Chủ động, sáng tạo, đi đầu trong công tác đối ngoại
Trải qua nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, Thành phố Hồ Chí Minh luôn đi đầu trong thực hiện đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng. Bằng tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược và tinh thần chủ động hội nhập, công tác đối ngoại của thành phố đã gặt hái nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.

Các đại biểu thực hiện nghi thức công bố Biểu tượng Hữu nghị quốc tế diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 24/9/2024. (Ảnh VGP/VŨ PHONG)
Tư duy đối ngoại đổi mới
Ngay từ những năm đầu sau ngày đất nước thống nhất, Thành phố Hồ Chí Minh đã sớm khẳng định vai trò tiên phong trong ngoại giao nhân dân. Việc thành lập Ủy ban Đoàn kết và hữu nghị với nhân dân các nước (năm 1977) thể hiện tầm nhìn xa và sự nhạy bén trong việc khơi thông các kênh đối ngoại, phát huy sức mạnh mềm trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn.
Ông Dương Đình Bá, nguyên Phó trưởng Ban Đối ngoại Thành ủy, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, giai đoạn 1975-1995, thành phố đã phát huy vai trò cầu nối hữu nghị, tiếp đón các đoàn khách quốc tế là bạn bè thân thiết của nhân dân Việt Nam trong kháng chiến, qua đó truyền tải thông điệp về một dân tộc kiên cường, nhưng luôn bao dung, hướng tới hòa bình và hợp tác. Những hoạt động này góp phần quan trọng vào quá trình vận động Hoa Kỳ dỡ bỏ bao vây, cấm vận kinh tế đối với Việt Nam.
Ngay trong thời kỳ bao cấp, năm 1985, thành phố đã mạnh dạn mời gần 70 doanh nhân Hoa Kỳ đến tìm hiểu môi trường đầu tư. Đây là một dấu mốc thể hiện tư duy ngoại giao đổi mới, chủ động và dám nghĩ, dám làm.
Thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều nguyên thủ quốc gia, góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ giữa Việt Nam và các nước. Các chuyến thăm của Tổng thống Pháp Francois Mitterrand (1993), Chủ tịch Cuba Fidel Castro (1995), Thủ tướng Đức Helmut Kohl (1995), Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton (2000)... là minh chứng rõ nét cho vai trò đối ngoại nổi bật của thành phố trong việc xây dựng và củng cố quan hệ quốc tế.
Thành phố cũng là nơi ươm mầm cho tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ. Việc thành lập Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (1994), triển khai Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, thiết lập quan hệ hữu nghị với thành phố San Francisco (1995)... là những bước đi thiết thực thể hiện tinh thần thiện chí, cầu thị và chủ động hội nhập.
Thử nghiệm và triển khai mô hình đối ngoại đột phá
Thành phố Hồ Chí Minh luôn là địa phương tiên phong trong thực hiện mô hình "ngoại giao đa tầng", kết hợp hài hòa giữa ngoại giao Đảng, ngoại giao Nhà nước và ngoại giao nhân dân. Từ Khu chế xuất Tân Thuận, khu đô thị Phú Mỹ Hưng đến các chính sách đột phá về quản lý, xúc tiến đầu tư, mở cửa thị trường..., thành phố đã trở thành hình mẫu cho nhiều địa phương trong cả nước noi theo.
Tiến sĩ Đào Minh Hồng, Trưởng khoa Quan hệ quốc tế, Trường đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: "Thành phố đóng vai trò "kéo" các địa phương khác cùng phát triển thông qua việc chia sẻ mô hình, kinh nghiệm và giải pháp hiệu quả trong thu hút đầu tư và phát triển hạ tầng liên kết vùng".
Theo ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, những thành tựu nổi bật về đối ngoại gắn liền với những kết quả phát triển kinh tế - xã hội quan trọng. Năm 2024, thành phố đạt tốc độ tăng trưởng GRDP 7,17%, thu ngân sách lần đầu tiên vượt mốc 500 nghìn tỷ đồng chiếm khoảng 27% tổng thu ngân sách quốc gia. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 104 tỷ USD. Thành phố tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu cả nước về số lượng và quy mô các dự án FDI với hơn 13 nghìn dự án, tổng vốn đăng ký đạt hơn 58 tỷ USD. Trên lĩnh vực đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, thành phố đã khánh thành Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (C4IR) hợp tác với Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF); hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển mạnh với hơn 2.200 doanh nghiệp, chiếm 50% toàn quốc; thương mại điện tử tăng trưởng 52% - cao nhất cả nước.
Công tác đối ngoại càng thể hiện rõ nét trong giai đoạn đại dịch Covid-19. Khi thành phố trở thành tâm dịch của cả nước, chính sách thông tin minh bạch, đối thoại kịp thời đã giúp xây dựng lòng tin và sự đồng hành hiệu quả giữa chính quyền và các cơ quan lãnh sự, tổ chức quốc tế trên địa bàn. Sự hỗ trợ thiết thực từ bạn bè quốc tế đã trở thành nguồn lực quý báu, góp phần quan trọng vào thành công của công tác phòng, chống dịch, đồng thời tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho thành phố trong những thời khắc khó khăn nhất.
Theo ông Phạm Dứt Điểm, Quyền Giám đốc Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh, bước vào giai đoạn phục hồi và phát triển sau đại dịch, đối ngoại tiếp tục phát huy vai trò là kênh tạo lập môi trường thuận lợi, thúc đẩy kết nối, tìm kiếm các đối tác phù hợp và kêu gọi đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược tham gia vào các dự án trọng điểm. Đồng thời, thông qua các hoạt động ngoại giao chính thức và nhân dân, thành phố tích cực quảng bá hình ảnh một đô thị hiện đại, năng động, quyết tâm phục hồi mạnh mẽ và hội nhập sâu rộng hơn vào dòng chảy phát triển của khu vực và thế giới.
Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã thiết lập quan hệ hợp tác với 58 địa phương thuộc 5 châu lục. Các chương trình hợp tác tiêu biểu như chống ngập với Rotterdam (Hà Lan), phát triển đô thị thấp carbon với Osaka (Nhật Bản), quy hoạch thông minh với Singapore... tiếp tục được mở rộng và đi vào chiều sâu.
Thành phố cũng tích cực tham gia các cơ chế hợp tác đa phương như C40, Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN, WUF, UNESCO..., không ngừng nâng cao năng lực thể chế và năng lực quản trị đô thị hiện đại, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ (Viện Nghiên cứu phát triển thành phố) nhận định: Thành phố đang từng bước khẳng định vai trò đầu tàu không chỉ trong kinh tế mà cả trong công tác đối ngoại địa phương. Những thành tựu này không chỉ phản ánh khát vọng vươn lên mạnh mẽ mà còn thể hiện tinh thần chủ động, sáng tạo không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, đóng góp quan trọng vào việc xây dựng nền tảng vững chắc cho kỷ nguyên phát triển mới của đất nước.