Chủ động nhận diện, triệt phá các băng nhóm tội phạm xuyên quốc gia
Cùng với công tác chỉ đạo nghiệp vụ giúp Công an các địa phương đấu tranh ngày càng hiệu quả với các loại tội phạm hình sự, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, thời gian qua, Cục Cảnh sát hình sự (CSHS), Bộ Công an còn sớm nhận diện, chuyển trạng thái cũng như tăng cường hợp tác quốc tế, đánh những 'mẻ lưới' lớn, xóa nhiều băng, ổ nhóm tội phạm xuyên quốc gia.
Lập các công ty tuyển dụng để lừa đảo xuyên biên giới
Còn nhớ những ngày áp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, trong khi nhà nhà, người người đang tất bật lo chuẩn bị đón Tết thì tại trụ sở của Cục CSHS, Bộ Công an, những lãnh đạo, chỉ huy và CBCS của đơn vị vẫn bộn bề với phân loại, xử lý kho hồ sơ băng ổ nhóm lừa đảo trên không gian mạng hoạt động xuyên quốc gia.
Đại tá Lê Khắc Sơn, Phó Cục trưởng Cục CSHS, Bộ Công an cho biết, số lượng các đối tượng được đưa từ Campuchia về Việt Nam nằm trong diện quản lý, phân loại liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng lên tới hàng trăm, lại ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Chính vì vậy, anh em trong đơn vị xác định đón Tết tại cơ quan, làm việc xuyên Tết.
Trung tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục CSHS, Bộ Công an đánh giá, tình hình tội phạm hoạt động có tổ chức theo phương thức truyền thống ở trong nước đã được kiềm chế, kéo giảm, tuy nhiên tội phạm có tổ chức sử dụng công nghệ cao diễn biến phức tạp. Đặc biệt, chúng lợi dụng địa bàn các nước xung quanh Việt Nam, sử dụng mạng lưới máy tính, mạng viễn thông để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản có xu hướng gia tăng vào những khung thời điểm như dịp lễ, Tết. Những thay đổi trong phương thức hoạt động của các đối tượng tội phạm đã được Cục CSHS chủ động nhận diện, từ đó kịp thời lên phương án, kế hoạch đấu tranh hiệu quả, phù hợp với đặc thù của từng địa bàn, khu vực.
Tại một số nước Đông Nam Á, lợi dụng chính sách của nước sở tại, nhất là ở những đặc khu kinh tế, nhiều băng nhóm tội phạm xuyên quốc gia do các đối tượng người Trung Quốc cầm đầu điều hành, chỉ đạo, nhân viên đến từ nhiều quốc gia, phân chia thành địa bàn phạm tội theo từng quốc gia để hoạt động lừa đảo, cưỡng đoạt tài sản dưới nhiều thủ đoạn tinh vi theo nhiều kịch bản khác nhau.
Các nhân viên trong đó có nhiều người Việt Nam, được nuôi ăn ở tập trung, cung cấp máy tính, điện thoại di động, tài khoản mạng xã hội và đào tạo theo kịch bản đã được viết sẵn. Chúng trả lương, thưởng, phạt, cưỡng bức, đánh đập thực hiện các hành vi lừa đảo, cưỡng đoạt tài sản đối với công dân Việt Nam, tổ chức đánh bạc và đánh bạc dưới hình thức casino, rửa tiền.
Một số đối tượng người Việt bị dụ dỗ sang Campuchia thực hiện việc cho thuê tài khoản ngân hàng và “xác thực sinh trắc học” để đối phó với quy định của các ngân hàng Việt Nam, phục vụ hành vi rửa tiền, tẩu tán tiền phạm tội. Qua nắm tình hình, tại một số địa bàn trong đặc khu kinh tế đã xảy ra nhiều vụ án giết người hoặc vụ chết người có nạn nhân là người Việt Nam, thậm chí có một số vụ tử thi bị đốt, phân xác, phi tang hoặc có dấu hiệu do bị các đối tượng trong các tổ chức lừa đảo đánh đập dẫn đến tử vong.
Để cung cấp nguồn nhân viên cho các tổ chức lừa đảo này, chúng thành lập những công ty tuyển dụng, hình thành các băng nhóm mua bán người, quảng cáo, lôi kéo, dụ dỗ tìm kiếm việc làm ở Lào, Campuchia, Thái Lan sau đó móc nối với các đối tượng làm dịch vụ đưa người sang Campuchia bất hợp pháp và các nước Đông Nam Á khác qua các đường tiểu ngạch để ký hợp đồng với các công ty lừa đảo.
Quá trình làm việc tại các công ty lừa đảo này, nếu không hoàn thành chỉ tiêu, ngoài việc bị đánh đập, tra tấn, các nhân viên sẽ bị bán lại cho các băng nhóm mua bán người để bán cho tổ chức tội phạm khác hoặc ép gọi điện về nhà để trả tiền chuộc mới. Nếu may mắn họ sẽ được trả tự do, nếu không thì sẽ bị bắt cóc trên đường về hoặc bị bán tiếp sang các công ty lừa đảo hoặc băng nhóm khác.
Một số băng nhóm tội phạm khác móc nối với các băng nhóm mua bán người này để hoạt động dịch vụ tìm kiếm người mất tích, bảo lãnh, chuộc người bị mua bán vào các tổ chức lừa đảo. Tuy nhiên, các đối tượng này yêu cầu người được chuộc phải vay lãi nặng để trả công, sau khi về Việt Nam phải trả số nợ trên.
Một trong số những ổ nhóm, đường dây tội phạm bị Cục CSHS phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Công an và cơ quan chức năng của nước bạn cùng phát hiện, bắt giữ nằm trong Công ty K066.com. Đây thực chất là tổ chức lừa đảo chiếm đoạt tài sản xuyên quốc gia do một số đối tượng người Trung Quốc điều hành. Những nhân viên tham gia trong chuỗi đường dây này phần lớn là người Việt Nam. Chúng chủ yếu tập trung ở các tòa nhà trong đặc khu kinh tế thuộc TP Bavet, tỉnh Svay Rieng, Campuchia.
Truy nhanh, bắt gọn những đối tượng cầm đầu
Đại tá Lê Khắc Sơn cho biết, các đối tượng cầm đầu giao “chỉ tiêu” số tiền lừa đảo trong tháng cho từng nhóm, tổ và nhân viên buộc phải đạt được nếu muốn có thưởng và không bị hành hạ, đánh đập. Trung bình mỗi tổ phải lừa được từ 1 đến 3 tỷ đồng/tháng, tương ứng mỗi nhân viên phải lừa được 100-200 triệu đồng/tháng. Nếu nhân viên nào không hoàn thành chỉ tiêu lừa đảo thì sẽ bị các đối tượng cầm đầu dùng đủ hình phạt dã man hành hạ, đánh đập như thời trung cổ. Chúng còn liên tục đảo, tập huấn cho nhân viên những thủ đoạn, kịch bản lừa đảo mới để dễ đưa bị hại vào bẫy.
Để dễ dàng lừa đảo, các đối tượng đã như tạo các website, tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội có tên gần giống với tên các doanh nghiệp của Vingroup như: Vnfast, Vinclubid.com, Vinclubgrup.com cũng như tạo tài khoản mạng xã hội giả mạo là các cán bộ, lãnh đạo các công ty trong Vingroup, giả mạo các giấy chứng nhận của VinGroup để tạo lòng tin khi kết bạn, trò chuyện, dụ dỗ đầu tư vào các quỹ đầu tư, dự án của tập đoàn VinGroup.
Ngoài ra, các đối tượng có một bộ phận dụ dỗ người bị hại nạp tiền đánh bạc vào các website đánh bạc do các đối tượng tạo ra, giả mạo các nhân viên IT biết các lỗ hổng bảo mật để tạo lòng tin và dụ dỗ người chơi nạp tiền vào các website trên. Các đối tượng can thiệp, điều chỉnh các số dư trong tài khoản, số tiền lãi, tiền trúng thưởng và chỉ cho bị hại rút số tiền rất nhỏ trong số tiền đã nạp vào. Các đối tượng sẽ thay nhau chăm sóc và dụ dỗ bị hại nạp tiền, chuyển tiền đến khi không còn khả năng tài chính thì sẽ chặn liên lạc, khóa tài khoản.
Ròng rã nhiều tháng trời với những khó khăn không thể nói hết nơi xứ người, ở những vùng rừng núi hoang vu, hiểm nguy cận kề, Ban chuyên án của Cục CSHS và lực lượng chức năng đã làm rõ hàng trăm đối tượng ở những đặc khu kinh tế tại Campuchia có liên quan đến hoạt động lừa đảo. Các đối tượng này đã bị di lý về Việt Nam phục vụ cho công tác phân loại, đấu tranh, xử lý.
Không chỉ đấu tranh triệt phá nhiều băng, ổ nhóm tội phạm hoạt động lừa đảo xuyên quốc gia trên môi trường mạng, Cục CSHS còn chủ động phát hiện, nhận diện nhiều đối tượng, băng ổ nhóm tội phạm cho vay nặng lãi, “tín dụng đen” ở nước ngoài.
Đại tá Lê Khắc Sơn cho biết, mức độ tàn ác của các đối tượng hoạt động tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” ở nước ngoài còn khủng khiếp hơn rất nhiều so với những đối tượng hoạt động ở trong nước. Với những con nợ không có khả năng trả tiền, chúng sẽ bắt cóc, thẳng tay đánh đập dã man, ép gia đình họ phải gửi tiền chuộc thân mới mong giữ được tính mạng. Đối với những con nợ ngang bướng, hoặc gia đình không có khả năng chuộc thân, chúng sẽ giết hại không thương tiếc. Nhiều con nợ bị sát hại dã man như ném từ nhà cao tầng xuống đất, hoặc chúng buộc thi thể con nợ vào xe máy rồi kéo lê trên đường…
Đầu tháng 12/2024, Phòng Trọng án, Cục CSHS nhận được thông tin người dân ở ấp Tà Chan, phường Ba Tì, TP Bavet, tỉnh Svay Rieng, Campuchia phát hiện một thi thể nam giới nghi là người Vệt Nam bị trói tay chân nổi trên sông.
Khi nghe báo cáo, Trung tướng Trần Ngọc Hà đã báo cáo, xin ý kiến của lãnh đạo Bộ Công an, đồng thời chỉ đạo Phòng Trọng án phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Công an và nước bạn xác minh làm rõ danh tính nạn nhân là anh Trương Văn Hoan (SN 1983, ở huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái), là người thường xuyên sang Campuchia đánh bạc. Tại đây, anh Hoan sau khi thua bạc đã vay tiền của một số đối tượng chuyên cho vay nặng lãi để tiếp tục gỡ. Khi không trả được tiền vay, anh Hoan bị chúng bắt nhốt, hành hạ, đánh đập và sát hại.
Cầm đầu ổ nhóm chuyên cho vay nặng lãi, bắt cóc, tra tấn, sát hại anh Hoan là đối tượng Ngô Phi Long (SN 1994, ở xã Hợp Thanh, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội). Dưới trướng của Thanh là 6 đối tượng khác đều ở huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội. Các đối tượng sang Campuchia tổ chức cho những con bạc chơi ở casino vay tiền đánh bạc và nếu con nợ nào không trả được tiền sẽ bị bắt cóc, đánh đập, ép gọi điện về nhà để buộc gia đình con nợ phải trả tiền “chuộc thân”.
Sau khi anh Hoan vay 100 triệu đồng từ Ngô Phi Long để gỡ bạc và không trả được cả gốc lẫn lãi, ổ nhóm này bắt cóc anh Hoan rồi đánh đập dã man, buộc anh phải gọi điện về nhà để trả tiền. Khi không lấy được tiền, chúng ra tay sát hại nạn nhân rồi quăng xác người này xuống sông trong tư thế vẫn trói chặt tay chân, miệng bị nhét giẻ.
Dưới sự chỉ huy trực tiếp của Trung tướng Trần Ngọc Hà, chỉ trong thời gian ngắn, ổ nhóm Ngô Phi Long đã bị Cục CSHS và Công an các địa phương phối hợp bắt giữ. Nhiều đối tượng dù đã cải trang kỹ, giấu thân phận và đi làm những công việc khác ít tiếp xúc xã hội, hay lẩn trốn ở các nhà nghỉ heo hút vùng biên giới cũng không thoát khỏi khóa số 8 của Ban chuyên án.
Lãnh đạo Cục CSHS cho biết, nhiều băng, ổ nhóm tội phạm người Việt, người nước ngoài cầm đầu hoạt động ở nước ngoài sử dụng mạng xã hội, viễn thông lừa đảo người dân trong nước đã bị Cục CSHS và Công an các đơn vị, địa phương triệt xóa trước Tết, góp phần giúp ngăn chặn, phòng ngừa hiệu quả tình trạng lừa đảo trong dịp Tết vừa qua, đảm bảo cho nhân dân vui Tết, đón Xuân an toàn, bình yên. Sau kỳ nghỉ Tết, Cục CSHS tiếp tục tăng cường triển khai các biện pháp nghiệp vụ phòng, chống hiệu quả các loại tội phạm, nhất là tội phạm lừa đảo hoạt động xuyên biên giới.
Lãnh đạo Bộ Công an gửi Thư khen Công an tỉnh Bắc Ninh triệt phá đường dây lừa đảo hơn 1.000 tỷ đồng
Ngày 2/2, Trung tướng Phạm Thế Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an đã có Thư khen gửi Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh biểu dương thành tích triệt phá thành công nhóm đối tượng sử dụng công nghệ cao lừa đảo, chiếm đoạt gần 1.000 tỷ đồng của hơn 13.000 người dân trên cả nước.
Nội dung Thư khen nêu rõ:
Lãnh đạo Bộ Công an được báo cáo: Công an tỉnh Bắc Ninh vừa chủ trì, phối hợp với các Cục nghiệp vụ của Bộ và Công an 11 địa phương triệt phá thành công nhóm đối tượng sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản với quy mô lớn, bắt giữ, khởi tố 41 đối tượng, thu giữ hàng trăm điện thoại di động, máy tính xách tay cùng nhiều tài liệu, vật chứng khác. Bước đầu xác định các đối tượng đã lợi dụng việc Chính phủ triển khai chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính... mạo danh lực lượng Công an gọi điện thoại hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục liên quan dịch vụ công trực tuyến để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hơn 13.000 người dân trên cả nước với số tiền gần 1.000 tỷ đồng.
Đây là chiến công đặc biệt xuất sắc, thể hiện quyết tâm, tinh thần trách nhiệm cao và sự sắc bén về nghiệp vụ của Công an tỉnh Bắc Ninh trong triển khai chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an về đấu tranh với tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng công nghệ cao và thực hiện cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Kết quả đấu tranh chuyên án đã góp phần bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật, nâng cao hiệu quả trong thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ Công an về chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường ổn định, lành mạnh để phát triển kinh tế, xã hội, phát triển đất nước; đồng thời, tạo chuyển biến tích cực đối với tình hình an ninh, trật tự trong toàn quốc, răn đe, phòng ngừa tội phạm và củng cố niềm tin của nhân dân đối với lực lượng Công an nhân dân.
Thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an, Thứ trưởng Phạm Thế Tùng ghi nhận, biểu dương thành tích nêu trên và đề nghị Công an tỉnh Bắc Ninh tiếp tục phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương liên quan điều tra, mở rộng vụ án, củng cố tài liệu, chứng cứ đề nghị truy tố các đối tượng theo quy định pháp luật. Đồng chí Thứ trưởng mong Công an tỉnh Bắc Ninh phát huy kết quả đạt được, lập nhiều chiến công, thành tích xuất sắc hơn nữa trong công tác và chiến đấu. (T.V)