Chủ động phòng ngừa, hạn chế thiệt hại do sạt lở đất

Thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra một số vụ sạt lở đất tại khu vực dân cư, gây thiệt hại về người, tài sản. Trước thực trạng này, các ngành chức năng, chính quyền địa phương đang tập trung rà soát, xây dựng phương án xử lý, phòng ngừa rủi ro.

Liên tiếp xảy ra nhiều vụ việc

Khu dân cư bám trục đường tỉnh 268 thuộc bản La Xa, xã Đồng Vương (Yên Thế) được xác định có nguy cơ sạt lở cao. Tại đây khu đồi phía sau nhà ở của hơn chục hộ dân đã nhiều lần bị sạt lở, gây thiệt hại. Trong trận mưa hồi cuối tháng 6, sạt lở đất làm đổ toàn bộ công trình phụ, một phần nhà ở của gia đình ông Triệu Văn Hoạt; sập tường nhà của hộ ông Lục Văn Đức; 2 gia đình khác cũng bị sạt lở đến sát chân tường.

Hiện trường vụ sạt lở đất tại tổ dân phố Ké, thị trấn An Châu.

Hiện trường vụ sạt lở đất tại tổ dân phố Ké, thị trấn An Châu.

Mới đây nhất, giữa tháng 8 vừa qua, hiện tượng sạt lở cũng xảy ra tại khu đồi phía sau nhà anh Hoàng Văn Thanh… Quan sát thực tế tại khu vực này, nguy cơ tiếp tục sạt lở rất cao khi sườn đồi có độ dốc lớn, phần lớp đất trên đang bị nứt. “Vài tháng nay, mỗi khi có mưa, tôi cũng như nhiều người khác sống tại đây nơm nớp lo. Có hôm giữa đêm trời đổ mưa, 5 thành viên trong gia đình phải di chuyển đến nhà người thân gần đó”, anh Hoàng Văn Thanh nói.

Theo thống kê, từ đầu mùa mưa đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra gần chục vụ sạt lở đất, đá tại khu vực dân cư, làm chết một người và thiệt hại một số tài sản. Điển hình hồi 13 giờ 30 phút ngày 29/8, tại tổ dân phố Ké, thị trấn An Châu (Sơn Động) xảy ra vụ sạt lở đất làm sập 2 gian nhà của gia đình ông Nguyễn Thanh Bình (SN 1958). Vụ sạt lở này khiến ông Bình tử vong.

Trước đó, do ảnh hưởng bởi đợt mưa kéo dài, khoảng 9 giờ ngày 5/8, tại thôn Trúc Tay, xã Vân Trung (Việt Yên) xảy ra sạt lở đất, đá thuộc khu đồi phía sau nhà anh Nguyễn Văn Nhượng làm hư hỏng một số tài sản. Tương tự, ngày 26/8 vừa qua, đất, đá từ trên núi sạt lở sát công trình nhà ở của bà Phạm Thị Trữ, tiểu khu 6, thị trấn Nham Biền (Yên Dũng).

Do khu vực liền kề đã hạ độ cao nên khu đồi sau nhà bà Phạm Thị Trữ, tiểu khu 6, thị trấn Nham Biền nguy cơ xảy ra sạt lở cao.

Do khu vực liền kề đã hạ độ cao nên khu đồi sau nhà bà Phạm Thị Trữ, tiểu khu 6, thị trấn Nham Biền nguy cơ xảy ra sạt lở cao.

Ông Nguyễn Ngọc Lân, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nham Biền nói: “Ngay khi nhận được thông tin, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) thị trấn tổ chức di dời người dân đến vị trí an toàn; căng dây, lắp đặt các biển cảnh báo tại khu vực trên. Hiện địa phương đã huy động máy móc san gạt phần đất sạt lở, đồng thời đề xuất huyện có phương án xử lý”.

Sẵn sàng phương án ứng phó

Khảo sát thực tế tại một số khu dân cư trên địa bàn các huyện: Yên Dũng, Yên Thế, Lục Nam và Sơn Động cho thấy, nguy cơ sạt lở đất luôn hiện hữu. Tại tuyến đường nhánh từ tỉnh lộ 293 đi Đông Triều (Quảng Ninh) thuộc địa bàn thôn Trại Lán, xã Vô Tranh (Lục Nam), hàng chục hộ dân đã, đang xây dựng công trình ngay sát chân núi, một số hộ tổ chức hạ độ cao để làm nhà song không cắt tầng dẫn đến nguy cơ sạt lở cao. Tương tự tại tiểu khu 6, thị trấn Nham Biền cũng có nhiều trường hợp hạ độ cao làm nhà ngay sát chân núi. Đáng chú ý, nhiều hộ hạ độ cao tạo thành vách thẳng đứng, đất đá có thể đổ xuống bất cứ lúc nào.

Quan sát khu vực sạt lở tại gia đình bà Trữ cho thấy, hai hộ dân liền kề đã hạ độ cao trong khi khu vực sau nhà bà Trữ vẫn giữ nguyên hiện trạng nên hình thành một mỏm đất nhô ra, sau thời gian dài ảnh hưởng của mưa dẫn đến sạt lở. Vụ sạt lở tại tổ dân phố Ké, thị trấn An Châu; thôn Trúc Tay, xã Vân Trung cũng xuất phát từ việc người dân hạ độ cao làm nhà, không thực hiện cắt tầng theo quy định.

Ông Ngô Trí Dũng, Trưởng Phòng Tài nguyên khoáng sản (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết: “Địa hình dốc và các hoạt động san gạt lấy mặt bằng để xây dựng nhà, công trình, đường giao thông… làm mất chân sườn dốc, nguy cơ sạt lở cao khi mưa lớn. Do đó, quá trình khai thác khoáng sản, hạ độ cao làm nhà, các tổ chức, cá nhân cần tuân thủ nghiêm quy định, thực hiện đúng hồ sơ cấp phép”.

Để chủ động phòng ngừa, hạn chế rủi ro, trong kế hoạch phòng, chống thiên tai giai đoạn 2021-2025 và phương án ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh xác định, phân vùng rủi ro. Theo đó, toàn tỉnh có 6 vùng có nguy cơ rủi ro với lũ quét, sạt lở đất ở mức rất cao; 52 vùng ở mức cao.

Để chủ động phòng ngừa, hạn chế thiệt hại, trong kế hoạch PCTT giai đoạn 2021-2025 và phương án ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh xác định, phân vùng rủi ro. Theo đó, toàn tỉnh có 6 vùng nguy cơ cao xuất hiện lũ quét, sạt lở đất ở mức rất cao; 52 vùng ở mức cao. Căn cứ vào các cấp độ, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh yêu cầu ngành chức năng phải thường xuyên kiểm tra, rà soát các điểm, công trình có nguy cơ cao về sạt lở; các địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó khi có tình huống xấu.

Thực tế, ngay sau khi xảy ra các vụ việc, UBND các huyện chủ động kiểm tra, đánh giá hiện trạng để có phương án xử lý. Cụ thể, UBND huyện Yên Dũng giao UBND thị trấn Nham Biền phối hợp với các phòng chuyên môn của huyện đánh giá, đề xuất biện pháp xử lý triệt để tình trạng sạt lở đất, đá tại khu vực hộ nhà bà Trữ; một số hộ dân thôn Trúc Tay cũng làm đơn xin cấp phép cắt tầng, hạ độ cao.

Tại huyện Sơn Động, ngay sau vụ sạt lở tại thôn Ké, Chủ tịch UBND huyện có công văn yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương kiểm tra, xử lý các điểm nứt, sạt lở và nguy cơ sạt lở đất trong toàn huyện. Đến hết ngày 12/9, qua thống kê, toàn huyện có 43 điểm có nguy cơ sạt lở liên quan đến 263 hộ dân.

Ông Lê Đức Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Sơn Động cho biết: “Sau khi có kết quả rà soát chính thức, UBND huyện sẽ yêu cầu các địa phương cập nhật ngay vào phương án PCTT và thực hiện nghiêm phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng nhân lực, vật lực để di dời các hộ, xử lý khi có sự cố. Đối với các vị trí nguy cơ lớn, liên quan đến nhiều hộ dân, chúng tôi sẽ giao cơ quan chuyên môn khảo sát, đánh giá và đề xuất phương án xử lý”.

Bài, ảnh: Sỹ Quyết

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/411657/chu-dong-phong-ngua-han-che-thiet-hai-do-sat-lo-dat.html
Zalo