Chủ động hỗ trợ nữ doanh nhân khởi nghiệp, phát triển kinh tế tập thể

Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam vừa ký kết Chương trình phối hợp công tác về hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp và phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2024-2027.

Các đại biểu tham dự Lễ ký kết. Ảnh: H.S

Các đại biểu tham dự Lễ ký kết. Ảnh: H.S

Chương trình gồm 4 nội dung chính: Xây dựng, đề xuất các chính sách; tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của hội viên, phụ nữ về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp và phát triển kinh tế tập thể. Phối hợp thực hiện các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, tập trung hỗ trợ các hộ kinh doanh/doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) do phụ nữ làm chủ. Phối hợp thực hiện hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ. Phối hợp thực hiện nghiên cứu, giám sát, đánh giá, sơ kết, tổng kết các hoạt động thuộc Chương trình phối hợp và chức năng, nhiệm vụ của hai bên.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, khu vực doanh nghiệp và kinh tế tập thể của Việt Nam luôn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Hiện nay, có khoảng 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động, đóng góp hơn 60% GDP, tạo việc làm cho khoảng 30% lao động trong nền kinh tế. Trong số đó, hơn 20% là doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.

Cùng với đó, khu vực kinh tế tập thể, mà nòng cốt là gần 34.000 hợp tác xã, 160 liên hiệp hợp tác xã và 73.000 tổ hợp tác đang từng bước mở rộng và phát triển, là chủ thể quan trọng thực hiện chương trình nông thôn mới, cùng với khu vực doanh nghiệp ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế…

Nữ doanh nhân Việt Nam đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực mới, vốn được coi là thế mạnh của nam giới như: Logistic, cầu đường, xây dựng, quản lý khu công nghiệp, công nghệ thông tin và hàng không…

Tuy nhiên, các doanh nghiệp, hợp tác xã nói chung, trong đó có các đơn vị do phụ nữ làm chủ còn nhiều hạn chế về quy mô, nguồn vốn, năng lực cạnh tranh thấp, hiệu quả hoạt động chưa cao; chưa tham gia được vào chuỗi cung ứng của khu vực và toàn cầu. Một trong những nguyên nhân là do năng lực và trình độ quản trị còn hạn chế, thiếu bài bản, chuyên nghiệp và chưa tiệm cận được các chuẩn mực, thông lệ tốt của khu vực và thế giới.

Hai cơ quan sẽ cùng nhau xây dựng, đề xuất các chính sách, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức và huy động nguồn lực để triển khai có hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Luật Hợp tác xã, các chương trình, đề án nhằm nâng cao năng lực, quyền năng kinh tế, trao quyền kinh tế cho phụ nữ.

Thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp chặt chẽ với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam thực hiện hiệu quả các chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, sản xuất thông minh, nông nghiệp công nghệ cao.

Hồng Sơn

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/chu-dong-ho-tro-nu-doanh-nhan-khoi-nghiep-phat-trien-kinh-te-tap-the-674628.html
Zalo