Chủ động phòng chống dịch bệnh sau bão lũ, đảm bảo sức khỏe bộ đội

Trong và sau mưa lũ, rất nhiều vi sinh vật, rác, chất thải... theo dòng nước tràn nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh như: sốt xuất huyết, sốt rét, các bệnh đường tiêu hóa, cảm cúm, đau mắt đỏ... Chính vì vậy, song song với việc giúp dân khắc phục hậu quả bão, lũ, các đơn vị Biên phòng đã khẩn trương dọn dẹp vệ sinh môi trường trong và ngoài doanh trại, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh có thể phát sinh, đảm bảo sức khỏe bộ đội.

Đồn Biên phòng Cát Hải, BĐBP thành phố Hải Phòng thu dọn doanh trại, đảm bảo vệ sinh sau bão số 3. Ảnh: Xuân Chính

Đồn Biên phòng Cát Hải, BĐBP thành phố Hải Phòng thu dọn doanh trại, đảm bảo vệ sinh sau bão số 3. Ảnh: Xuân Chính

Do ảnh hưởng của bão số 3 và số 4, nhiều đơn vị Biên phòng đã bị hư hỏng doanh trại, phương tiện kỹ thuật, gãy đổ nhiều cây xanh. Đặc biệt, đợt mưa lũ lịch sử do hoàn lưu bão số 3 tại các tỉnh Bắc Bộ đã khiến nhiều khu vực bị ngập lụt, sạt lở đất đá nghiêm trọng. Sau khi nước rút, môi trường tại nhiều khu vực bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi xác động, thực vật thối rữa, nước từ các hố ga, cống thoát nước thải sinh hoạt, khu chăn nuôi gia súc, gia cầm... mang nhiều mầm bệnh, tạo điều kiện cho vi khuẩn, vi rút phát triển mạnh, do vậy, dễ phát sinh các bệnh về đường tiêu hóa, mắt, da... Nghiêm trọng hơn, các vụ sạt lở đất ở Lào Cai, Cao Bằng... đã chôn vùi nhiều gia súc, gia cầm... bốc mùi hôi thối gây ô nhiễm môi trường.

Thực tế, trong thời gian qua, các đơn vị Biên phòng đã cử hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ xuống địa bàn, ngâm mình trong nước lũ để giúp người dân di dời tài sản, khắc phục hậu quả mưa lũ. Riêng trên địa bàn tỉnh Lào Cai, các cán bộ Biên phòng cũng tham gia tìm kiếm cứu nạn các nạn nhân bị lũ quét, sạt lở đất tại thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên), bản Nậm Tông (xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà), thôn Ngải Trồ (xã A Mú Sung, huyện Bát Xát)... Việc thực hiện nhiệm vụ trong bùn đất rất dễ bị lây lan các loại dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe bộ đội.

Ý thức được điều đó, các đơn vị Biên phòng đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương dọn vệ sinh môi trường, khơi thông dòng chảy, xử lý rác thải, chôn lấp xác động vật theo nguyên tắc "nước rút đến đâu, làm vệ sinh đến đấy" nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường chung. Song song với đó, các đơn vị Biên phòng chịu ảnh hưởng của mưa, bão cũng khẩn trương thu dọn vệ sinh trong đơn vị, cắt tỉa cành cây bị gãy đổ, sửa chữa doanh trại. Đồng thời, khôi phục tăng gia sản xuất, đảm bảo nguồn nước, ổn định đời sống bộ đội.

Đại tá Đỗ Hiệp Thắng, Phó Cục trưởng Cục Hậu cần BĐBP cho biết: "Sau mưa bão, lũ lụt, môi trường dễ bị ô nhiễm tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh. Do đó, ngay từ ngày 9/9, chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe cho bộ đội thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên và sẵn sàng chiến đấu. Trong đó, đặc biệt chú ý, kiểm tra, rà soát, củng cố bổ sung lượng dự trữ đã sử dụng, phun khử khuẩn môi trường bằng Cloramine B; khử khuẩn nguồn nước bằng phèn chua. Cùng với đó, cần khẩn trương sửa chữa doanh trại; bố trí nơi ăn nghỉ an toàn cho bộ đội, tuyệt đối không để bộ đội nằm đất, ngủ không có màn. Đồng thời, làm tốt công tác rà soát, vận động bà con giữ vệ sinh môi trường để phòng chống dịch bệnh”.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bát Xát, BĐBP Lào Cai giúp người dân dọn bùn đất, vệ sinh xung quanh nhà ở ngay sau khi nước lũ rút. Ảnh: Đồn Biên phòng Bát Xát

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bát Xát, BĐBP Lào Cai giúp người dân dọn bùn đất, vệ sinh xung quanh nhà ở ngay sau khi nước lũ rút. Ảnh: Đồn Biên phòng Bát Xát

Đại tá Đỗ Hiệp Thắng cho biết thêm, Cục Hậu cần BĐBP đã có hướng dẫn cụ thể về việc phòng, chống dịch bệnh sau mưa lũ, không để lây lan vào đơn vị, đặc biệt là các đơn vị đóng quân, làm nhiệm vụ tại khu vực ảnh hưởng của mưa bão. Theo đó, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh chung là bảo đảm lựa chọn, chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, thực hiện nguyên tắc "ăn chín-uống chín"; tăng cường dinh dưỡng. Đặc biệt, cần thau rửa bể nước, giếng nước, dùng hóa chất khử trùng nước ăn uống, sinh hoạt. Thường xuyên rửa tay với xà phòng trước, sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Thực hiện nguyên tắc "nước rút đến đâu, làm vệ sinh đến đấy". Thu gom, xử lý xác súc vật đúng quy định. Khi có biểu hiện nghi ngờ dịch bệnh, cần báo ngay quân y đơn vị để phối hợp giải quyết, xử lý.

Bên cạnh đó, Cục Hậu cần BĐBP cũng có hướng dẫn cụ thể các biện pháp phòng, chống một số bệnh thường gặp như bệnh lây qua đường tiêu hóa: tiêu chảy do E.coli, tả, ly, thương hàn, viêm gan A bằng cách đảm bảo xử lý tốt nước ăn, uống, vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, vệ sinh an toàn thực phẩm; đảm bảo đủ nước sạch cho ăn, uống, sinh hoạt. Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; xử lý tốt nguồn phân, chất thải, rác thải, xác động vật... Đối với các bệnh lây qua đường hô hấp như cảm lạnh, cúm, Covid-19, viêm họng, viêm đường hô hấp, bộ đội cần giữ ấm khi thời tiết lạnh, nhất là các lực lượng làm nhiệm vụ ngoài trời, hạn chế tiếp xúc với người có biểu hiện bị cúm, viêm đường hô hấp và đảm bảo đủ dinh dưỡng.

Trong điều kiện ngập lụt, các bệnh về mắt rất dễ phát sinh, lây lan như đau mắt đỏ, viêm bờ mi, viêm tuyến lệ. Để phòng tránh các loại bệnh kể trên, bộ đội cần tuân thủ quy tắc không rửa mặt, tắm nước bẩn. Rửa tay bằng xà phòng với nước sạch. Không dùng chung khăn mặt và chậu với người bị đau mắt đỏ. Đồng thời dùng thuốc nhỏ mắt (Chloramphenicol 0,4%, NaC1 0,9%, Argirol 1%) cho những người phải/bị tiếp xúc với nước bẩn. Mưa lũ cũng tạo thuận lợi cho các bệnh ngoài da phát sinh, thường gặp nhất là bệnh nấm chân, tay, viêm lỗ chân lông, hắc lào, lang ben, ghẻ, mụn nhọt.

Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là không tắm gội, giặt quần áo bằng nước bẩn; không mặc quần áo ẩm ướt. Cùng với đó, cần hạn chế bơi, lội nơi nước bẩn, tù đọng. Khi bắt buộc phải thực hiện nhiệm vụ tại nơi nước bẩn, tù đọng, thì ngay sau đó phải tắm, rửa bằng nước sạch, lau khô. Thời tiết ẩm ướt trong mưa lũ cũng tạo môi trường lý tưởng cho muỗi phát triển, gây các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như sốt xuất huyết. Do đó, bộ đội bắt buộc phải ngủ màn, kể cả ban ngày, mặc quần dài, áo dài tay khi làm nhiệm vụ; thực hiện đầy đủ các biện pháp diệt lăng quăng, bọ gậy.

Cục Hậu cần BĐBP cũng chỉ đạo các đơn vị Biên phòng trong mọi tình huống cần chủ động các biện pháp để duy trì ổn định điều kiện ăn, ở, sinh hoạt và làm việc cho bộ đội, bảo đảm tuyệt đối an toàn. Bố trí lượng dự trữ hậu cần, bảo đảm quân y hợp lý tại các địa bàn dễ bị chia cắt khi xảy ra thiên tai, để chủ động bảo đảm nguồn lương thực, thuốc tại chỗ.

Xuân Hương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/chu-dong-phong-chong-dich-benh-sau-bao-lu-dam-bao-suc-khoe-bo-doi-post481277.html
Zalo