Chủ động sàng lọc để phát hiện sớm dấu hiệu bệnh đái tháo đường
Ngành Y tế Hà Tĩnh khuyến cáo: đái tháo đường đang gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nên người dân cần chủ động thực hiện kiểm tra, sàng lọc định kỳ để phát hiện sớm bệnh lý.
Theo thống kê của Liên đoàn Đái tháo đường Thế giới (IDF), cứ 24h, trên thế giới lại có 3.600 trường hợp đái tháo đường mới được chẩn đoán, 580 người bị tử vong, 225 người bị cắt đoạn chi, 120 người bị suy thận giai đoạn cuối và 55 người bị mù do bệnh đái tháo đường gây nên. Đáng lo ngại hơn, trong cộng đồng có trên 50% bệnh nhân đái tháo đường chưa được chẩn đoán, bệnh xuất hiện ngày càng nhiều ở lớp trẻ khi tỷ lệ thừa cân, béo phì tăng nhanh.
Tại Hà Tĩnh, thời gian qua, dù công tác quản lý, điều trị cho bệnh nhân đái tháo đường được thực hiện khá hiệu quả ngay từ cơ sở, song đái tháo đường vẫn là một trong những bệnh lý gây ra nhiều hệ lụy đến sức khỏe người dân.
Theo số liệu từ Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh, mỗi ngày có khoảng 60 bệnh nhân đái tháo đường đến điều trị nội trú tại Khoa Nội tiết. Trong số đó có 5% đái tháo đường tuýp 1 và 95% đái tháo đường tuýp 2. Có đến hơn 90% bệnh nhân đái tháo đường có các biến chứng và bị các chứng kèm theo như: nhồi máu cơ tim, viêm phổi, tai biến mạch máu não, tách mạch chi, có nhiều bệnh nhân bị tràn dịch màng phổi.
Ngoài các bệnh nhân đang điều trị nội trú thì tại Phòng khám Ngoại trú nội tiết - đái tháo đường đang quản lý và điều trị cho hơn 4.000 bệnh nhân đái tháo đường.
Bệnh nhân H.B.D. ( 54 tuổi, xã Trung Lộc, huyện Can Lộc) vào nhập viện tỉnh trong tình trạng mắt mờ, chân sưng mủ do biến chứng của bệnh đái tháo đường.
“Tôi phát hiện ra bệnh đái tháo đường đến nay hơn 7 năm. Thời gian mới bị, tôi thường chủ quan không đi khám, ăn uống không theo hướng dẫn của bác sỹ nên bệnh tiến triển nặng. Thời gian gần đây, thấy người mệt, mắt mờ, chân sưng mủ rất đau, đi lại khó khăn nên gia đình đưa vào bệnh viện để điều trị” – bệnh nhân D. cho biết.
Còn bệnh nhân N.T.N. (67 tuổi, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà) cho hay: “Tôi bị sụt 5kg, mệt mỏi, choáng. Khi đi khám mới biết bị tiểu đường nên phải vào nhập viện điều trị, đến nay, đã qua 3 đợt điều trị, nhờ thực hiện tốt phác đồ và tuân thủ chế độ ăn uống nên sức khỏe dần ổn định”.
Đái tháo đường là bệnh mạn tính, tiến triển âm thầm. Đường trong máu cao, kéo dài là nguyên nhân chủ yếu gây nên những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng tới cuộc sống và chất lượng cuộc sống của người bệnh như: tổn thương mắt gây ra mù lòa, suy thận, nhiễm trùng bàn chân, cắt cụt chi. Đặc biệt, các biến chứng của bệnh đái tháo đường liên quan đến tim mạch như: tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim... là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho bệnh nhân.
Theo khảo sát, cứ 10 người trưởng thành thì có 1 người mắc bệnh đái tháo đường, trong đó, hơn 90% mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2. Tuy nhiên, bằng các nghiên cứu lâm sàng và can thiệp cộng đồng đã chứng minh bệnh đái tháo đường tuýp 2 có thể phòng ngừa được bằng cách thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, duy trì cân nặng lí tưởng và tăng cường hoạt động thể lực.
Các yếu tố nguy cơ của bệnh đái tháo đường tuýp 2 gồm: tiền sử gia đình mắc bệnh đái tháo đường, thừa cân, chế độ ăn uống không lành mạnh, không hoạt động thể chất, tuổi cao, huyết áp cao, giảm dung nạp glucose (tình trạng đường huyết cao hơn bình thường nhưng dưới ngưỡng chẩn đoán bệnh), tiền sử bệnh đái tháo đường thai kỳ, dinh dưỡng kém khi mang thai...
Để giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2, cần có chế độ ăn uống cân bằng và hoạt động thể chất thường xuyên. Trong đó, duy trì cân nặng ở mức bình thường là rất quan trọng vì thừa cân và béo phì làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Ngoài ra, cần thực hiện kiểm tra định kỳ và sàng lọc (nhất là đối với những người có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ) để giúp phát hiện các dấu hiệu sớm bệnh đái tháo đường để biết cách ứng phó, quản lý, điều trị nhằm làm chậm sự xuất hiện và tiến triển các biến chứng.
Bác sỹ Thái Thọ - Trưởng khoa Nội tiết Bệnh viện Đa khoa tỉnh