Chủ động để GenAI mang lại lợi ích, đảm bảo công bằng
Việc áp dụng AI tạo sinh (GenAI) rất quan trọng đối với các doanh nghiệp (DN) hướng tới mục tiêu tăng trưởng mang tính chuyển đổi và duy trì lợi thế cạnh tranh trong nền kinh tế số hóa toàn cầu. Tuy nhiên, việc áp dụng GenAI không phải là không có rào cản và rủi ro, buộc các DN phải có chiến lược chủ động để mang lại lợi ích và đảm bảo sự công bằng.
Cách mạng về tăng trưởng và chuyển đổi lao động
GenAI - một nhánh của trí tuệ nhân tạo tập trung vào khả năng tạo ra nội dung mới và đa dạng dựa trên dữ liệu ban đầu, hỗ trợ các nhà lãnh đạo vượt qua sự trì trệ, thúc đẩy đổi mới và năng suất. Thông qua việc tự động hóa các tác vụ thường lệ và tạo ra các ý tưởng, sản phẩm và quy trình mới, GenAI có thể nâng cao đáng kể năng suất, cho phép các DN đạt được nhiều hơn với ít tài nguyên hơn.
Sức mạnh của GenAI còn đóng vai trò then chốt trong việc củng cố chuỗi cung ứng bằng cách cải thiện dự báo nhu cầu, quản lý chuỗi cung ứng và hậu cần, giúp các DN kết hợp cung với cầu tốt hơn, ổn định giá cả và giảm bớt áp lực lạm phát. Khả năng này đặc biệt quan trọng trong thời điểm nguồn cung dễ bị tổn thương và áp lực lạm phát kéo dài. Đặc biệt, công nghệ này tự động hóa các nhiệm vụ thường lệ, giải phóng nguồn nhân lực cho các quy trình phức tạp và sáng tạo hơn.
Theo nghiên cứu của EY về khai thác sức mạnh của GenAI, 43% CEO đã đầu tư vào AI và 45% khác có kế hoạch thực hiện trong năm tới. Hoa Kỳ hiện đang dẫn đầu về nghiên cứu và phát triển AI với lợi thế đi đầu và số lượng công ty AI, 41.400 bằng sáng chế và 22.500 chuyên gia AI. Ấn Độ cũng là quốc gia vượt trội với 2.900 bằng sáng chế, 2.700 công ty và 13.600 chuyên gia AI. Trung Quốc đứng ở vị trí tiếp theo với 1.900 công ty AI và được hưởng lợi từ việc có mạng lưới nghiên cứu và phát triển AI toàn cầu.
Uớc tính, cuộc cách mạng GenAI có thể nâng GDP toàn cầu lên 1.700-3.400 tỷ USD vào năm 2033, tương đương 1,5-3%. Con số này tương đương với việc bổ sung một nền kinh tế có quy mô như Ấn Độ trong một thập kỷ (tăng trưởng GDP dài hạn ở mức 2,5-3%). Nếu so sánh với cuộc cách mạng công nghệ thông tin trước đây, đầu tư vào GenAI có khả năng sẽ nhanh hơn 25% so với tốc độ tăng trưởng theo xu hướng hằng năm từ năm 2017-2022. Điều này sẽ dẫn đến mức tăng GDP thực tế là 1%, trị giá hơn 250 tỷ USD trong thập kỷ tới. Một kịch bản lạc quan hơn có thể chứng kiến mức tăng trưởng đầu tư kinh doanh nhanh hơn 50%, dẫn đến mức tăng GDP thực tế là 2%, trị giá tích lũy là 500 tỷ USD vào năm 2033.
Trong cuộc cách mạng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) những năm 1980-1990, tăng trưởng năng suất đã tăng gấp đôi. Với giả định sự gia tăng năng suất từ GenAI chỉ bằng một nửa cuộc cách mạng ICT, GenAI sẽ làm tăng GDP thêm 650 tỷ USD trong thập kỷ tới, tương đương tăng 2,5% năm 2033. Trong kịch bản tốt hơn, khi năng suất tăng nhanh gấp đôi so với giai đoạn 2017-2022, gia tăng năng suất nhờ GenAI sẽ giúp GDP tăng 1.200 tỷ USD, tương đương 5% trong 10 năm tới.
Nghiên cứu của EY cũng nhấn mạnh rằng, quá trình chuyển đổi lao động do GenAI sẽ mang tính toàn cầu vì nó ảnh hưởng đến hầu hết mọi chức năng trong thập kỷ tới, nhưng mức độ các chức năng bị ảnh hưởng sẽ khác nhau rất nhiều giữa các ngành nghề, lĩnh vực và địa lý. Những nhóm nghề nghiệp hàng đầu có khả năng áp dụng AI cao nhất là vận hành nhà máy và hệ thống, khoa học vật lý, nông nghiệp, soạn thảo, lập trình viên, kỹ sư và kiến trúc sư. Mặc dù những nghề nghiệp này tiếp xúc đáng kể với AI, nhưng tự động hóa hoàn toàn là không thể vì người lao động vẫn không thể thiếu trong việc giám sát các quy trình, ra quyết định chiến lược và các nhiệm vụ đòi hỏi sự phán đoán tinh tế.
Các nhóm nghề nghiệp có khoảng cách xa với AI gồm: Giáo viên (sau trung học), bác sĩ, đầu bếp, cứu hỏa. Tuy nhiên, ngay cả các nghề nghiệp đòi hỏi sự tương tác cao của con người cũng có một số chức năng được tăng cường thông qua GenAI, chẳng hạn như chấm điểm hoặc chuẩn bị tài liệu khóa học cho giáo viên, hay phòng ngừa, giám sát và phát hiện rủi ro sớm cho lính cứu hỏa.
Ngăn chặn từ sớm nguy cơ bất bình đẳng
Việc tích hợp GenAI mang lại nhiều cơ hội nhưng không ít những thách thức và rủi ro theo nhiều cách, chẳng hạn như bất bình đẳng thu nhập gia tăng, sự tập trung vào một số thị trường dẫn đến chênh lệch toàn cầu. Giải quyết những vấn đề này một cách hiệu quả là rất quan trọng để tận dụng các khả năng của GenAI theo cách mang lại lợi ích toàn diện cho các hộ gia đình, công ty và nền kinh tế trên toàn cầu.
TS. Khalid Khan - Trưởng nhóm AI về Chiến lược và giao dịch của EY Americas - cho rằng, về kinh tế, tác động của GenAI là rất lớn. Với khuôn khổ quản lý để áp dụng, các nhà lãnh đạo DN cần có cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm và có trách nhiệm giải quyết bất bình đẳng, mở rộng sự thịnh vượng cho các cổ đông và nền kinh tế nói chung.
Lấy dẫn chứng từ trường hợp của Hoa Kỳ, EY ước tính rằng, lợi ích kinh tế từ GenAI sẽ chuyển thành sự gia tăng thu nhập hộ gia đình trị giá từ 675-1.300 tỷ USD trong thập kỷ tới. Nhưng, hơn 50% lợi ích sẽ thuộc về hộ gia đình thu nhập cao trong khi chưa đến 5% thuộc về nhóm thu nhập thấp. Trên toàn cầu, tác động đến bất bình đẳng cũng tương tự khi những người lao động có thu nhập cao càng hưởng lợi từ những khoản tăng vượt trội. Ngoài ra, bất bình đẳng tiền lương cũng tăng giữa các ngành nghề bởi GenAI sẽ bổ sung (thay vì thay thế) các ngành nghề được trả lương cao so với các ngành nghề được trả lương thấp.
AI mang đến cơ hội chưa từng có để giải quyết những thách thức toàn cầu quan trọng. Các DN không thể đứng ngoài cuộc. Những DN chuyển đổi mô hình kinh doanh bằng GenAI sẽ sáng tạo và kiên cường hơn.
TS. Khalid Khan
Trưởng nhóm AI về Chiến lược và giao dịch của EY Americas
Sự thúc đẩy kinh tế toàn cầu từ AI có thể sẽ tập trung ở các quốc gia đi đầu trong phát triển AI và những quốc gia có khả năng khai thác công nghệ tốt nhất. Những quốc gia tiên phong như Hoa Kỳ, Trung Quốc và những quốc gia áp dụng sớm như Anh, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ sẽ được hưởng lợi lớn trong khi các quốc gia châu Phi cận Sahara, châu Mỹ Latinh và Nam Á sẽ tụt hậu.
Các chuyên gia của EY cho rằng, việc giải quyết những thách thức này đòi hỏi một cách tiếp cận đa diện. Các quốc gia phải thực hiện các chính sách chủ động giúp giảm thiểu những tác động không mong muốn của AI đối với người lao động như: Thay thế việc làm, hỗ trợ đào tạo và nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ. Đồng thời, khuyến khích phổ biến các công nghệ mới giữa các công ty nhỏ hơn và thực hiện các chiến lược, chính sách kinh doanh thúc đẩy tăng cường cạnh tranh thị trường, lan tỏa lợi ích của AI rộng rãi hơn trong nền kinh tế.
Ở cấp độ toàn cầu, sự hợp tác chặt chẽ, mở rộng khả năng tiếp cận công nghệ và cơ sở hạ tầng AI, xây dựng các kỹ năng số sẽ giúp thu hẹp khoảng cách về AI. Các cuộc cách mạng công nghệ trước đây đã minh chứng tầm quan trọng của việc xây dựng hệ sinh thái với các cải tiến bổ sung, cơ sở hạ tầng, kỹ năng và văn hóa để tận dụng đầy đủ các lợi ích về năng suất của công nghệ mới này./.