Chủ động hội nhập quốc tế trong giáo dục tiểu học

Hội nhập quốc tế là yêu cầu tất yếu đối với sự phát triển của mọi lĩnh vực, trong đó có giáo dục. Trong những năm qua, các trường tiểu học trên địa bàn TP. Thái Nguyên đã chọn 'Thực hiện hội nhập quốc tế trong giáo dục' làm điểm nhấn trong công tác dạy và học. Qua đó giúp giáo viên nâng cao năng lực giảng dạy, học sinh mở rộng tầm nhìn, tăng cơ hội giao lưu, hội nhập với thế giới...

Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (TP. Thái Nguyên) luôn chủ động tổ chức các tiết dạy học kết nối.

Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (TP. Thái Nguyên) luôn chủ động tổ chức các tiết dạy học kết nối.

Theo bà Ngô Thị Quyên, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP. Thái Nguyên, việc đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giáo dục tiểu học không chỉ nâng cao chất lượng dạy và học mà còn góp phần xây dựng một thế hệ học sinh tự tin, bản lĩnh, và sẵn sàng tham gia vào môi trường quốc tế.

Bởi vậy, để hiện thực hóa mục tiêu “Hội nhập quốc tế trong giáo dục”, Phòng GD&ĐT đã đồng hành với các đơn vị xây dựng kế hoạch, tìm kiếm các đơn vị phối hợp thực hiện. Trong quá trình triển khai, các thầy, cô giáo đã nỗ lực, chủ động kết nối các tiết học với giáo viên, học sinh nước ngoài; đồng thời, các trường đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ các giáo viên nước ngoài nhằm giúp rút ngắn khoảng cách về địa lý. Nhờ đó, học sinh có cơ hội tiếp cận ngôn ngữ và văn hóa từ chính người bản ngữ, mở rộng tầm nhìn và tăng cường kiến thức tiếng Anh, khả năng giao lưu, hội nhập quốc tế.

Để việc kết nối thành công, các trường học và giáo viên đã tìm cách khắc phục khó khăn về thiết bị dạy học, sự chênh lệch múi giờ, thời gian và nội dung học tập giữa Việt Nam với các quốc gia khác. Bên cạnh đó cũng đòi hỏi giáo viên có kế hoạch kỹ lưỡng, soạn giáo án riêng và thống nhất chủ đề giảng dạy với giáo viên nước ngoài...

Một trong những hoạt động nổi bật là các hoạt động dạy học kết nối không biên giới. Năm học 2023-2024, một số trường học trên địa bàn TP. Thái Nguyên đã triển khai mô hình dạy học kết nối với các nước Ấn Độ và Hàn Quốc, như: Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân, Tiểu học Trưng Vương, Tiểu học Tân Cương và Tiểu học Đồng Quang. Các trường này đã thực hiện 9 tiết học trong các môn Tiếng Anh và Địa Lý, với các chủ đề liên quan đến: "Nghề nghiệp trong tương lai", "Văn hóa ẩm thực" và "Biến đổi khí hậu".

Qua các tiết học, học sinh không chỉ được rèn luyện kỹ năng nghe nói tiếng Anh mà còn được trau dồi sự tự tin trong giao tiếp, tự hào hơn về cảnh đẹp cũng như văn hóa quê hương, đất nước.

Học sinh tiểu học của TP. Thái Nguyên tham dự Kỳ thi IOE cấp Quốc gia năm học 2023-2024.

Học sinh tiểu học của TP. Thái Nguyên tham dự Kỳ thi IOE cấp Quốc gia năm học 2023-2024.

Bên cạnh đó, các trường đã tổ chức, kết nối cho học sinh tham gia các sân chơi quốc tế. Học sinh tiểu học của TP. Thái Nguyên đã tích cực tham gia các cuộc thi quốc tế như cuộc thi Toán quốc tế (FMO, TIMO, HKIMO) và đạt được 109 giải, trong đó có 23 Huy chương Vàng, 28 Huy chương Bạc, 45 Huy chương Đồng, 13 giải Khuyến khích.

Các em cũng tham gia sân chơi “Thiếu nhi Việt Nam vươn ra thế giới” và đạt được nhiều giải thưởng, trong đó có 2 giải Nhì, 2 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc và 1 Huy chương Đồng tại Cuộc thi quốc tế tổ chức ở Thái Lan.

Đặc biệt, môt số cơ sở đã thiết lập nhiều hoạt động hợp tác quốc tế với các tổ chức và trung tâm nước ngoài, như: Trường Tiểu học và THCS 915 Gia Sàng đã đón đoàn tình nguyện thanh thiếu niên Hàn Quốc sang giao lưu và chia sẻ kiến thức trong các môn Mỹ thuật và Âm nhạc. Trường Tiểu học Nguyễn Huệ và Trường Tiểu học số 2 Linh Sơn phối hợp với Tổ chức KOICA của Hàn Quốc tổ chức chuyên đề về phân loại rác thải, biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

Đáng chú ý, hơn 10.000 học sinh từ lớp 3 đến lớp 5 trên toàn thành phố đã tham gia thi Đấu trường tiếng Anh Cambridge và đạt được 24 giải Nhất, Nhì, Ba và Khuyến khích, cùng với 153 học sinh đạt chứng chỉ Cambridge ở các cấp độ khác nhau.

Với kết quả đạt được, trong thời gian tới, giáo dục tiểu học TP. Thái Nguyên tiếp tục thực hiện mục tiêu “Tăng cường khả năng hội nhập quốc tế”. Các hoạt động giao lưu, học tập và chia sẻ kiến thức về dạy học hội nhập quốc tế sẽ được mở rộng, đẩy mạnh hơn nữa.

Mạng lưới giáo viên triển khai các lớp học xuyên biên giới sẽ được nhân rộng, kết nối với nhiều quốc gia như Malaysia, Pakistan, và đặc biệt là các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến như: Australia, Singapore, Hoa Kỳ, Nhật Bản... Môn học kết nối sẽ được mở rộng sang các môn Toán, Khoa học và nhiều lĩnh vực khác.

Thảo Nguyên

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/giao-duc/202410/chu-dong-hoi-nhap-quoc-te-trong-giao-duc-tieu-hoc-f1334e4/
Zalo