Chủ động các phương án ứng phó với hạn hán

Trên cơ sở dự báo các vùng hạn hán, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng đã xác định các phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh trong mùa khô năm 2025.

Các nhà máy thủy điện trên lưu vực sông Đồng Nai tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương để chủ động kế hoạch sản xuất và chống hạn

Các nhà máy thủy điện trên lưu vực sông Đồng Nai tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương để chủ động kế hoạch sản xuất và chống hạn

Theo dự báo, từ tháng 2 đến tháng 3/2025, mực nước trên các sông, suối trên địa bàn giảm dần theo thời gian, khả năng cao sẽ gây hạn hán khoảng 11.075 ha đất sản xuất, trong đó, đa phần thuộc khu vực xa nguồn nước. Cụ thể, dự báo trên địa bàn TP Đà Lạt nguy cơ thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp khoảng 210 ha thuộc vùng tưới của các công trình Vạn Thành 2 (Phường 5); các hồ 26/2 (Phường 11), Lộc Quý (xã Xuân Thọ), Tà Nung (xã Tà Nung), Thành Lộc (xã Xuân Thọ) và Cầu Cháy (xã Xuân Trường). Huyện Lạc Dương nếu nắng kéo dài có khoảng 600 ha đất sản xuất nông nghiệp nguy cơ thiếu nước thuộc các khu vực tổ dân phố Bon Đưng I, II, Đăng Gia Dềt B, Đăng Kia, Hợp Thành (thị trấn Lạc Dương); các Thôn 1, 4, 5, 6 và Tiểu khu 118 (xã Đạ Sar); Tiểu khu 120, thôn Đa Ra Hoa và Liêng Bông (xã Đạ Nhim); Tiểu khu 63, Tiểu khu 39 (xã Đưng K’nớ).

Tương tự, dự báo diện tích thiếu nước sản xuất trong mùa hạn năm 2025 trên địa bàn huyện Lâm Hà khoảng 3.600 ha thuộc khu vực các xã Đạ Đờn, Phú Sơn, Đan Phượng, Liên Hà, Tân Thanh, Mê Linh, Phi Tô, Gia Lâm, thị trấn Đinh Văn. Huyện Đức Trọng khoảng 1.009 ha thuộc địa bàn các xã Liên Hiệp, Tân Hội, Bình Thạnh, Ninh Gia, Đa Quyn, Phú Hội và thiếu nước sinh hoạt cục bộ gần 75 hộ dân tại các thôn Tân Hiệp, Tân Đà (xã Tân Hội). Huyện Đạ Huoai khoảng 685 ha các khu vực xa công trình thủy lợi và khoảng 2.471 ha đối với các khu vực ngoài công trình thủy lợi thuộc địa bàn các xã Quảng Ngãi, Nam Ninh, Gia Viễn, Tiên Hoàng, Đạ Pal, Bà Gia, Hà Lâm; các thị trấn Đạ M’ri, Cát Tiên, Phước Cát…

Ngoài ra, huyện Bảo Lâm nhận định nắng nóng kéo dài có thể gây ra tình trạng thiếu nước cục bộ tại các khu vực Hang Bom (xã Lộc Bắc), Thôn 3 (xã Lộc Lâm), Đa Hang Lang, Nao Quang (xã Lộc Phú) và một số thôn, buôn ở xã Lộc Thành, Lộc Nam. TP Bảo Lộc nguy cơ thiếu nước cục bộ làm giảm năng suất cây công nghiệp tại các xã Lộc châu, Đại Lào, Lộc Nga, Lộc Thanh, Đạm B'ri, phường Lộc Phát, Lộc Sơn và các khu vực khác xa các hồ, đập, sông, suối…

Giải pháp trước mắt đối với các địa phương chủ động bố trí kinh phí đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 xây dựng, phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến tiết kiệm nước. Những khu vực cách xa công trình thủy lợi, không có công trình thủy lợi, canh tác dựa vào nước trời, nước hồi quy, khuyến cáo nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây lúa sang những cây trồng ít dùng nước, đảm bảo hiệu quả sử dụng đất. Ngoài ra, huy động và hỗ trợ sử dụng các máy bơm của hộ gia đình, máy bơm dã chiến để bơm nước từ các khe, suối, ao, hồ chống hạn; đào giếng, ao, hồ nhỏ để cấp nước tưới. Đặc biệt, vận hành công trình theo đúng quy trình phê duyệt, ưu tiên cấp nước sinh hoạt, cấp nước cho gia súc và cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao.

Riêng Trung tâm Quản lý đầu tư và Khai thác thủy lợi Lâm Đồng xác định từng công trình thủy lợi để phối hợp chính quyền địa phương xây dựng phương án cấp nước sản xuất. Đồng thời, thường xuyên duy tu bảo dưỡng máy móc, thiết bị tại các trạm bơm, cửa van điều tiết nước, máy đóng mở. Qua đó quản lý chặt chẽ, điều tiết hợp lý nguồn nước; sửa chữa, nạo vét gấp những công trình bị hư hỏng nặng không thể truyền tải nước từ nguồn kinh phí sửa chữa thường xuyên của đơn vị.

Giải pháp lâu dài xây dựng mô hình với các loại cây, con đã được thử nghiệm có khả năng chịu khô hạn, tiêu thụ ít nước; nhân rộng mô hình công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp, tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Bên cạnh đó, chủ động cải tạo, nạo vét các hồ chứa bị hư hỏng, bồi lấp và đầu tư xây dựng mới công trình thủy lợi trọng điểm, tăng dung tích trữ nước chống hạn. Đối với các nhà máy thủy điện trên lưu vực sông Đồng Nai cần tăng cường phối hợp giữa các cấp chính quyền địa phương để vận hành hợp lý; cung cấp thông tin kịp thời, chính xác về nguồn nước để chủ động kế hoạch sản xuất và chống hạn. Khi mực nước tại các hồ chứa xuống thấp hoặc do hư hỏng cần phải bảo dưỡng; thực hiện nghiêm quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Đồng Nai đã được cấp thẩm quyền phê duyệt…

VĂN VIỆT

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/toa-soan-ban-doc/202502/chu-dong-cac-phuong-an-ung-pho-voi-han-han-9a27d18/
Zalo