Chủ động giải pháp tăng trưởng tín dụng

Ông Liêu Chí Tài, Phó giám đốc Phụ trách Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Cà Mau, thông tin, đến ngày 30/11, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh đạt 71.673 tỷ đồng, tăng 3,34% so với đầu năm, tương đương với mức tăng 2.315 tỷ đồng. Dự báo đến hết năm 2024, dư nợ cho vay tại Cà Mau sẽ đạt 73.039 tỷ đồng, tương đương mức tăng 5,3% so với đầu năm.

Tuy nhiên, ông Tài cũng cho biết, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng của Cà Mau trong năm 2024 đang có dấu hiệu chậm lại so với mức tăng trưởng tín dụng chung của cả nước (9%) và khu vực đồng bằng sông Cửu Long (5,58%). Mặc dù nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) có mức tăng trưởng tín dụng khả quan, nhưng cũng không ít ngân hàng có tăng trưởng tín dụng thấp, thậm chí có nhiều TCTD ghi nhận dư nợ tín dụng giảm so với cuối năm 2023. Ðiều này gây không ít thách thức trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% đã được đặt ra đầu năm.

Theo ông Tài, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tín dụng tăng trưởng chậm, đó là do khó khăn chung của nền kinh tế. Các doanh nghiệp (DN), nhất là các DN xuất khẩu và ngành thủy sản đang gặp phải rất nhiều thách thức. Nhiều DN phải thu hẹp quy mô, thận trọng trong các quyết định đầu tư và tiết kiệm chi phí, bao gồm cả chi phí vay vốn ngân hàng. Ðiều này làm giảm cầu tín dụng trong nền kinh tế.

Các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp, hy vọng sẽ góp phần vào việc đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng tỉnh Cà Mau.

Các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp, hy vọng sẽ góp phần vào việc đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng tỉnh Cà Mau.

Ðặc biệt, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nuôi và chế biến thủy sản, một trong những ngành chủ lực của tỉnh vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tỉnh thường xuyên phải đối mặt với các hiện tượng thiên tai, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân. Những yếu tố này cũng làm cho việc phát triển các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị chậm, thiếu bền vững, điều này chưa đủ điều kiện để các ngân hàng thương mại cung cấp tín dụng.

Ngoài ra, một số nhóm khách hàng như các DN nhỏ, hợp tác xã và hộ kinh doanh chưa đáp ứng đủ các yêu cầu vay vốn từ các ngân hàng, đặc biệt là về tài sản đảm bảo, quy mô vốn nhỏ và thiếu các phương án đầu tư khả thi. Một số chi nhánh ngân hàng chưa thực sự quyết liệt trong việc triển khai các chỉ đạo thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, đặc biệt là Chương trình Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp.

Trước tình hình trên, ngành ngân hàng tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Ông Ðỗ Thanh Tịnh, Giám đốc Agribank Cà Mau, chia sẻ, đến cuối tháng 11, dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn tại Agribank Cà Mau đạt hơn 16.248 tỷ đồng, chiếm gần 89% trong tổng dư nợ cho vay của chi nhánh. Agribank đã thực hiện nhiều chương trình tín dụng ưu đãi, trong đó đáng chú ý là các chương trình cho vay theo Nghị định số 55/2015/NÐ-CP và Nghị định số 116/2018/NÐ-CP của Chính phủ, hỗ trợ đối tượng vay vốn trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn.

Agribank đã thực hiện nhiều chương trình tín dụng ưu đãi, đặc biệt là hỗ trợ đối tượng vay vốn trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn.

Agribank đã thực hiện nhiều chương trình tín dụng ưu đãi, đặc biệt là hỗ trợ đối tượng vay vốn trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn.

Ðể giải quyết khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng, Agribank đã triển khai các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, đơn giản hóa thủ tục vay vốn và rút ngắn thời gian xét duyệt, giúp DN và người dân có thể tiếp cận tín dụng một cách thuận lợi và nhanh chóng. Ngân hàng cũng chú trọng phối hợp với các hội, đoàn thể như Hội Nông dân và Hội Liên hiệp Phụ nữ để đẩy mạnh cho vay qua tổ nhóm, đặc biệt là các khoản vay tiêu dùng ở khu vực nông thôn.

Ông Tịnh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đẩy mạnh các chương trình tín dụng đặc thù như cho vay theo Nghị định 55/2015, nhằm hỗ trợ các DN và người dân phát triển các thế mạnh của tỉnh như nuôi thủy sản, chế biến nông - lâm - thủy hải sản, xuất khẩu và du lịch.

Mặc dù tăng trưởng tín dụng toàn tỉnh có thể chưa đạt mức kỳ vọng, nhưng với sự chủ động của các ngân hàng trong việc tìm kiếm các giải pháp linh hoạt và hỗ trợ trực tiếp cho các lĩnh vực ưu tiên, tín dụng của tỉnh Cà Mau dự kiến sẽ phục hồi và tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ổn định trong những năm tiếp theo./.

Hồng Phượng

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/chu-dong-giai-phap-tang-truong-tin-dung-a36313.html
Zalo