Chủ động phòng, chống cháy rừng mùa nắng nóng

Mùa nắng nóng đang đến gần, nguy cơ xảy ra cháy rừng tăng cao, trước tình hình trên, tỉnh đang tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao khả năng phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), bảo vệ rừng, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra.

Lực lượng chức năng xuyên đêm ứng phó với vụ cháy rừng ở núi Ngang thuộc thôn Lục Liễu, xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo.

Lực lượng chức năng xuyên đêm ứng phó với vụ cháy rừng ở núi Ngang thuộc thôn Lục Liễu, xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo.

Các đợt nắng nóng bắt đầu xuất hiện, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số vụ cháy rừng, mặc dù đã được các lực lượng chức năng kịp thời khống chế, dập tắt, nhưng đây là hồi chuông cảnh báo về mức độ gia tăng nguy cơ cháy rừng trong mùa nắng nóng.

Cụ thể, khoảng 13h ngày 22/3 tại khu vực rừng trên núi Sáng, xã Ngọc Mỹ, huyện Lập Thạch đã bùng phát cháy ở ba điểm khác nhau, các lực lượng chức năng đã huy động gần 300 người cùng phương tiện, trang bị để khoanh vùng dập lửa.

Tuy nhiên, do địa hình đồi núi hiểm trở, gió tạt mạnh nên các lực lượng gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp cận để chữa cháy khiến đám cháy lan rộng, thiệt hại hàng chục nghìn m2 diện tích cây rừng.

Mới đây nhất, khoảng 17h ngày 15/4, khu vực rừng sản xuất trên núi Ngang thuộc thôn Lục Liễu, xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo đã xảy ra cháy. Do thời tiết hanh khô, kết hợp với gió to nên đám cháy bùng phát nhanh và lan sang các khu vực rừng lân cận thuộc địa bàn xã Bồ Lý.

Các lực lượng chức năng đã huy động khoảng 1.000 người tập trung triển khai các phương án chữa cháy rừng, khoanh vừng chia cắt đám cháy, tạo đường băng cản lửa, phun nước dập lửa, ngăn không cho cháy lan sang rừng phòng hộ và khu vực dân cư.

Với nỗ lực, quyết tâm và sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả của các lực lượng, đến khoảng 0h30 ngày 16/4 đám cháy đã cơ bản được khống chế, thiệt hại ban đầu khoảng 30 ha rừng sản xuất. Nguyên nhân vụ cháy đang được các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.

Theo các cơ quan chuyên môn, có nhiều nguyên nhân dẫn đến cháy rừng, tuy nhiên, tất cả đều thuộc hai nhóm nguyên nhân chính, một là do các yếu tố tự nhiên như thời tiết, sấm sét…; hai là, do các hoạt động của con người như đốt nương rẫy, thực bì, dùng lửa khai thác các sản vật của rừng, vô ý hoặc cố ý đốt phá rừng…

Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 37 nghìn ha đất rừng và đất lâm nghiệp với 3 loại rừng là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất. Trong đó, nhiều khu vực là trọng điểm về cháy rừng, nhất là các khu vực rừng thông, khu vực rừng của Vườn quốc gia Tam Đảo, vào mùa khô nguy cơ cháy rừng luôn ở trong tình trạng cấp 4, cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm).

Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, năm 2025, hiện tượng ENSO sẽ tiếp tục duy trì, nhiệt độ có xu hướng cao hơn hằng năm, đặc biệt là tình trạng khô hạn, nắng nóng cục bộ diễn ra, dẫn đến nguy cơ cháy rừng luôn tiềm ẩn ở mức độ cao (cấp 4, cấp 5), đặc biệt là những khu rừng già nguyên sinh có thảm thực bì dày.

Để chủ động các phương án PCCCR, tỉnh đang quyết liệt chỉ đạo các lực lượng chức năng, các địa phương, đơn vị liên quan quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác PCCCR.

Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các cấp chính quyền và toàn thể người dân về vai trò, ý nghĩa của công tác PCCCR, bảo vệ rừng với môi trường sống và sự phát triển bền vững của đất nước, địa phương.

Rà soát, bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương để tăng cường hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, dụng cụ... phục vụ công tác PCCCR trên địa bàn quản lý; thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác PCCCR, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về PCCCR, bảo vệ rừng.

Tổ chức kiểm tra, rà soát phương án, kế hoạch PCCCR của các đơn vị, chủ rừng; phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong những ngày nắng nóng cao điểm và trong suốt mùa khô hanh.

Thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ “lực lượng, phương tiện, hậu cần, chỉ huy” và 5 sẵn sàng “lực lượng, phương tiện, hậu cần, chỉ huy, thông tin” nhằm chủ động và sẵn sàng ứng cứu kịp thời các vụ cháy rừng khi mới phát sinh, không để xảy ra cháy lớn.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm xây dựng hệ thống quản lý, giám sát rừng, cung cấp các thông tin cảnh báo sớm về diễn biến rừng, dự báo cháy rừng, hoàn thiện bảng tra cấp dự báo cháy rừng với quy mô toàn tỉnh, hỗ trợ quản lý thông tin về diễn biến rừng và công tác tuần tra, bảo vệ rừng.

Cùng với đó, tổ chức điều tra, xác minh, làm rõ nguyên nhân, đối tượng gây cháy đối với các vụ cháy rừng, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật để răn đe, giáo dục, phòng ngừa…

Bài, ảnh: Nguyễn Khánh

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/127209//chu-dong-phong-chong-chay-rung-mua-nang-nong
Zalo