Chủ động kiểm soát an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội Xuân 2025
Dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ và mùa lễ hội Xuân là thời điểm lượng hàng hóa, thực phẩm tập trung đa dạng, phong phú nhằm đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng. Đây là thời điểm quan trọng cần đẩy mạnh công tác kiểm tra việc bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP). Báo Ninh Bình đã có cuộc trao đổi với đồng chí Đoàn Ngọc Quý, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh về việc bảo đảm ATTP dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và lễ hội Xuân 2025.
Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, Tết Nguyên đán Ất Tỵ đã cận kề, công tác kiểm tra về ATTP cần chú trọng vào những nội dung gì?
Đồng chí (Đ/c) Đoàn Ngọc Quý: Tết Nguyên đán, mùa lễ hội luôn là thời điểm mà nhu cầu tiêu thụ thực phẩm lớn trong năm của người dân, nhất là các mặt hàng thực phẩm như: thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu bia nước giải khát, hoa quả...
Tại tỉnh Ninh Bình, để bảo đảm ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và lễ hội Xuân 2025, phục vụ Nhân dân đón Tết, vui Xuân an toàn, bảo đảm sức khỏe, đồng thời bảo đảm phát triển và cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất nhập khẩu thực phẩm.
Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 148/KH-BCĐ ngày 26/12/2024. Căn cứ vào đó, các sở, ngành, đoàn thể, UBND tuyến huyện, xã đã xây dựng kế hoạch, triển khai các hoạt động về quản lý, kiểm tra, truyền thông về ATTP theo nhiệm vụ, địa bàn được phân công.
Nội dung kiểm tra tại cơ sở tập trung vào: hồ sơ pháp lý; điều kiện cơ sở vật chất trang thiết bị; điều kiện sức khỏe, kiến thức, thực hành của người trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm; nguồn gốc, chất lượng, nội dung ghi nhãn của nguyên liệu, thực phẩm.
Trong quá trình kiểm tra kết hợp tuyên truyền, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật và kiến thức về ATTP tới người sản xuất, kinh doanh thực phẩm; nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành của cơ sở, không vì lợi nhuận mà vi phạm pháp luật, sản xuất, kinh doanh sản phẩm không bảo đảm ATTP, hàng lậu, hàng giả hàng kém chất lượng.
Thông qua hoạt động kiểm tra, hậu kiểm nhằm đánh giá việc chấp hành các quy định của pháp luật về điều kiện bảo đảm ATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng như đánh giá được chất lượng, ATTP đối với sản phẩm thực phẩm lưu thông trên thị trường.
PV: Công tác truyền thông được Chi cục triển khai như thế nào để nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm?
Đ/c Đoàn Ngọc Quý: Nhận thức rõ truyền thông là một biện pháp hữu hiệu góp phần quan trọng nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP.
Với mục tiêu truyền thông được xác định cụ thể, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã tham mưu, xây dựng các nội dung truyền thông cụ thể, phù hợp với từng thời điểm (trước, trong, sau Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội) và đối tượng truyền thông (các cơ quan quản lý, người sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm và người tiêu dùng thực phẩm).
Công tác thông tin, giáo dục truyền thông, phổ biến chính sách, pháp luật về ATTP được tăng cường, triển khai có hiệu quả, từ đó góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong bảo đảm an ninh, ATTP.
Đồng thời, tăng cường trách nhiệm của chính quyền các cấp, các đơn vị sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm để bảo đảm ATTP, phục vụ đời sống của Nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội Xuân, hướng tới mục tiêu để mọi người dân có quyền được sử dụng thực phẩm an toàn.
Để hoạt động truyền thông được triển khai bài bản và phát huy hiệu quả cao, việc xác định và tổ chức các kênh truyền thông giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Đơn vị đã triển khai tuyên truyền qua các kênh truyền thông đại chúng như: Viết các bài phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm an toàn đến người dân; phát thông điệp “Bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025” trên hệ thống đài truyền thanh ở xã, phường, khu phố. Đồng thời phối hợp với các cơ quan báo chí của tỉnh để cung cấp thông tin, tình hình về ATTP.
Để đẩy mạnh tuyên truyền việc bảo đảm ATTP dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội Xuân, Chi cục tham mưu tổ chức cấp phát các ấn phẩm truyền thông như: tờ rơi, treo băng zôn ở các địa điểm công cộng, khu du lịch, tổ chức tuyên truyền lưu động qua địa bàn các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
PV: Đồng chí có thể đưa ra các khuyến cáo đối với người tiêu dùng để bảo đảm ATTP trong dịp tết Nguyên đán?
Đ/c Đoàn Ngọc Quý: Để bảo đảm ATTP dịp Tết Nguyên đán, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh có một số khuyến cáo như sau: Người dân nên có kế hoạch mua sắm và sử dụng thực phẩm phù hợp, không nên mua tích trữ quá nhiều thực phẩm sử dụng trong thời gian dài, bảo quản không đúng cách sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng của thực phẩm.
Bên cạnh đó, mỗi người dân nên là người tiêu dùng thông thái, cần có kiến thức, kỹ năng khi lựa chọn mua thực phẩm. Nguyên tắc cơ bản là lựa chọn thực phẩm tươi sống, hình dáng bên ngoài phải còn nguyên vẹn, lành lặn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng không có mùi khó chịu; thực phẩm bao gói sẵn không bị rách nát, không bị biến dạng.
Chọn hàng hóa có nhãn mác đầy đủ các nội dung, còn hạn sử dụng, không hỏng, mốc; thận trọng với các loại thực phẩm có màu sắc bắt mắt vì có thể những sản phẩm này có chứa phẩm màu, phụ gia độc hại cho sức khỏe.
Chỉ chọn mua và sử dụng thực phẩm ở những cơ sở có địa điểm cố định, địa chỉ rõ ràng, có uy tín, được phép kinh doanh thực phẩm, thực hiện đầy đủ các quy định về điều kiện kinh doanh thực phẩm; cảnh giác khi mua thực phẩm trên mạng. Không mua và không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, không có nguồn gốc xuất xứ.
Bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm đúng cách, tốt nhất là ăn thực phẩm sau khi vừa nấu chín và nấu kỹ lại thực phẩm đã bảo quản trước khi ăn.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!