợp tổ chức nhiều đoàn quảng bá trong và ngoài nước, hỗ trợ các tỉnh, thành phố ký kết hơn 20 bản ghi nhớ với các đối tác quốc tế. Bộ Ngoại giao đã hỗ trợ các địa phương vận động thành công UNESCO công nhận thêm 3 di sản thiên nhiên và văn hóa, nâng số lượng di sản UNESCO lên 68, góp phần tạo thêm nguồn tài nguyên thúc đẩy phát triển du lịch.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương và gửi lời cảm ơn đến các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp,… đã đóng góp vào thành quả phát triển kinh tế - xã hội. Trong thời gian đến, dự báo tình hình phát triển sẽ gặp khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội. Do đó, các cơ quan, đơn vị không được chủ quan, càng khó khăn, áp lực, càng phải nỗ lực, quyết tâm làm việc nào, dứt điểm việc đó.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương kiên định mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng; huy động các nguồn lực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng; đầu tư mở rộng thị trường; đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Ngoài ra, tập trung thực hiện các nhiệm vụ đột phá về đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng y tế, hạ tầng giáo dục; hạ tầng xanh, hạ tầng số; tập trung đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài,… trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, nắm chắc tình hình, bám sát xu thế, triển khai sáng tạo, chủ động, kịp thời thực hiện các nhiệm vụ một cách hiệu quả, nhất là các lĩnh vực kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Tin, ảnh: BẢO HÒA