Chủ động phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm

Tỉnh Quảng Bình yêu cầu các đơn vị, địa phương trung triển khai quyết liệt, đồng bộ giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm ở động vật, nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi và hạn chế nguy cơ dịch bệnh lây nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, cộng đồng.

Đại diện Chi cục trưởng Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình cho biết, hiện tỉnh có tổng đàn gia súc gần 390.000 con, tổng đàn gia cầm hơn 5,2 triệu con. Trong năm 2024, tỉnh Quảng Bình chưa ghi nhận ổ dịch Cúm gia cầm trên động vật, trên người. Tuy nhiên, trong tháng 6/2024, qua giám sát chủ động lưu hành vi rút Cúm trên gia cầm tại 3 huyện (Lệ Thủy, Quảng Ninh, Quảng Trạch), kết quả 1/60 mẫu xét nghiệm dương tính với vi rút cúm gia cầm A/H5N1 (chiếm tỷ lệ 1,67%).

Đặc biệt, cuối tháng 10/2024, do ảnh hưởng của cơn bão số 6, gây mưa lớn, ngập lụt kéo dài tại một số địa phương, làm môi trường chăn nuôi bị ô nhiễm, thuận lợi cho mầm bệnh sinh trưởng và phát triển. Do vậy, nguy cơ bệnh Cúm gia cầm ở động vật phát sinh, lây lan trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới là rất lớn, đặc biệt là giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Theo đó, các đơn vị, địa phương chủ động bố trí nguồn lực để triển khai phòng, chống hiệu quả dịch bệnh cúm gia cầm; tăng cường thông tin tác hại, mức độ nguy hiểm của cúm gia cầm và các biện pháp phòng chống; khuyến cáo người dân sử dụng thịt gia cầm, sản phẩm gia cầm đã được nấu chín, tuyệt đối không ăn tiết canh.

Các huyện, thành phố, thị xã rà soát, tổ chức tiêm bổ sung vaccine cúm cho đàn gia cầm mới phát sinh, chưa được tiêm phòng trong đợt 2/2024, bảo đảm đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch cúm trên đàn gia cầm, không để lây lan ra diện rộng; chỉ đạo cơ quan thủ y thông báo cho cơ quan y tế cùng cấp khi phát hiện ổ dịch cúm gia cầm trên động vật.

Đồng thời, các phòng, ban, đơn vị tăng cường kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm tại cơ sở sơ chế, chế biến, kinh doanh, vận chuyển, tiêu thụ động vật, thu mua động vật, sản phẩm động vật để chế biến làm thức ăn cho động vật...; xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ quy định của pháp luật về thú y làm dịch bệnh lây lan và xử lý trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan.

Bên cạnh đó, các hộ chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng biện pháp vệ sinh phòng dịch, thường xuyên vệ sinh, sát trùng bằng với bột, hóa chất để tiêu diệt mầm bệnh. Chính quyền các địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động giám sát, kịp thời báo cáo chính quyền địa phương, cơ quan thú y khi phát hiện gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh; tuyệt đối không mua bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm mắc bệnh, vứt xác gia cầm, chất thải chăn nuôi chưa qua xử lý ra môi trường.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình xây dựng kế hoạch và triển khai lấy mẫu giám sát chủ động sự lưu hành vi rút cúm gia cầm trên các loài động vật mẫn cảm, động vật hoang dã tại địa bàn có nguy cơ cao; hướng dẫn địa phương kịp thời triển khai biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

Ngoài ra, chỉ đạo cơ quan thú y thực hiện nghiêm khâu kiểm dịch vận chuyển động vật; trong đó có động vật hoang dã và sản phẩm động vật; phối hợp với các đơn vị, địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trên địa bàn tỉnh. Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện những trường hợp người nghi tiếp xúc với động vật bị nhiễm cúm gia cầm; tổ chức cách ly, theo dõi, kịp thời điều trị ca bệnh nhằm hạn chế nguy cơ dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.

Ta Chuyên – Mạnh Thành (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/chu-dong-phong-chong-dich-benh-cum-gia-cam-20241223175759336.htm
Zalo