Chủ động đưa công nghệ thông tin đến đồng bào Khmer
Thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, tỉnh Trà Vinh đã và đang đẩy mạnh thực hiện nhiều giải pháp nhằm tăng cường ứng dụng chuyển đổi số vào các mặt hoạt động. Đặc biệt, tại một số chùa Khmer, 'cầu nối' đến với người dân là những vị sư, giáo viên, thanh niên ở vùng có đông đồng bào Khmer.

Đảng viên Thạch Siêng (bìa trái) đang học Tin học tại Chùa Thlốt.
Theo ghi nhận thực tế, lớp tin học miễn phí tại chùa Thlốt, xã Hiệp Hòa, huyện Cầu Ngang thu hút khá đông đảng viên và học sinh THCS, THPT tại địa phương tham gia. Sau khi hoàn thành khóa học, học viên được dự thi lấy chứng chỉ tại Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học Victory (Trường Đại học Trà Vinh). Được biết, gần 02 năm triển khai dạy tin học, đến nay, chùa đã tổ chức10 lớp với hơn 200 đảng viên và học sinh tham gia.
Đảng viên Thạch Siêng, một trong nhiều học viên đang học vi tính tại chùa Thlốt bày tỏ: Ban quản trị chùa và Thượng tọa Thạch Đa Ra, Phó Chủ tịch Hội đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Cầu Ngang hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho các đảng viên trong xã tiếp cận với máy tính để đánh văn bản, bắt kịp xu thế công nghệ mới. Tham gia học tôi rất vui, bởi khi bản thân tiếp thu công nghệ mới thì mình có thêm kiến thức để tuyên truyền, vận động giúp người dân nắm, hiểu rõ hơn về những chính sách của Đảng và Nhà nước đề ra, giúp người dân vào phát triển kinh tế, sản xuất, chăn nuôi hiệu quả.
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Trúc, Bí thư Chi bộ ấp Phiêu, xã Hiệp Hòa chia sẻ: Sư cả Thạch Đa Ra tạo điều kiện cho đảng viên chi bộ học vi tính nên tôi và các đảng viên chi bộ rất mừng. Trước đây, nhiều người không biết vi tính nên làm văn bản cũng không dễ, giờ học lớp vi tính này là được nâng cao năng lực rất nhiều, từ đó, hiểu biết hơn, ứng dụng vào tuyên truyền, vận đông người dân, góp phần đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
Được biết, mỗi năm có hàng trăm học sinh và tăng sinh đến học chữ Khmer và tiếng Pali Khmer tại chùa Thlốt và gần đây là học vi tính tại chùa. Thượng tọa Thạch Đa Ra cũng là người có uy tín vùng đồng bào Khmer tỉnh Trà Vinh luôn gương mẫu đi đầu, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giúp đời bằng tri thức, đặc biệt là tích cực hưởng ứng mục tiêu phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia theo Nghị quyết số 57 bằng những hành động thiết thực.
Trước sự phát triển của xã hội hiện nay, việc tiếp cận với công nghệ thông tin rất quan trọng. Thượng tọa Thạch Đa ra tạo điều kiện cho đảng viên và học sinh tiếp cận với công nghệ thông tin, góp phần phát triển đất nước, tạo môi trường học tập giúp cho đảng viên, học sinh có kiến thức, kỹ năng để sau này vận dụng, phù hợp với yêu cầu phát triển công nghệ số hiện nay và tương lai.
Trao đổi với chúng tôi, cô Thạch Thị Thanh Ni, ngụ xã Hiệp Hòa cho biết: là giáo viên dạy tin học ở Trường THCS Sơn Vọng (xã Kim Hòa), ngoài dạy ở trường, tôi muốn góp một phần công sức nhỏ của mình hỗ trợ việc giảng dạy, nâng cao kiến thức của đảng viên ở cơ sở có nhu cầu cần học hỏi thêm kiến thức mới. Bởi, hiện công nghệ thông tin đang phát triển, chuyển đổi số đang là xu hướng nên cần nhiều người hiểu về công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm theo kịp sự phát triển của xã hội.
Theo Thượng tọa Thạch Đa Ra: trên con đường hành đạo - giúp đời, tôi và Ban quản trị chùa quan niệm có tri thức thì mọi người sẽ nhìn nhận cuộc sống sâu rộng hơn, đúng đắn hơn. Hòa cùng xu thế mới của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện nay, Phật giáo mong muốn tất cả Phật tử, người dân được tiếp cận nền giáo dục tiến bộ để làm giàu cho bản thân, gia đình và đất nước. Thời gian qua, tôi đã vận động xã hội hóa mua 18 máy vi tính và máy chiếu với kinh phí hơn 200 triệu đồng, tạo điều kiện cho cán bộ, đảng viên các ấp và học sinh, tăng sinh học tin học tại chùa.
Việc thực hiện Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị không phải là trách nhiệm của riêng tổ chức, cá nhân nào mà cần sự vào cuộc của cả cộng đồng. Trong đó, công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, đẩy nhanh chuyển đổi số cho cán bộ, đảng viên, ĐVTN, học sinh tại các địa phương, nhất là vùng nông thôn sâu là điều kiện cần thiết, hướng đến sự phát triển trong tương lai.