Chủ động phòng, chống dịch bệnh sau mưa lũ

Những ngày qua, do ảnh hưởng của bão và hoàn lưu bão số 3 nên có mưa to và rất to đã gây ngập úng nhiều địa bàn trong tỉnh. Hậu quả để lại sau mưa lũ không chỉ với đời sống dân sinh, sản xuất, kinh doanh mà còn gây tình trạng ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh, nhất là một số bệnh truyền nhiễm. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh và bảo đảm vệ sinh môi trường (VSMT) sau mưa bão, úng ngập, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tích cực tham mưu và triển khai thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh, cục Y tế dự phòng, cục Quản lý môi trường y tế và sở Y tế.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, qua giám sát một số bệnh truyền nhiễm, mặc dù trong điều kiện mưa bão, ngập lụt, song những ngày qua trên địa bàn tỉnh không ghi nhận trường hợp mắc các bệnh, như: viêm phổi nặng nghi cúm A/H5N1, cúm A/H1N1, cúm A/H7N9; bệnh tay chân miệng; bệnh ho gà. Toàn tỉnh chỉ ghi nhận 3 trường hợp mắc Covid-19 mới, đều ở huyện Lý Nhân, trong đó có 1 trường hợp ở xã Tiến Thắng, 2 trường hợp ở xã Trần Hưng Đạo; 8 trường hợp mắc/nghi mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó 5 trường hợp ở xã Đức Lý (Lý Nhân), 3 trường hợp còn lại ở 3 xã, phường: Bình Nghĩa (Bình Lục), Tượng Lĩnh (Kim Bảng), Thanh Tuyền (TP Phủ Lý); phát hiện 1 trường hợp sốt phát ban nghi mắc sởi/rubella có địa chỉ ở xã Hợp Lý (Lý Nhân). Các ca bệnh đều được quản lý, điều trị kịp thời. Các dịch bệnh khác không có diễn biến bất thường.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chủ động, kịp thời tham mưu với các cấp, ngành trong việc làm tốt công tác chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là trong mùa mưa; bảo đảm công tác giám sát, thông tin, báo cáo dịch bệnh theo quy định. Đồng thời, thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các hoạt động tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết, ho gà, sởi, cúm mùa...; phối hợp với trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố có ghi nhận các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm trên địa bàn quản lý để theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp xử lý dịch bệnh, yếu tố nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Để tăng cường phòng, chống và xử lý dịch bệnh, đơn vị còn phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh tập huấn hướng dẫn giám sát, phòng chống, xử lý ổ dịch và chẩn đoán, điều trị một số bệnh truyền nhiễm cho cán bộ y tế làm công tác phòng, chống dịch và khám, điều trị bệnh truyền nhiễm của thị xã Duy Tiên, huyện Kim Bảng…

Cán bộ Trạm Y tế xã Nhật Tân (Kim Bảng) kiểm tra công tác phòng dịch sốt xuất huyết trước mùa mưa bão. Ảnh: CDC

Cán bộ Trạm Y tế xã Nhật Tân (Kim Bảng) kiểm tra công tác phòng dịch sốt xuất huyết trước mùa mưa bão. Ảnh: CDC

Ông Trần Đắc Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Trong điều kiện mưa bão gây ngập lụt nhiều nơi, nhất là các vùng bị ngập lụt sâu, dài ngày, rất dễ xảy ra các ổ dịch bệnh truyền nhiễm như: tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nấm kẽ chân, cúm, sốt xuất huyết… Để chủ động phối hợp phòng, chống, xử lý dịch bệnh, bảo đảm VSMT trong mùa bão lũ, Trung tâm đã tham mưu với Sở Y tế giúp UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh; chủ động tham mưu, đề xuất và trực tiếp rà soát, bổ sung nhân lực, thuốc, hóa chất, trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và bảo đảm VSMT theo quy định. Ngày 11/9 Trung tâm đã ban hành công văn khẩn số 416/KSBT-SKMT đề nghị các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường và phòng, chống dịch bệnh trong mùa mưa bão; chủ động xây dựng kế hoạch VSMT, bảo đảm nước sạch, quản lý chất thải y tế, rà soát và đánh giá nguy cơ về dịch bệnh; sẵn sàng triển khai các phương án phòng, chống dịch bệnh khi có tình huống xảy ra; tổ chức tuyên truyền, vận động cán bộ, viên chức, người lao động và nhân dân thực hiện các biện pháp VSMT, quản lý chất thải sinh hoạt, chất thải y tế; chuẩn bị các dụng cụ chứa nước sạch, các biện pháp xử lý và sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh. Đồng thời, đề nghị trung tâm y tế các huyện, thành phố, thị xã tăng cường các hoạt động giám sát, hỗ trợ các địa phương, đơn vị bị ngập úng nhằm phát hiện sớm và xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra; hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, nhất là các trường học, cơ sở giáo dục mầm non bị ngập tổ chức dọn VSMT, khử khuẩn trước khi tổ chức học tập, làm việc trở lại; hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp xử lý môi trường, thu gom xử lý xác động vật chết; kiểm tra các công trình vệ sinh, nếu hỏng cần tiến hành sửa chữa, dọn vệ sinh, khử trùng bằng vôi bột, hoặc bằng Cloramin B; xử lý nguồn nước bị ô nhiễm, bảo đảm người dân luôn có đủ nước sạch dùng cho sinh hoạt.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng đã tổ chức 3 đoàn công tác đi kiểm tra, giám sát công tác khắc phục sự cố môi trường, phòng chống dịch bệnh và bảo đảm nguồn nước sạch, quản lý chất thải sau bão, nhất là tại các nơi ngập lụt trên địa bàn 6 huyện, thị xã, thành phố và Nhà máy nước sạch Mộc Nam (thị xã Duy Tiên). Đến thời điểm kiểm tra (ngày 14/9), trên địa bàn tỉnh chưa có dịch bệnh nào được phát hiện. Trung tâm đề nghị các địa phương tiếp tục tổ chức giám sát, phát hiện sớm, chủ động xử lý triệt để các ổ dịch xảy ra sau mưa, ngập úng; công tác phòng, chống dịch bệnh đã và đang được thực hiện hiệu quả, phấn đấu không để xảy ra dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe nhân dân, góp phần nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai, đưa cuộc sống người dân vùng lũ trở lại bình thường.

Trần Quyết

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/xa-hoi/chu-dong-phong-chong-dich-benh-sau-mua-lu-135644.html
Zalo