Chủ động phòng, chống thiên tai, xây dựng cộng đồng an toàn giai đoạn 2020 - 2025

Ngày 13-7, tại tỉnh Lào Cai đã diễn ra Hội nghị phòng, chống thiên tai (PCTT) khu vực miền núi phía bắc năm 2020 với sự tham gia của đại diện lãnh đạo 13 tỉnh trong khu vực và 248 đại biểu. Từ đầu năm 2020 đến nay, tại khu vực này xảy ra 92 trận dông, lốc, mưa đá, mưa lớn, trong đó tám đợt trên diện rộng; hai trận lũ quét, sạt lở đất; 12 trận động đất. Thiên tai trong khu vực đã làm 19 người chết, 79 người bị thương; 1.618 ngôi nhà bị sập, 52.015 ngôi nhà bị hư hại, tốc mái; 10.009 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại. Tổng thiệt hại ước tính là 610 tỷ đồng.

Người dân xã Quỳnh Lương (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) phun tưới nước cho ruộng nhiều lần trong những ngày nắng nóng kéo dài. Ảnh: HUY THƯ

Người dân xã Quỳnh Lương (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) phun tưới nước cho ruộng nhiều lần trong những ngày nắng nóng kéo dài. Ảnh: HUY THƯ

Ngày 13-7, tại tỉnh Lào Cai đã diễn ra Hội nghị phòng, chống thiên tai (PCTT) khu vực miền núi phía bắc năm 2020 với sự tham gia của đại diện lãnh đạo 13 tỉnh trong khu vực và 248 đại biểu. Từ đầu năm 2020 đến nay, tại khu vực này xảy ra 92 trận dông, lốc, mưa đá, mưa lớn, trong đó tám đợt trên diện rộng; hai trận lũ quét, sạt lở đất; 12 trận động đất. Thiên tai trong khu vực đã làm 19 người chết, 79 người bị thương; 1.618 ngôi nhà bị sập, 52.015 ngôi nhà bị hư hại, tốc mái; 10.009 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại. Tổng thiệt hại ước tính là 610 tỷ đồng.

Phát biểu ý kiến chỉ đạo hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT các cấp chỉ đạo kiểm tra nơi ở của người dân ở những nơi nguy cơ cao; hỗ trợ người dân kịp thời, nhất là trong những tình huống cấp bách. Ðồng thời, yêu cầu triển khai lực lượng kiểm soát các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết khi có mưa lớn; khắc phục sự cố về điện lưới, thông tin liên lạc, bảo đảm giao thông thông suốt trên địa bàn cũng như hỗ trợ các địa phương khác trong khu vực khi có yêu cầu. Các tỉnh ưu tiên bố trí nguồn ngân sách địa phương, quỹ PCTT cho các hoạt động truyền thông, nâng cao năng lực cộng đồng, chỉ huy, chỉ đạo điều hành ứng phó, cứu hộ cứu nạn, phục hồi tái thiết sau thiên tai. Hội nghị đã phát động phong trào thi đua "Chủ động PCTT, xây dựng cộng đồng an toàn giai đoạn 2020 - 2025" và ký kết giao ước thi đua của 13 tỉnh khu vực miền núi phía bắc, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong PCTT...

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, ngày 13-7, các tỉnh trung du, đồng bằng Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ phổ biến từ 350C đến 370C, có nơi hơn 380C. Dự báo, ngày hôm nay 14-7, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên tiếp tục có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 350C đến 380C, có nơi hơn 390C; các tỉnh Bắc Bộ có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 340C đến 370C, có nơi hơn 370C. Do nắng nóng gay gắt có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới cho nên có nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ cao cháy rừng ở các tỉnh miền trung.

Cũng theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, năm nay có khả năng xuất hiện khoảng 11 đến 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Ðông. Trong đó, có khoảng 5 đến 6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía nam trong những tháng cuối năm. Bên cạnh đó, các đợt nắng nóng còn xảy ra trong tháng 7 ở Bắc Bộ và tháng 7, 8 tại khu vực Bắc và Trung Trung Bộ.

Ngày 13-7, Tổng cục PCTT cho biết, tại tỉnh Lai Châu, mưa, sạt lở đất từ ngày 10 đến 12-7 trên địa bàn các huyện Tân Uyên, Than Uyên, Tam Ðường đã làm sáu nhà bị thiệt hại, trong đó ba nhà bị lũ cuốn trôi khiến ba hộ phải di chuyển khẩn cấp, 25 hộ bị ngập úng; 11,45 ha lúa, hoa màu bị vùi lấp, cuốn trôi; nhiều tuyến đường bị sạt lở gây ách tắc giao thông. Ước thiệt hại 4,8 tỷ đồng.

Tại tỉnh Quảng Bình, thời tiết nắng nóng kéo dài và diễn biến phức tạp đã khiến nhiều diện tích lúa vụ hè thu của nông dân bị sâu bệnh và chuột gây hại. Ngành nông nghiệp tỉnh đang tích cực chỉ đạo, triển khai các biện pháp phòng trừ sâu bệnh. Người dân cũng chủ động trong việc chăm sóc, bảo vệ đồng ruộng, kiểm soát tình hình sâu bệnh và triển khai công tác phòng ngừa hiệu quả.

Ngày 13-7, UBND xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa cho biết, vụ hè thu 2020, toàn xã gieo gần 100 ha lúa. Thế nhưng do nắng nóng kéo dài nên gần 90 ha lúa đang trong tình trạng cháy khô do thiếu nước. Mặc dù chính quyền địa phương đã tận dụng hết lượng nước trong ao hồ nhưng vẫn không cứu được lúa, trong khi đó nước sông Gianh nhiễm mặn nên không thể bơm tưới cho cây trồng được. Xã Châu Hóa vận động người dân chuyển một phần đất làm lúa sang trồng một số loại cây khác nhưng cũng không thành công do nắng hạn kéo dài.

Ðến nay huyện Lai Vung (Ðồng Tháp) có hơn 4.800 ha cây có múi bị nhiễm vàng lá thối rễ, chết xanh. Nguyên nhân là do đất canh tác bị bạc màu, lạm dụng bón phân hóa học, không bón phân hữu cơ. Tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp phân tích, kiểm tra, đưa ra quy trình quản lý chính thức hiện tượng vàng lá, thối rễ và héo xanh trên cây có múi, đồng thời phổ biến quy trình quản lý hiện tượng vàng lá, thối rễ và héo xanh trên cây có múi phát cho nhà vườn.

Tình trạng hạn, mặn khốc liệt trên diện rộng toàn tỉnh Tiền Giang đã làm thiệt hại 5.343 ha vườn trồng cây ăn quả, chủ yếu tại vùng kiểm soát lũ phía tây của tỉnh; trong đó, có gần 4.500 ha vườn sầu riêng chuyên canh bị ảnh hưởng. Mức độ thiệt hại từ 30 đến 70% mỗi vườn. Tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp khảo sát, đánh giá kỹ mức độ thiệt hại, hướng dẫn nhà vườn cách thức chăm sóc, phục hồi vườn cây, bảo đảm phát triển kinh tế vườn theo hướng bền vững.

Sáng 13-7, UBND tỉnh Nghệ An đã có công văn xác nhận thiên tai do nắng nóng trên địa bàn tỉnh. Tại tỉnh Nghệ An, tình hình diễn biến thời tiết hết sức bất lợi, nắng nóng gay gắt, một số nơi đặc biệt gay gắt, kéo dài với nền nhiệt độ cao phổ biến 380C đến 400C, có nơi hơn 410C, mực nước các triền sông, suối và các hồ chứa xuống thấp. Căn cứ vào các quy định của Nhà nước, Ban Chỉ huy PCTT tỉnh xác nhận thiên tai do nắng nóng trên địa bàn tỉnh Nghệ An, yêu cầu các địa phương rà soát, thống kê thiệt hại do thiên tai gây ra, để các cơ quan tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ khắc phục thiệt hại theo quy định hiện hành.

Do mưa lớn kéo dài, khoảng 15 giờ chiều 13-7 tại Km 391+200, quốc lộ 32 thuộc khu vực xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên (Lai Châu) đã xảy ra sạt lở khoảng 5.000 m3 đất trên ta-luy dương, khiến tuyến giao thông nối các huyện Tân Uyên, Than Uyên với TP Lai Châu; nối tỉnh Lai Châu với hai tỉnh Yên Bái và Sơn La bị chia cắt hoàn toàn. Dự tính, ngày hôm nay 14-7 khắc phục xong sự cố, các phương tiện mới có thể lưu thông trở lại.

Cứu và hỗ trợ hơn 400 thuyền viên gặp nạn trên biển

Ngày 13-7, Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, sáu tháng đầu năm, hệ thống Ðài Thông tin duyên hải Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý 286 vụ với 185 vụ báo nạn thật (tàu cá chiếm 82%), 101 vụ báo nạn giả. Trên cơ sở đó, các lực lượng chức năng đã tổ chức hoạt động phối hợp tìm kiếm cứu nạn 157 vụ với 29 lần điều động phương tiện chuyên dụng, cứu và hỗ trợ 425 người, trong đó, có 11 người nước ngoài, hỗ trợ đưa 37 phương tiện vào bờ. Trong sáu tháng, cả nước xảy ra bảy vụ tai nạn hàng hải, tăng một vụ và tăng bốn người chết, mất tích; trong đó, có một vụ đặc biệt nghiêm trọng xảy ra giữa tàu Annie Gas 09 và tàu cá TH 90282 TS ngày 9-6, cách phao số 0 Hải Phòng khoảng 43 hải lý làm chết năm ngư dân.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/chu-dong-phong-chong-thien-tai-xay-dung-cong-dong-an-toan-giai-doan-2020-2025-608544/
Zalo