Chủ động chống buôn lậu và hàng cấm qua cửa khẩu
Dù hoạt động thương mại với nước bạn Lào qua các cửa khẩu trong năm 2024 không cao, nhưng đây là địa bàn tiềm ẩn nguy cơ phức tạp về tình trạng buôn lậu, vận chuyển hàng cấm qua biên giới, nhất là dịp Tết Nguyên đán. Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Na Mèo đã chủ động kế hoạch, phương án đấu tranh nhằm xử lý nghiêm minh, ngăn chặn tình trạng này.
Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Na Mèo hiện quản lý hải quan tại hai cửa khẩu phía Tây của tỉnh, gồm: Cửa khẩu quốc tế Na Mèo (Quan Sơn) và Cửa khẩu chính Tén Tằn (Mường Lát). Trong năm 2024, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua lại với nước bạn Lào chủ yếu là của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ở hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn qua Cửa khẩu quốc tế Na Mèo. Hàng hóa xuất khẩu chủ yếu là vật liệu xây dựng, xăng, dầu và các loại phương tiện máy móc phục vụ xây dựng các công trình tại nước bạn Lào (hàng tạm xuất tái nhập). Trong khi đó, hàng nhập khẩu, gồm gỗ xẻ, dược liệu, nông sản, quặng (hàng tạm nhập tái xuất)...
Theo Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Na Mèo, Lê Hồng Phong: Năm 2024, nhìn chung, các tổ chức, cá nhân hoạt động xuất nhập khẩu chấp hành tốt pháp luật về hải quan, loại hình xuất nhập khẩu không phức tạp, không có vụ việc nổi cộm, điển hình. Tuy nhiên, không vì thế mà cơ quan hải quan chủ quan, lơ là công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng cấm qua các cửa khẩu thuộc địa bàn quản lý. Bởi vào dịp cuối năm, nhu cầu sử dụng hàng hóa tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua cửa khẩu. Trong khi đây lại là địa bàn hoạt động của nhiều đường dây ma túy lớn, phức tạp, xuyên quốc gia, đưa ma túy từ Lào vào Việt Nam tiêu thụ, hoặc vận chuyển đi các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Theo đó, ngay trong tháng 11/2024, Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Na Mèo đã chủ động tổ chức thực hiện cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong, sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Trong cao điểm này, ngoài thực hiện đúng quy trình nghiệp vụ hải quan, thông quan, giải phóng nhanh chóng hàng hóa xuất nhập khẩu, cơ quan hải quan tập trung nắm vững diễn biến tình hình tại địa bàn quản lý, lịch trình của phương tiện xuất nhập cảnh ra vào khu vực cửa khẩu. Thực hiện kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ hàng hóa xuất nhập khẩu, hành lý của hành khách xuất nhập cảnh, phương tiện xuất nhập cảnh, quá cảnh.
Bên cạnh đó, Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Na Mèo chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hải quan cho doanh nghiệp, cư dân trên địa bàn quản lý hải quan. Thực hiện rà soát tình hình hoạt động của doanh nghiệp làm thủ tục tại đơn vị, nhằm đánh giá, phân loại, xác định các doanh nghiệp, mặt hàng trọng tâm, trọng điểm, có dấu hiệu hoặc nghi vấn buôn lậu, gian lận thương mại, để áp dụng các biện pháp quản lý rủi ro. Đồng thời, chủ động phối hợp với lực lượng biên phòng trong hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại cửa khẩu, đặc biệt chú ý đến các đối tượng thường xuyên qua lại cửa khẩu không có mục đích rõ ràng.
Cũng theo Chi cục trưởng Lê Hồng Phong, Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Na Mèo đã xây dựng phương án đấu tranh, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển, mua bán các mặt hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội qua cửa khẩu. Kiểm soát chặt chẽ các lô hàng nhập khẩu, chuyển khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, quá cảnh, nhất là các mặt hàng tiêu dùng, hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tăng cao trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Tuyệt đối không để địa bàn quản lý trở thành điểm nóng về các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.