Chủ động phòng, chống dịch bệnh trên cây lúa

Vụ Hè Thu năm nay, trên địa bàn thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An xuống giống được hơn 14.500ha lúa các loại, tập trung nhiều ở các xã: Thạnh Hưng 5.025ha, Tuyên Thạnh 2.790ha, Thạnh Trị 2.290ha, Bình Hiệp 2.057ha,...

Ngành Nông nghiệp thị xã Kiến Tường khuyến cáo người dân thường xuyên thăm đồng, chủ động phòng, trừ sâu, bệnh trên cây lúa

Ngành Nông nghiệp thị xã Kiến Tường khuyến cáo người dân thường xuyên thăm đồng, chủ động phòng, trừ sâu, bệnh trên cây lúa

Trong đó, giai đoạn làm đòng 487ha, giai đoạn trổ 10.959ha, giai đoạn chín 1.990ha. Đến nay, người dân đã thu hoạch gần 1.200ha với năng suất trung bình từ 5-6 tấn/ha, giá bán tương đối ổn định từ 7.500-7.600 đồng/kg. Ngoài diện tích lúa, hiện trên địa bàn thị xã duy trì gần 215ha cây lâu năm và gần 200ha cây hàng năm.

Thông tin từ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp (DVNN) thị xã Kiến Tường, hiện nay, trên một số diện tích lúa xuất hiện các đối tượng sâu, bệnh gây hại như sâu cuốn lá với mật độ 6-8 con/m2, diện tích nhiễm khoảng 800ha; rầy phấn trắng mật độ 5.000-6.000 con/m2, diện tích nhiễm 1.600ha; sâu đục thân, tỷ lệ 1-3%, diện tích nhiễm 500ha.

Bên cạnh đó, một số địa phương xuất hiện các loại bệnh trên cây lúa như đạo ôn lá, tỷ lệ 7-10%, diện tích nhiễm 1.400ha; cháy bìa lá, tỷ lệ 7-10%, diện tích nhiễm 1.100ha; đạo ôn cổ bông, tỷ lệ 5-10%, diện tích nhiễm 700 ha; lem lép hạt, tỷ lệ 3-5%, diện tích nhiễm khoảng 1.000ha.

Theo Giám đốc Trung tâm DVNN thị xã Kiến Tường - Hồ Thị Thúy Phượng, hiện nay, trà lúa Hè Thu năm 2024 vào giai đoạn trổ dần đều, do đó, bệnh đạo ôn cổ bông, lem lép hạt, cháy bìa lá sẽ phát triển mạnh trên đồng ruộng.

Với thời tiết còn nắng nóng nên rầy phấn trắng xuất hiện với mật độ cao nếu không xử lý triệt để. Trước tình hình đó, Trung tâm DVNN thị xã khuyến cáo các hộ dân cần thường xuyên thăm đồng để theo dõi và xử lý kịp thời các loại sâu, bệnh gây hại chủ yếu trong giai đoạn lúa trổ như cháy bìa lá, đạo ôn cổ bông, lem lép hạt, rầy phấn trắng,…

Khi phát hiện diện tích lúa bị nhiễm sâu, bệnh, người dân cần sử dụng thuốc đặc trị để phun, khi phun thuốc phải tuân thủ nguyên tắc “4 đúng”, kết hợp thêm chất bám dính hạn chế rửa trôi để giúp lúa phát triển tốt trong điều kiện thời tiết hiện nay; hạn chế sử dụng phân bón gốc và phân bón lá có hàm lượng đạm cao, giúp cây lúa phát triển tốt.

Trung tâm DVNN thị xã cũng đề nghị Ban Chỉ đạo sản xuất các xã, phường kết hợp Trung tâm thường xuyên thăm đồng, lên kế hoạch tập huấn vụ Hè Thu 2024, giúp nông dân nắm bắt tình hình dịch hại để có phương hướng xử lý kịp thời, tránh ảnh hưởng đến năng suất, bảo đảm hoàn thành thắng lợi vụ Hè Thu năm 2024 trên địa bàn thị xã./.

Sâu, bệnh gây hại ít ở đầu vụ sản xuất lúa Hè Thu 2024

Mặc dù sâu, bệnh gây hại trên lúa Hè Thu 2024 có tăng so với tuần trước nhưng tỷ lệ nhiễm và mật độ gây hại thấp, chủ yếu là bệnh đạo ôn lá, sâu đục thân, rầy phấn trắng, nông dân cần chủ động phòng ngừa.

Kiên Định - Tuấn Hùng

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/chu-dong-phong-chong-dich-benh-tren-cay-lua-a180449.html
Zalo