Chủ động đi trước cải thiện bữa ăn học đường

Phát triển bữa ăn học đường không chỉ khuyến khích trẻ đến trường mà còn cung cấp đủ dinh dưỡng, góp phần cải thiện tầm vóc, thể lực cho HS...

Ảnh minh họa INT.

Ảnh minh họa INT.

Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đưa ra mục tiêu nâng tỷ lệ các trường học có tổ chức bữa ăn học đường, xây dựng thực đơn đáp ứng nhu cầu theo khuyến nghị của Bộ Y tế về bảo đảm dinh dưỡng hợp lý theo lứa tuổi và đa dạng thực phẩm đạt 60% ở khu vực thành thị và 40% ở khu vực nông thôn vào năm 2025 và phấn đấu đạt 90% và 80% vào năm 2030.

Đề án “Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên để nâng cao sức khỏe, dự phòng bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản giai đoạn 2018 - 2025” cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, ít nhất 90% cơ sở giáo dục tổ chức bữa ăn bán trú tại trường học đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng theo quy định.

Thực hiện chiến lược, đề án, thời gian qua, các trường học có tổ chức bán trú đặc biệt quan tâm đến chất lượng bữa ăn học đường. Chương trình Sữa học đường đã thực hiện đối với nhiều trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học.

Đặc biệt, từ năm 2019, Bộ GD&ĐT triển khai mô hình điểm bữa ăn học đường, tạo hiệu quả tích cực đối với sự phát triển chiều cao, cân nặng của trẻ. Đến nay, mô hình điểm bữa ăn học đường đã triển khai trên 15 tỉnh, thành phố và tiếp tục thực hiện trong các giai đoạn tiếp theo của Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng.

Tuy đạt nhiều kết quả đáng khích lệ nhưng thực tiễn triển khai cho thấy việc nhân rộng bữa ăn học đường còn nhiều rào cản. Nguồn lực Nhà nước chỉ có thể hỗ trợ cho các đối tượng, vùng miền yếu thế, muốn duy trì bữa ăn học đường cần đến sự chung sức của phụ huynh và tài trợ xã hội. Điều kiện cơ sở vật chất phục vụ công tác bán trú còn nhiều khó khăn, đặc biệt các trường, điểm trường vùng sâu, xa, miền núi.

Các chương trình, đề án được xây dựng mới phần lớn mang tính ngắn hạn và chưa có cơ sở pháp lý quan trọng; vấn đề điều hành, chỉ đạo liên ngành còn kẽ hở, thiếu đồng bộ. Hiện chưa có quy định mang tính quy phạm pháp luật, nên việc tổ chức, quản lý, giám sát bữa ăn học đường và công tác chăm sóc dinh dưỡng cho học sinh vẫn nhiều hạn chế.

Thể lực của người Việt thấp hơn so với chuẩn tăng trưởng của Tổ chức Y tế Thế giới, nếu chậm khắc phục sẽ ảnh hưởng lớn tới chất lượng nguồn nhân lực, làm giảm năng lực cạnh tranh của quốc gia trong quá trình hội nhập. Vì thế đẩy mạnh việc chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em, học sinh qua bữa ăn học đường là giải pháp có ý nghĩa quan trọng, nhất là trong bối cảnh ngành Giáo dục đang triển khai Chương trình GDPT 2018, thời gian học của trẻ trên lớp tăng gấp đôi.

Để phát triển bữa ăn học đường, các quốc gia như Nhật Bản, Phần Lan, Thụy Điển… đều xây dựng hệ thống pháp luật tương thích, Việt Nam cũng cần sớm có hành lang pháp lý phù hợp, chẳng hạn như Luật Dinh dưỡng học đường.

Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, việc miễn phí bữa ăn cho học sinh cả nước là khó khả thi. Nếu chỉ trông chờ vào nguồn lực của Trung ương thì triển khai khó khăn, quan trọng vẫn là sự chủ động nguồn lực tại chỗ, công tác tổ chức bữa ăn học đường phải gắn chặt với nhà trường, trực tiếp chính tại địa phương.

Gần đây, làm việc với các cử tri Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm gợi ý với nguồn lực của mình, Thủ đô có thể miễn phí bữa ăn học đường. Đây là giải pháp khả thi, các địa phương có điều kiện khác ngoài Hà Nội cũng có thể nghiên cứu, thí điểm. Cùng với hoàn thiện hành lang pháp lý, sự chủ động đi trước một bước của những địa phương có điều kiện sẽ tạo đột phá trong việc nâng tầm vóc, thể lực cho thế hệ vàng của đất nước.

Mai Nguyên

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chu-dong-di-truoc-cai-thien-bua-an-hoc-duong-post728445.html
Zalo