Chủ động phòng, chống cháy rừng mùa hanh khô
Từ đầu tháng 2/2025 đến nay, tại tỉnh Điện Biên, tình trạng nắng nóng, hanh khô kéo dài làm tăng nguy cơ cháy rừng của toàn tỉnh đang ở cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm).

Người dân Bản Co Cượm, xã Pá Khoang, thành phố Điện Biên Phủ đánh dấu lên cây trên đường tuần tra, bảo vệ rừng đặc dụng Mường Phăng.
Để chủ động phòng, chống và ứng phó với nguy cơ cháy rừng mùa hanh khô, Ban Quản lý rừng di tích lịch sử và cảnh quan môi trường Mường Phăng, thành phố Điện Biên Phủ, luôn huy động tối đa lực lượng phối hợp với các cộng đồng thôn bản nhận khoán bảo vệ rừng, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và chủ động phòng, chống cháy rừng, nhất là các khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy cao.
Theo Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng di tích lịch sử và cảnh quan môi trường Mường Phăng Trần Thanh Hải, hiện đơn vị quản lý trên 2.900 ha rừng thuộc địa bàn 2 xã Mường Phăng và Pá Khoang (thành phố Điện Biên Phủ). Rừng đặc dụng Mường Phăng có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ di tích chiến dịch Điện Biên Phủ (di tích quốc gia đặc biệt). Trong rừng đặc dụng Mường Phăng có khu rừng thuộc Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ là khu rừng tự nhiên nguyên sinh.
Ngay từ đầu mùa khô, những địa bàn có nguy cơ dễ xảy ra cháy rừng, đơn vị đã chủ động phối hợp với Kiểm lâm địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền tới nhân dân không được sử dụng lửa trong rừng những ngày trời nắng nóng, không đốt thực bì; lồng ghép vào các cuộc họp thôn để tuyên truyền Luật Phòng cháy, chữa cháy và các văn bản về phòng cháy, chữa cháy rừng.
Trước tình hình thời tiết nắng nóng, hanh khô như hiện nay, Ban Quản lý rừng đã phối hợp với các tổ, nhóm cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng của các bản ở hai xã Pá Khoang và Mường Phăng thường xuyên tuần tra rừng, trực 24/24 giờ để kịp thời ứng phó khi cháy rừng xảy ra; thiết lập bản đồ phân vùng trọng điểm cháy rừng và xây dựng các công trình phòng cháy, như biển cảnh báo cháy, biển cấm lửa; chủ động kiểm tra và hướng dẫn người dân, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng lửa trong sản xuất và đốt xử lý thực bì.
Ông Lò Văn Cu, trú Bản Co Cượm, xã Pá Khoang, Tổ Trưởng tổ cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng cho biết, tổ có 18 thành viên, được giao khoán quản lý 162 ha rừng để bảo vệ, trông coi và có chế độ chi trả của nhà nước. Thời điểm hiện nay, trước diễn biến thời tiết nắng nóng gay gắt, tổ tuần rừng của ông được chia thành 4 nhóm, tăng cường đi tuần tra, bảo vệ rừng nhiều hơn. Trong các buổi họp thôn, các thành viên trong tổ tuần rừng tuyên truyền trực tiếp, thông báo qua các nhóm Zalo, Facebook của thôn xóm. Nếu không có việc cần thiết, người dân không vào rừng và không mang lửa vào rừng. Trong nhiều năm trở lại đây, nhờ làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa hanh khô nên không để xảy ra vụ cháy rừng nào trên địa bàn do tổ quản lý.

Rừng đặc dụng Mường Phăng với nhiều cây gỗ quý như: Cây Dẻ, cây Tô Hạp Điện Biên, cây Vối Thuốc và một số cây lá rộng... luôn được bảo vệ nghiêm ngặt.
Trước đó, ngày 17/2, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên đã ra thông báo số 161/TB-CCKL về việc dự báo nguy cơ cháy rừng của toàn tỉnh đang ở cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm) do tình trạng nắng nóng, hanh khô kéo dài.
Ông Nguyễn Mạnh Toàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên cho biết, theo các chỉ số từ Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh, Chi cục Kiểm lâm tỉnh dự báo từ ngày 17 - 23/2, toàn tỉnh đối mặt nguy cơ cháy rừng ở mức cực kỳ nguy hiểm.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên yêu cầu, trong những ngày nắng nóng kéo dài, nguy cơ cháy rừng ở V: Cấp cực kỳ nguy hiểm, Hạt Kiểm lâm các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc Công điện số 1356/CĐ-UBND của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý đốt dọn thực bì, quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2024; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm quy định tại điểm e, khoản 5, Điều 14, Nghị định số 35/2019/NĐ-CP của Chính phủ khi “Không thực hiện đúng quy định pháp luật về sử dụng lửa khi đốt nương rẫy, đồng ruộng, đốt thực bì để chuẩn bị đất trồng rừng và làm giảm vật liệu cháy trong rừng”.