Chủ động cung ứng đủ xăng dầu cho thị trường trong mọi tình huống

6 tháng cuối năm, ngành xăng dầu dự kiến nhập khẩu khoảng 5,1 triệu tấn xăng dầu các loại (tương đương 6,12 triệu m3 tấn xăng dầu các loại); sản xuất trong nước đạt 7,7 triệu tấn xăng dầu các loại (tương đương 9,24 triệu m3 tấn xăng dầu các loại). Tiêu thụ nội địa khoảng 7,4 triệu tấn (tương đương 8,8 triệu m3 tấn xăng dầu các loại) và xuất khẩu khoảng 220 nghìn m3 tấn.

Thị trường xăng dầu trong nước 6 tháng đầu năm ổn định nhờ các doanh nghiệp đảm bảo nguồn cung. Ảnh minh họa: ST

Thị trường xăng dầu trong nước 6 tháng đầu năm ổn định nhờ các doanh nghiệp đảm bảo nguồn cung. Ảnh minh họa: ST

Thị trường xăng dầu trong nước ổn định

Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, tổng nguồn xăng dầu cho tiêu thụ thị trường nội địa 6 tháng đầu cuối năm 2025 của các thương nhân đạt 14,3 triệu m3 tấn, bằng 48,2% tổng nguồn xăng dầu tối thiểu phân giao năm 2025. Tiêu thụ 6 tháng cuối năm 2025 dự kiến khoảng 13,2 triệu m3 tấn (bình quân tiêu thụ khoảng 2,2 triệu m3/tấn/tháng xăng dầu các loại). Tồn kho 6 tháng đầu năm 2025 từ 1,7-1,8 triệu m3 tấn.

Theo bà Nguyễn Thúy Hiền - Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, nhập khẩu xăng dầu 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt 4,8 triệu tấn các loại (tương đương 5,76 triệu m3 tấn xăng dầu các loại). Về sản xuất 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt 7,83 triệu tấn xăng dầu các loại (tương đương 9,396 triệu m3 tấn xăng dầu các loại).

Theo báo cáo của các thương nhân, xăng dầu tiêu thụ tại thị trường nội địa 6 tháng qua ước đạt 13,86 triệu m3 tấn, bằng 47% tổng nguồn xăng dầu tối thiểu phân giao từ đầu năm 2025, tăng 1,1% so với thực hiện tổng nguồn 6 tháng đầu năm 2024 (tương đương với thực hiện 2,308 triệu m3 tấn xăng dầu/tháng). Nguồn cung thực hiện về cơ bản bám sát với kế hoạch theo từng Quý mà các thương nhân đã đăng ký với Bộ Công Thương. Tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2025 được Bộ Công Thương phân giao cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện là 29,517,404 m3/tấn xăng dầu các loại.

Bà Nguyễn Thúy Hiền cho biết thêm, tính đến kỳ điều hành ngày 12/6/2025, giá các mặt hàng xăng dầu đã qua 24 kỳ điều chỉnh giá. So với đầu năm 2025, giá hầu hết các mặt hàng xăng dầu đều giảm từ 2,97% đến 7,02% tương đương giảm từ 595-1.323 đồng/lít xăng, dầu tùy loại (trừ mazut tăng 2,25%). Giá xăng dầu trong nước trong 6 tháng đầu năm bám sát giá xăng dầu thế giới và duy trì ở mức thấp hơn nhiều so với đầu năm và so với cùng kỳ năm 2024, điều này đã góp phần hỗ trợ giảm chi phí đầu vào cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Doanh nghiệp sản xuất, cung ứng đều chủ động tối đa

Từ phía đơn vị sản xuất, cung ứng xăng dầu quan trọng của đất nước, ông Nguyễn Việt Thắng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) nhấn mạnh, 6 tháng đầu năm, BSR đã mua đủ dầu thô sản xuất đến hết tháng 8/2025. Công suất hoạt động thực tế của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất do BSR quản lý, vận hành đạt 114-115% công suất thiết kế. BSR đảm bảo nguồn cung nguyên liệu cho nhà máy và đảm bảo 70% nguồn cung cho an ninh năng lượng quốc gia.

Căn cứ này được lãnh đạo BSR đưa ra trên cơ sở, trong 6 tháng đầu năm 2025, công suất bình quân của NMLD Dung Quất đạt 114,4% so với công suất thiết kế. Đến hết tháng 6/2025, sản lượng của Nhà máy ước đạt 4,41 triệu m3 xăng dầu, tương đương 56% so với kế hoạch đăng ký cả năm, vượt 6% (tương đương 500.000m3) so với kế hoạch nửa đầu năm. Trao đổi về sản lượng 6 tháng cuối năm, ông Nguyễn Việt Thắng cho biết, sản lượng thực hiện ước đạt 8,8 triệu m3 xăng dầu, đảm bảo nguồn ổn định nguồn cung theo kế hoạch cho thị trường.

Về nguồn cung từ phía Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, ông Kazutaka Yamato - Tổng Giám đốc Công ty cho biết, nhờ hoạt động ổn định, đạt hơn 100% công suất thiết kế của Nhà máy, 6 tháng đầu năm 2025, Công ty đã sản xuất 1,45 triệu tấn xăng - hoàn thành chỉ tiêu sản xuất xăng của cả năm. Công ty tiếp tục sản xuất theo kế hoạch, đảm bảo đủ dầu thô phục vụ sản xuất kinh doanh và cũng đã chuẩn bị những tình huống ứng phó với biến động của thị trường.

Tham gia thị trường và chiếm thị phần cung ứng lớn nhất cả nước, ông Trần Ngọc Năm - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) nhấn mạnh, Petrolimex nhận định mức tiêu thụ năng lượng trên cả nước 6 tháng cuối năm sẽ không tăng trưởng nhiều so với năm 2024. Ngay trong những ngày đầu tháng 6, dù tác động của địa chính trị nhưng nguồn cung trên thị trường vẫn cơ bản được kiểm soát.

Theo quan sát của thương nhân đầu mối, công tác điều hành giá trong 6 tháng đầu năm của cơ quan chức năng được triển khai tốt hơn, việc công bố thời gian điều chính giá sớm hơn, ổn định hơn giúp các thương nhân kinh doanh xăng dầu có thời gian để chủ động triển khai các công việc.

Ông Trần Ngọc Năm đưa ra lưu ý, khi thị trường biến động, quan trọng nhất là công tác thanh tra kiểm tra để đảm bảo lượng hàng được đưa ra thị trường. Điều các doanh nghiệp xăng dầu mong đợi hiện nay là Chính phủ sớm ban hành Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu.

Còn đại diện Tổng công ty Xăng dầu Quân đội cho biết, 6 tháng đầu năm 2025, Tổng công ty bán ra 495 nghìn m3, đạt 45% kế hoạch năm. Tuy nhiên, năm nay, doanh nghiệp được giao quota cao hơn so với năm trước (tăng 23% so với năm 2024), do đó, dù chỉ đạt 45% so với kế hoạch nhưng thực tế doanh nghiệp đã bán tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo kế hoạch, 6 tháng cuối năm, doanh nghiệp sẽ tiêu thụ 650 nghìn m3, cả năm sẽ đạt 104-105% kế hoạch đề ra.

Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) chia sẻ, 6 tháng đầu năm, hoạt động sản xuất và kinh doanh xăng dầu của Tập đoàn cũng được đảm bảo, giúp ổn định nguồn cung xăng dầu trên thị trường. Nguồn nguyên liệu dầu thô cũng được Tập đoàn chủ động với tỷ lệ 70% mua dài hạn và 30% mua chuyến. Không chỉ duy trì nguồn cung, Tập đoàn cũng đã tính cả phần tăng trưởng trên 8% trong 6 tháng cuối năm 2025, đáp ứng nhu cầu xăng dầu phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.

Đảm bảo cung ứng trong mọi tình huống

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá, 6 tháng đầu năm, tình hình chính trị, kinh tế thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Trong nước, kinh tế cũng có bước tăng trưởng khá kéo theo nhu cầu sử dụng năng lượng, trong đó có xăng dầu khá cao. Dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, nguồn cung xăng dầu 6 tháng đầu năm được duy trì khá ổn định. Số liệu báo cáo cho thấy, 47-48% kế hoạch phân giao cho các doanh nghiệp đã được thực hiện, chứng tỏ kế hoạch đặt ra tương đối sát và việc thực hiện kế hoạch tương đối đạt yêu cầu”.

Tuy nhiên, dự báo 6 tháng cuối năm sẽ có nhiều yếu tố tác động đến việc điều hành cung ứng xăng dầu cho nền kinh tế, bởi cạnh tranh chiến lược, chiến tranh thương mại, xung đột vũ trang, nhất là khu vực Trung Đông; xung đột biên giới Thái Lan, Campuchia cũng tác động đến nguồn cung. Hơn nữa, nhu cầu trong nước được dự báo tăng cao do phải tăng tốc để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân của năm nay là 8% trở lên. Cùng với đó, trong xu thế thu hút đầu tư FDI tăng cao, nhu cầu sử dụng năng lượng, trong đó có xăng dầu sẽ lớn hơn. Cần phải lưu ý đến những vấn đề này để đảm bảo chủ động trong mọi tình huống.

Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng nêu rõ 03 mục tiêu chung trong 6 tháng cuối năm và năm 2026: bảo đảm đủ nguồn cung về xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống; duy trì được mặt bằng giá ổn định, bám sát giá xăng dầu thế giới; ổn định về hệ thống và hài hòa về lợi ích. Các mục tiêu chung này đã được xác định rất rõ trong Dự thảo lần 6 của Nghị định sửa đổi các Nghị định về kinh doanh xăng dầu.

Để thực hiện tốt những mục tiêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu Cục Quản lý, Phát triển thị trường trong nước tập trung nghiên cứu, rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực xăng dầu; phối hợp cùng với các bộ, ngành, trong đó có Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ khoa học và Công nghệ điều chỉnh các quy định. Cùng với đó là rà soát lại các tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện kinh doanh xăng dầu để sớm đưa vào thực tiễn.

Đồng thời, tiếp tục rà soát, điều chỉnh kế hoạch phân giao sản lượng tối thiểu cho thương nhân đầu mối và phải theo dõi, kiểm tra, giám sát hoạt động của hệ thống này. Cần xem xét lại, đánh giá lại và thực hiện việc này thật nghiêm túc.

Doanh nghiệp nào thực hiện đủ, đúng kế hoạch phân giao thì giao tiếp, còn doanh nghiệp nào không thực hiện thì sẽ giao giảm đi và đến kỳ sau nếu tiếp tục không thực hiện được thì sẽ rà soát để xem xét rút giấy phép...

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

QUỲNH ANH

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/chu-dong-cung-ung-du-xang-dau-cho-thi-truong-trong-moi-tinh-huong-41398.html
Zalo