Chủ động chống rét, đảm bảo sức chống chịu cho đàn vật nuôi

Những ngày này, khu vực miền núi tỉnh Lào Cai chìm trong giá rét, ở vùng núi cao có nơi nhiệt độ xuống rất thấp. Để ứng phó kịp thời với các hình thái thời tiết cực đoan, đặc biệt là các đợt rét đậm, rét hại, người dân vùng núi đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để chống rét, giữ ấm, tăng cường sức đề kháng cho đàn gia súc, gia cầm.

Những ngày rét đậm, ông Sùng A Quả cho trâu ăn tại chuồng. Ảnh: Nguyễn Thành

Những ngày rét đậm, ông Sùng A Quả cho trâu ăn tại chuồng. Ảnh: Nguyễn Thành

Người dân chủ động chăm sóc gia súc

Trao đổi với phóng viên, ông Lò Láo Cứu, Phó Chủ tịch UBND xã A Lù, huyện Bát Xát cho biết, những ngày này, trên địa bàn xã thời tiết rất lạnh. “Nền nhiệt trung bình từ 8-10 độ C, đặc biệt có những khu vực, nhiệt độ hạ xuống mức âm 2 độ C. Nhiệt độ thấp cộng với sương mù dày đặc khiến cho cảm giác rét cóng cả ngày” - ông Cứu nói.

Tổng đàn gia súc của xã A Lù hiện có hơn 300 con trâu, bò. Ngay từ đầu mùa Đông, chính quyền địa phương đã chủ động tuyên truyền, hướng dẫn bà con quây bạt kín chuồng trại, dự trữ thức ăn cho gia súc. Ông Cứu cho biết thêm: “Trước tình hình thời tiết giá rét kéo dài, bà con đã chủ động cắt cỏ dự trữ trong nhà để cho gia súc ăn. Ngoài việc chủ động dự trữ, bảo quản thức ăn thô xanh (phụ phẩm nông nghiệp hoặc ủ chua), bà con cũng chuẩn bị thức ăn tinh (khoai, sắn...) cho gia súc để đảm bảo đủ thức ăn, đảm bảo dinh dưỡng cho gia súc trong vụ Đông Xuân”.

Ý thức rất rõ về công tác bảo vệ vật nuôi trước giá rét, trong nhiều năm nay, ông Sùng A Quả, thôn Khu Chu Lìn đã xây chuồng cho trâu, bò; 4 mặt là tường đất, mái lợp fibro xi măng, cửa ra vào được che chắn bằng bạt. Trong chuồng nhà ông lúc nào cũng có sẵn cỏ cho trâu ăn. Trong những ngày trời quá lạnh, ông Quả còn đốt lửa để sưởi ấm để trâu không bị chết rét.

Cũng như ông Quả, gia đình anh Lý A Phong, thôn Phìn Chải 2 luôn chăm chút cho gia súc của gia đình. Trò chuyện với chúng tôi, anh Phong cho biết: “Gia đình tôi có 3 con trâu. Trong nhiều ngày qua, trên địa bàn có sương mù cả ngày, trời rất lạnh. Để chống rét cho trâu, gia đình tôi đã làm chuồng xây gạch đảm bảo kín gió. Trong những ngày trời ấm, chúng tôi thả trâu đi ăn cỏ, còn vào những ngày lạnh như hiện nay, chúng tôi nuôi nhốt, cho trâu ăn tại chuồng. Để đảm bảo sức khỏe cho trâu, buổi sáng, chúng tôi pha nước nóng cho trâu uống. Trong ngày, tôi cho trâu ăn một bữa cám ngô nấu với chuối”.

Theo anh Phong, năm nào cũng vậy, trước khi đến mùa Đông, không chỉ gia đình anh mà nhiều hộ dân khác trong xã đều chủ động nguồn thức ăn dự trữ, sửa chữa chuồng trại cho kín gió để chống rét cho gia súc. “Mùa Đông thì phải nhốt trâu, bò và phải thường xuyên dọn dẹp vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, phải đốt lửa sưởi ấm. Chúng tôi thường dự trữ thật nhiều thức ăn để đề phòng rét đậm, rét hại kéo dài” - anh Phong nói.

Chính quyền rốt ráo hướng dẫn biện pháp chống rét từ đầu mùa

Theo rà soát từ tháng 11/2024 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai, địa phương này có hơn 37.000 hộ nuôi gia súc lớn, với tổng đàn gia súc lớn là hơn 117.000 con (trâu, bò, ngựa). Trong đó, có gần 30.000 hộ có chuồng trại đảm bảo phòng, chống rét, chiếm 80,04%; còn gần 5.900 hộ có chuồng tạm chưa bảo đảm phòng, chống rét và 881 hộ chưa có chuồng trại. Tổng diện tích trồng cỏ toàn tỉnh hiện là hơn 2.500ha, đáp ứng được trên 50% nhu cầu thức ăn xanh cho đàn gia súc lớn. Rà soát cũng cho thấy, trước khi bước vào mùa Đông, đã có hơn 21.000 hộ dự trữ đủ nhu cầu thức ăn thô xanh cho trâu, bò. Hiện còn trên 1.000 con gia súc không có thức ăn và trên 800 con gia súc không có chuồng trại, có nguy cơ bị chết đói, rét cao khi xảy ra rét đậm, rét hại kéo dài.

Người dân vùng núi tỉnh Lào Cai dùng bạt quây chuồng trại để tránh gió lùa, giữ ấm cho vật nuôi. Ảnh: Bích Nguyên

Người dân vùng núi tỉnh Lào Cai dùng bạt quây chuồng trại để tránh gió lùa, giữ ấm cho vật nuôi. Ảnh: Bích Nguyên

Trước tình hình trên, ngay từ đầu mùa Đông năm 2024, UBND tỉnh Lào Cai đã xây dựng phương án phòng, chống rét cho đàn vật nuôi. Theo đó, địa phương này đã yêu cầu các huyện, thị xã tuyên truyền, vận động người dân tranh thủ những ngày trời nắng thu gom triệt để rơm rạ, các loại cỏ thân mềm phơi khô, bảo quản, dự trữ ở nơi khô ráo; gieo ngô dày làm thức ăn bổ sung cho đàn gia súc; tận dụng thân cây ngô, lạc, ngọn mía, bã mía, cỏ trồng và cỏ tự nhiên để chế biến, dự trữ bằng hình thức ủ chua, ủ men vi sinh. Đồng thời, vận động các hộ dân có chuồng nuôi nhưng chưa đảm bảo yêu cầu phòng, chống rét, các hộ chưa có chuồng nuôi khẩn trương sửa chữa, làm mới chuồng nuôi đảm bảo giữ ấm cho gia súc trong mùa Đông.

Cùng với đó, dự phòng các loại vật liệu để che chắn chuồng trại đảm bảo đủ ấm, không bị gió lùa, mưa hắt làm ẩm, ướt chuồng trong những ngày mưa rét. Thực hiện xong việc di chuyển đàn gia súc trong rừng về chăn thả và nuôi nhốt tại chuồng hoặc đến những nơi kín gió có đủ các điều kiện đảm bảo cho đàn gia súc tránh rét. Dọn vệ sinh chuồng nuôi gia súc hàng ngày, đảm bảo chuồng nuôi luôn khô ráo; định kỳ tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi 1 lần/tuần. Tăng cường chế độ nuôi dưỡng, chăm sóc đảm bảo khẩu phần ăn đủ dinh dưỡng đảm bảo sức khỏe cho gia súc để chống rét và dịch bệnh. Những gia súc già yếu, cần có chế độ chăm sóc hợp lý để tăng cường sức đề kháng với dịch bệnh, giá rét.

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Lào Cai, các xã có đàn gia súc di chuyển đi tránh rét phải thực hiện thống kê số hộ đăng ký di chuyển đàn gia súc, số lượng đàn gia súc các hộ dự kiến di chuyển đi và nơi gia súc di chuyển đến. Tuyên truyền, hướng dẫn các hộ dân trước khi di chuyển đàn gia súc đến các địa phương khác tránh rét phải thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho đàn gia súc; làm lán trại tạm thời để giữ ấm cho gia súc (có mái che, kín gió và cao ráo); định kỳ tiêu độc, khử trùng khu vực nuôi nhốt gia súc; thường xuyên thu gom phân, rác đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh.

UBND tỉnh Lào Cai cũng yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết, các đợt không khí lạnh tăng cường để thông báo tới người dân và có biện pháp ứng phó thích hợp. Khi xảy ra rét đậm, rét hại, các địa phương cần tập trung lực lượng xuống các thôn bản tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân không chăn thả và bắt gia súc làm việc trước 9 giờ sáng và sau 4 giờ chiều. Những ngày mưa, nhiệt độ dưới 12 độ C, nuôi nhốt cho ăn tại chuồng, không chăn thả gia súc hoặc bắt gia súc làm việc. Cung cấp đủ lượng thức ăn thô xanh cho mỗi con gia súc trưởng thành tối thiểu 5kg rơm khô/ngày hoặc 20kg thức ăn xanh/ngày; cho gia súc uống nước muối ấm; bổ sung thức ăn tinh (nấu cháo, cám cho gia súc ăn vào buổi sáng và chiều tối), đồng thời bổ sung các loại vitamin để tăng sức đề kháng cho gia súc; dùng bạt hoặc chăn cũ để làm áo ấm cho gia súc.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/chu-dong-chong-ret-dam-bao-suc-chong-chiu-cho-dan-vat-nuoi-post485086.html
Zalo