Chủ động phòng trừ các đối tượng sâu bệnh hại vải
Hiện nay, trà vải sớm đang giai đoạn đỏ cuống- chín, thời gian thu hoạch từ ngày 25/5-10/6; vải chính vụ đang giai đoạn phát triển cùi, thời gian thu hoạch từ ngày 10/6 trở đi. Điều kiện thời tiết trong thời gian qua nắng nóng, xen kẽ mưa rào, đêm và sáng se lạnh, đây là điều kiện thuận lợi cho sâu, bệnh phát sinh và gây hại trên các trà vải.
Theo kết quả điều tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, tại các vùng sản xuất vải trọng điểm của tỉnh (Lục Ngạn, Lục Nam, Tân Yên) trưởng thành sâu đục cuống quả đã và đang đẻ trứng rải rác trên các vườn vải sớm. Dự báo sâu non sâu đục cuống quả nở rộ và gây hại từ dịp này trở đi; đồng thời trưởng thành tiếp tục đẻ trứng kéo dài và gối lứa.

Vải thiều Lục Ngạn năm nay được mùa.
Nếu không chỉ đạo phòng trừ kịp sẽ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vải thiều. Để chủ động phòng trừ kịp thời các đối tượng sâu bệnh bảo đảm năng suất, chất lượng quả vải thiều từ nay đến cuối vụ, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đề nghị đơn vị chuyên môn các huyện, thị xã, thành phố, trong đó có Phòng Nông nghiệp và Môi trường Lục Ngạn tập trung thực hiện tốt một số nội dung.
Theo Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Lục Ngạn, với diện tích vải thiều toàn huyện hơn 10 nghìn ha, hiện nay đối với các trà vải sớm, Phòng khuyến cáo nhà vườn tập trung chỉ đạo các hộ sản xuất tiến hành vệ sinh vườn, cắt cành không cho quả, quả nhỏ kém phát triển hạn chế sự lưu trú của sâu, bệnh hại, thực hiện các quy định bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; đồng thời hướng dẫn nông dân thu hoạch vải thiều đảm bảo đúng độ chín, cắt cuống, bỏ lá và bó túm theo yêu cầu của từng thị trường.
Đối với trà vải chính vụ, chỉ đạo, hướng dẫn nông dân tập trung các biện pháp chăm sóc, vệ sinh vườn, tỉa các cành tăm, cành, quả bị nhiễm sâu bệnh, cành không cho quả, khuất trong tán nhằm giúp vườn vải thông thoáng, hạn chế lưu trú của sâu bệnh hại; duy trì giữ ẩm cho cây trong những ngày nắng gắt, đồng thời khơi thông, thoát nước tốt khi gặp mưa lớn; bổ sung phân bón ka li, các chế phẩm qua lá giàu vi lượng, can xi nhằm hạn chế hiện tượng nứt quả, chàm quả, tăng năng suất và chất lượng vải thiều. Tăng cường điều tra phát hiện, chỉ đạo, hướng dẫn nông dân tiến hành phun thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu đục cuống gây hại kịp thời, bằng các loại thuốc đặc hiệu, ưu tiên sử dụng thuốc sinh học, thuốc có thời gian cách ly ngắn và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cùng với các biện pháp trên, tại vùng vải xuất khẩu cơ quan chuyên môn cũng hướng dẫn nông dân biện pháp chăm sóc, ghi chép nhật ký canh tác, phòng trừ các đối tượng sâu bệnh, tuân thủ các điều kiện để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và quy đinh của nước nhập khẩu. Tăng cường công tác kiểm tra việc kinh doanh, buôn bán thuốc BVTV trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định…