Chủ động phòng, chống đuối nước cho trẻ em dịp hè

Càng gần thời điểm năm học kết thúc, công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em dịp hè càng được thành phố Hà Nội và cả nước chú trọng.

Trong đó, việc chủ động tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về nguy cơ tai nạn đuối nước, trang bị kỹ năng giúp học sinh phòng ngừa, tự bảo vệ bản thân trước nguy cơ đuối nước được các cấp, ngành, đơn vị quan tâm thực hiện. Đặc biệt là động viên, khuyến khích giới trẻ tham gia tập luyện môn bơi, góp phần nâng cao thể lực, cải thiện sức khỏe...

Dạy bơi cho trẻ em tại bể bơi ở huyện Đông Anh. Ảnh: Nguyễn Quang

Dạy bơi cho trẻ em tại bể bơi ở huyện Đông Anh. Ảnh: Nguyễn Quang

Tổ chức thêm nhiều lớp “xóa mù bơi”

Những ngày cuối tháng 5, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao quận Ba Đình ráo riết tuyển sinh hàng loạt lớp bơi hè dành cho học sinh (em nhỏ nhất sinh năm 2017) tại bể bơi C5 Giảng Võ - vốn là Trường Thể thao Thiếu niên 10-10 trước đây. Cùng với bể bơi này, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao quận Ba Đình còn triển khai tổ chức các lớp “xóa mù bơi” tại bể bơi số 5 phố Thành Công và bể bơi số 180 phố Quán Thánh.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànôịmới, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao quận Ba Đình Nguyễn Tiến Dũng cho biết: “Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp “xóa mù bơi” cho trên 500 học sinh các lứa tuổi. Sau khi kết thúc các lớp, khóa học, Trung tâm tổ chức kiểm tra sát hạch và cấp Giấy chứng nhận cho các con. Hiện nay, trên địa bàn quận Ba Đình đang quản lý 22 bể bơi, chúng tôi đều có chính sách khuyến khích các bể bơi mở lớp dạy bơi, giúp học sinh biết cách bơi đúng kỹ thuật và trang bị thêm một số kỹ năng xử lý khi ở dưới nước”.

Không chỉ tại Ba Đình, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thủ đô đều tích cực triển khai hoạt động phòng, chống đuối nước cao điểm trong dịp hè, tập trung triển khai ngay sau khi thành phố Hà Nội tổ chức Lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước năm 2025 tại thị xã Sơn Tây vào trung tuần tháng 5.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Phạm Xuân Tài, hiện nay, thành phố đã hướng dẫn các quận, huyện, thị xã đồng loạt tổ chức các lớp dạy bơi miễn phí, giúp các em học sinh biết bơi, có kỹ năng an toàn trong môi trường nước; tổ chức nhiều lớp huấn luyện cứu đuối.

Cùng với đó, Hà Nội tăng cường tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ chương trình bơi an toàn, phòng, chống đuối nước, kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho cán bộ, giáo viên, hướng dẫn viên ở cơ sở.

Ông Phạm Xuân Tài cho biết: “Hà Nội có chế độ ưu tiên nhằm vận động các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng bể bơi, hồ bơi tại các xã, phường, thị trấn, trường học, đồng thời, khuyến khích các đơn vị miễn, giảm tiền thuê bể bơi, tiền học phí cho trẻ em để tạo điều kiện cho trẻ em, học sinh được học bơi và tập luyện bơi”.

Tăng cường đầu tư để bảo vệ trẻ em

Hà Nội nằm trong số các địa phương của cả nước làm tốt công tác phòng, chống đuối nước. Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Phạm Xuân Tài, tính riêng năm 2024, thành phố đã tổ chức 398 lớp phổ cập bơi cho 52.588 trẻ em. Số em biết bơi sau khóa học là 50.814 em, đạt tỷ lệ 96,6%. Tuy nhiên, ở địa bàn ngoại thành Hà Nội, tình trạng trẻ em tập bơi tại ao, hồ, sông, suối… còn nhiều, tiềm ẩn nguy cơ đuối nước cao. Vì vậy, các nhà quản lý và chuyên môn luôn phải có những giải pháp bổ sung, nhằm giảm thiểu tình trạng đuối nước.

Đánh giá cao hiệu quả các giải pháp Hà Nội đã và đang thực hiện, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Đặng Hoa Nam chia sẻ, Hà Nội nằm trong tốp đầu các tỉnh, thành phố triển khai hiệu quả nhiều mô hình phòng, chống đuối nước, góp phần kéo giảm số vụ trẻ bị đuối nước thương tâm. Việt Nam hiện vẫn đứng thứ 7 về tỷ lệ tử vong do đuối nước ở khu vực Tây Á - Thái Bình Dương. Tình trạng đuối nước trẻ em tại Việt Nam vẫn còn ở mức cao, đặc biệt là trong mùa hè. Những giải pháp can thiệp như dạy bơi, trang bị kỹ năng an toàn đã mang lại hiệu quả tại Hà Nội và một số địa phương, nhưng việc nhân rộng và duy trì còn gặp khó khăn, trong đó, thách thức chính là thiếu nguồn lực tài chính và nhân lực. Vì vậy, rất cần có chính sách và cơ chế phân bổ ngân sách rõ ràng hơn từ trung ương để các địa phương có thể thực hiện hiệu quả mục tiêu phòng, chống đuối nước.

Mục tiêu chúng ta đặt ra là đến năm 2025, giảm 10%, đến năm 2030 giảm 20% số trẻ em tử vong do đuối nước so với năm 2021. Khẳng định đây thực sự là một thách thức, ông Đặng Hoa Nam đề nghị, cần rà soát và phân công trách nhiệm cụ thể cho cán bộ cấp xã trong công tác bảo vệ trẻ em, tránh tình trạng quá tải. Đồng thời, ưu tiên nguồn lực và chính sách cho trẻ em, đặc biệt là trong lĩnh vực phòng, chống tai nạn thương tích như đuối nước - bởi đây là sự đầu tư để cứu sinh mạng trẻ.

Một trong các mô hình phòng, chống đuối nước hiệu quả nhất là dựa vào trường học, vì vậy, việc nghiên cứu đầu tư xây bể bơi trong trường học, bể bơi liên xã tiếp tục được đánh giá là giải pháp cần thiết, nhằm thực hiện thông điệp: “Đuối nước là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em, nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Chỉ cần quyết liệt, cụ thể trong cách làm, xác định rõ nguồn lực đầu tư, chắc chắn sẽ kéo giảm tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước".

Mai Hoa

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/chu-dong-phong-chong-duoi-nuoc-cho-tre-em-dip-he-703334.html
Zalo